Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An đề nghị TAND tỉnh Nghệ An xử phúc thẩm vụ cô Lê Thị Dung đúng người, đúng tội, chặt chẽ, đảm bảo công bằng, khách quan, thấu tình đạt lý và họp báo sau khi tuyên án.
Sáng nay (8-5), tại Hội nghị Giao ban báo chí tháng 5-2023 tỉnh Nghệ An (Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở TT&TT tỉnh và Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An tổ chức), một số nhà báo đề nghị cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An thông tin thêm về vụ cô giáo Lê Thị Dung (nguyên giám đốc Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên), bởi vụ việc này dư luận quan tâm.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở TT&TT tỉnh và Hội Nhà báo tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị giao ban báo chí tháng 5-2023.
Ông Phạm Ngọc Cảnh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo tỉnh Nghệ An, cho biết: “Vụ việc này, cơ quan chức năng đã cung cấp thông tin và Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên đã trả lời báo chí. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An đã tổng hợp dư luận xã hội, báo chí; cho đến 12 giờ ngày hôm qua (7-5) đã có khoảng 26 tờ báo đưa tin và viết bài về vụ việc này. Chúng tôi đã tổng hợp tất cả thông tin trên báo chí từ nội dung, đánh giá, nhận định để báo cáo đầy đủ với Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An”.
Ông Cảnh thông tin thêm, sau khi TAND huyện Hưng Nguyên xét xử sơ thẩm vụ án bị cáo Dung, một số cơ quan báo chí và các trang mạng xã hội đã đăng tải thông tin, phân tích nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau. Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã yêu cầu các ngành, đơn vị liên quan báo cáo toàn bộ nội dung vụ án.
Gần đây nhất, Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An đã họp nghe các cơ quan chức năng báo cáo lại và đã có đề nghị sớm mở phiên tòa phúc thẩm và xét xử bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử; thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập, tuân theo pháp luật.
Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An cũng đề nghị xét xử vụ án theo thủ tục phúc thẩm phải đúng quy định pháp luật; đúng người, đúng tội, chặt chẽ; đảm bảo công bằng, khách quan, thấu tình đạt lý; tạo được sự đồng thuận trong xã hội.
Tại cuộc họp giao ban báo chí, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An đề nghị các phóng viên, các báo tránh giật tít “câu view”, làm người dân hiểu nhầm vụ việc, hiểu nhầm bản chất. Vụ án này đang được giải quyết theo thủ tục phúc thẩm. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nghệ An sẽ đề nghị TAND tỉnh Nghệ An có thông tin hoặc có họp báo sau phiên xử phúc thẩm sắp tới.
Như PLO đã đưa tin, theo hồ sơ, bà Dung giữ chức vụ giám đốc Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên từ 2012. Bà đã xây dựng, ban hành Quy chế chi tiêu nội bộ không đúng quy định của pháp luật dẫn đến việc lập chứng từ kế toán sai, thanh toán sai quy định.
Trong đó, năm học 2014-2015, bà Dung đã thanh toán sai quy định số tiền hơn 30 triệu đồng; năm học 2015-2016 số tiền hơn 13 triệu đồng. Tổng hai lần với số tiền hơn 44,7 triệu đồng được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước theo tài khoản của trung tâm chuyển vào tài khoản cá nhân của bà Dung.
Việc thanh toán sai thể hiện ở các nội dung bí thư chi bộ, học cao học… đã được thanh toán nhưng bà Dung vẫn quy đổi ra tiết dạy để thanh toán tiền thừa giờ cho bản thân là thanh toán trùng (thanh toán hai lần) cho cùng một nội dung.
Ngày 24-4, TAND huyện Hưng Nguyên tuyên phạt bị cáo Dung năm năm tù (mức thấp nhất của khung hình phạt), Nguyễn Thị Hương (57 tuổi, quê Hà Tĩnh, nguyên kế toán Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên) hai năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
HĐXX sơ thẩm cũng tuyên truy thu số tiền hơn 44,7 triệu đồng từ bị cáo Dung để trả lại cho Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên.
Hiện bị cáo Dung đã có đơn kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và đang kêu oan.
Nguồn: Đ.LAM
báo Pháp Luật TPHCM
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố