Nga tái khởi động chương trình vũ khí chống vệ tinh từ thời Liên Xô

Người xem: 172

MiG-31, máy bay vận tải Il-76 và tên lửa 79M6 Kontakt sẽ là những vũ khí chính mà Nga sử dụng để thực hiện nhiệm vụ bắn hạ vệ tinh.
 
Trang Bulgarianmilitary dẫn nguồn tin từ ấn phẩm Voennaya Miysl, Lực lượng Phòng không của Liên bang Nga (VKS) đang tích cực phát triển một dự án có khả năng bắn hạ vệ tinh. Ấn phẩm Voennaya Miysl được tài trợ và xuất bản bởi Bộ Quốc phòng Liên bang Nga.
 
MiG-31D với tên lửa 79M6 Kontakt.

 

Vào năm 2018, một chiếc MiG-31D với một tên lửa không xác định màu đen dưới thân máy bay được phát hiện trên bầu trời. Vào thời điểm đó, truyền thông Nga cho rằng đó là tên lửa chống vệ tinh 79M6 Kontakt. Hiện tại, Bộ Quốc phòng Nga đã công bố mô hình tên lửa này.
 
Voennaya Miysl chỉ ra rằng hệ thống này rất linh hoạt và cơ động, MiG-31D với tên lửa 79M6 Kontakt là phần thứ nhất của hệ thống; laser chiến đấu A60 Sokol-Echelon gắn trên máy bay vận tải IL-76 là phần thứ hai và tổ hợp laser chiến đấu Peresvet là phần cuối cùng.
 
79M6 Kontakt không phải là tên lửa mới, nó được thiết kế vào giữa năm 1980. Kể từ thời điểm đó, quân đội Nga đã có ý tưởng chống lại các vệ tinh của kẻ thù ở quỹ đạo thấp trên lãnh thổ Nga.
 
Cũng trong khoảng thời gian giữa những năm 1980, phần thứ hai của hệ thống được phát triển – tổ hợp laser chiến đấu A60 “Sokol-Echelon”. Đây là hệ thống chống vệ tinh dựa trên vũ khí laser và được đặt trên máy bay A-60.
 
Việc lựa chọn MiG-31D không phải là ngẫu nhiên và chỉ có 2 chiếc từng được sản xuất. Máy bay chiến đấu này có thể đạt tốc độ Mach 3 ngay cả khi bay gần rìa bầu khí quyển của Trái đất. MiG-31D là một loại máy bay chiến đấu có từ thời Liên Xô, được phát triển và đưa vào sử dụng từ những năm 1980.
 
Ngoài khả năng bay ở độ cao lớn với tốc độ cao, MiG-31D còn có thể mang tải trọng vũ khí lớn. Tuy nhiên chiếc máy bay này gần như bị lãng quên trong bối cảnh xuất hiện các loại máy bay chiến đấu mới.
 
Nhưng sau khi Nga giới thiệu, phát triển và bắt đầu triển khai tên lửa siêu thanh Kinzhal (Dao găm), MiG-31 trở thành phương tiện mang tên lửa hoàn hảo và đã có vị trí quan trọng trong không quân Nga.
 
Mắt xích yếu nhất hiện nay trong hệ thống chống vệ tinh này là tên lửa 79M6 Kontakt. Không ai biết khả năng của tên lửa này vì nó chưa bao giờ được kiểm tra. Sự sụp đổ của Liên Xô đã khiến tên lửa bị đưa vào kho lưu trữ như một dự án dang dở.
 
Tuy nhiên, các cuộc xung đột trong thập kỷ qua đã chỉ ra rằng thông tin và việc chia sẻ thông tin là yếu tố quan trọng nhất của chiến thuật quân sự. Mỹ đã cung cấp cho Ukraine vị trí quân đội Nga dựa trên định vị vệ tinh hoặc thông qua các máy bay trinh sát và máy bay không người lái được trang bị công nghệ vệ tinh.
Tên lửa ASM-135 ASAT của Mỹ.

 

Trên thực tế, Nga không phải là quốc gia đầu tiên nghĩ rằng các vệ tinh sẽ đóng vai trò then chốt trong các cuộc xung đột trong tương lai. Mỹ cũng đã từng chế tạo ra ASM-135 ASAT, đây một hệ thống chống vệ tinh, được thử nghiệm vào năm 1985. Trong vai trò của MiG-31D, người Mỹ đã sử dụng máy bay F-15 Eagle phiên bản sửa đổi cho phù hợp với nhiệm vụ.
 
Tổng cộng, Washington đã tiến hành 5 cuộc thử nghiệm ASM-135 ASAT. Một trong năm lần đó đã thành công, khi tên lửa đã hạ gục một vệ tinh ngừng hoạt động của NASA.
 
Ngày càng có nhiều bình luận không chỉ về chiến tranh thế giới thứ ba mà còn về chiến tranh không gian. Ba nước lớn nhất Mỹ, Nga và Trung Quốc đang dẫn đầu một cuộc đua không khoan nhượng về vấn đề này. Vì vậy, việc khởi động lại chương trình của Nga có thể mang lại lợi ích cho Moskva nếu một ngày nào đó loài người chứng kiến ​​một cuộc chiến tranh không gian toàn cầu.
 
LÊ HƯNG (Nguồn: Bulgarian Military)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *