Đọc bài viết có tựa “Lý giải việc đại gia mất 15 tỷ đồng sau cuộc gọi với người tự xưng thiếu tướng” đăng trên Vietnamnet sáng nay 23/4, chuyên gia tội phạm học Đào Trung Hiếu nhận định: “Chỉ những người hiểu chuyện gì đang diễn ra trong xã hội và đọc các khuyến cáo, cảnh báo từ cơ quan chức năng, mới giúp mình tự bảo vệ được túi tiền”.
Dẫn chứng trường hợp của ông L là một đại gia ở TP.HCM liên tiếp nhận cuộc gọi có hình ảnh với những người tự xưng là thiếu tướng Công an. Khi làm theo hướng dẫn của những đối tượng giả danh này, ông L mất gần 15 tỷ đồng. Trường hợp thứ hai là của vị giáo sư 83 tuổi ở Hà Nội mất 750 triệu sau chuỗi ngày bị “khống chế” tâm lý qua điện thoại. Trung tá Đào Trung Hiếu, lý giải:
– Giáo sư, đại gia chỉ hiểu biết chuyên ngành mà họ quan tâm, không hiểu biết hết mọi vấn đề của cuộc sống. Đặc biệt, các nhà khoa học, những người làm công việc nghiên cứu chuyên sâu trên lĩnh vực nào đó, gần như dành mọi thời gian cho công việc. Chính vì thế, không khó hiểu khi họ trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo công nghệ cao.
– Rất nhiều người thờ ơ với nguy cơ an ninh, an toàn của mình cho đến khi trở thành nạn nhân của tội phạm. Do đó, để tránh bị sập bẫy lừa, người dân cần thường xuyên cập nhật tình hình thời sự, an ninh trật tự, nhất là đọc các cảnh báo từ cơ quan công an, nắm được các phương thức, thủ đoạn của tội phạm lừa đảo, lúc đó mới có thể nhận diện và biết cách phòng tránh.
– Nạn nhân và đối tượng không gặp nhau, chỉ thông tin qua môi trường mạng. Trong khí đó, những tài khoản mà đối tượng yêu cầu nạn nhân chuyển tiền đến đều là tài khoản ảo, không chính danh, chính chủ, mua bán trên mạng.
Những lý giải của anh Đào Trung Hiếu là chính xác. Tuy nhiên, còn có lý do khác khiến người dân có thể trở thành nạn nhân của bọn lừa đảo. Đó là yếu tố công nghệ, đặc biệt là sự phát triển chóng mặt của trí tuệ nhân tạo, kéo theo sự phát triển của hàng loạt ứng dụng, thậm chí trở thành trào lưu. Trong đó phải kể đến loạt ứng dụng sau:
1. Deepfake
Deepfake là cụm từ được kết hợp từ “deep learning” và “fake”, là phương thức tạo ra các sản phẩm công nghệ giả dưới dạng âm thanh, hình ảnh hoặc video, bởi trí tuệ nhân tạo (AI). Cách thức hoạt động của Deepfake liên quan đến quá trình “học” của trí tuệ nhân tạo. Từ đó, hình ảnh khuôn mặt của một số đối tượng nhất định với chất lượng cao được thay thế hoàn toàn bằng khuôn mặt của một người khác.
2. Reface
Đây là ứng dụng giúp ghép khuôn mặt của bạn vào những đoạn clip của những người nổi tiếng chỉ với việc chụp bức ảnh selfie trên điện thoại.
3. Avatarify
Ứng dụng này giúp bạn thay đổi khuôn mặt mình thành khuôn mặt của người nổi tiếng, ca sĩ yêu thích, hoặc bất kỳ ai đó nhờ vào thuật toán phân tích Deepfake AI theo thời gian thực.
4. MyHeritage
Là ứng dụng đang hot trend trên mạng xã hội về ứng dụng phục chế ảnh khuôn mặt từ lâu thành ảnh chuyển động với công nghệ Deepfake Deep Nostalgia.
5. Ngoài ra, tội phạm cũng có thể sử dụng ứng dụng Jiggy, Morphin, DeepFaceLab, Faceswap.dev để tạo ra giọng nói, hình ảnh và video giả để đánh lừa nạn nhân.
Lưu ý rằng, kẻ gian có thể chỉ cần sử dụng một trong số các ứng dụng, hoặc sử dụng nhiều ứng dụng cùng lúc trên nhiều nền tảng mạng xã hội khác nhau để cố ý cho nạn nhân kiểm tra.
Trên thực tế, khi chưa biết có những ứng dụng công nghệ trên, người nhận cuộc gọi Deepfake rất khó phân biệt thật giả và sập bẫy lừa đảo. Theo các chuyên gia công nghệ, thông qua các ứng dụng OTT (cung cấp nội dung hình ảnh, tin nhắn, gọi điện như Viber, Zalo, Messenger…), kẻ xấu có thể thực hiện cuộc gọi thoại, thậm chí cả video với giọng nói, hình ảnh là của người thân, người quen, sếp… khiến người nhận rất khó phân biệt thật giả và sập bẫy lừa đảo cuộc gọi Deepfake.
Thông thường, kịch bản lừa đảo sẽ bao gồm các bước, (1) kẻ lừa đảo tìm cách chiếm đoạt tài khoản Zalo, Facebook của người dùng, (2) tiếp đó thu thập hình ảnh (có thể cả giọng nói của nạn nhân từ các video) và dùng Deepfake tạo ra đoạn video mạo danh; (3) Sau đó kẻ lừa đảo nhắn tin mượn tiền những người dùng trong danh sách bạn bè Facebook của nạn nhân, đồng thời thực hiện cuộc gọi video mạo danh, phát video giả mạo để tăng độ tin cậy từ phía nạn nhân.
Tại bước (3), những cuộc gọi video giả mạo sẽ rất ngắn với mục đích cho bạn bè hay người thân của nạn nhân nhìn thoáng qua, sau đó tắt đi với lý do sóng điện thoại kém. Mấu chốt của việc lừa đảo này là để nạn nhân tin rằng bạn bè, người thân của mình đang gặp vấn đề và cần giúp đỡ, gửi tiền gấp. Với cách thức này, nếu chỉ nhìn thoáng qua sẽ có thể sập bẫy kẻ gian.
Một số nhà phân tích cho rằng, những ứng dụng nói trên sẽ không chỉ bị lợi dụng để lừa đảo tiền bạc, mà còn có thể lợi dụng để thực hiện các mục đích chính trị bẩn thỉu khác.
Để tránh bị lừa thì tốt nhất người dân nên tỉnh táo trong mọi tình huống. Khi có một ai đó trên mạng xã hội trong danh sách bạn bè của mình mà tự nhiên hỏi mượn tiền hay gửi link lạ thì không nên vội mà hãy bình tĩnh, kiểm chứng và nên xác thực mọi thứ.
Khi nghi ngờ, người dân nên chủ động xác thực bằng cách gọi điện thoại trực tiếp hoặc facetime (mặt đối mặt) ít nhất trên một phút, sau đó giả vờ đặt ra những câu hỏi cá nhân mà chỉ có bạn và người kia mới biết. Vì Deepfake sẽ không thể giả được một cuộc trò chuyện thật sự trong thời gian thực. Bởi tính tới thời điểm này biểu cảm của AI hay Deepfake vẫn không thể bắt chước được người thật. Những người tinh ý và cảnh giác có thể thấy thời lượng cuộc gọi hình ảnh thường rất ngắn, hình ảnh bị mờ, vỡ hình, chuyển động chậm trong khi giọng nói thì liền mạch, rõ ràng. Đó là điều phi lý khi đầu dây bên kia nói rằng sóng kém.
Cuối cùng, thủ đoạn lừa đảo của tội phạm thì muôn hình vạn trạng, thay đổi liên tục, và cách tốt nhất để tự bảo vệ mình là hãy đọc thật nhiều, đặc biệt là những cảnh báo của Bộ công an về vấn đề này.
Tin cùng chuyên mục:
Nguyễn Xuân Diện và sự thật lịch sử về Hải chiến Hoàng sa
Con trai ông Trump nói Tổng thống Zelensky nài nỉ được mời đến buổi lễ nhậm chức
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA