Thực hiện Quy tắc sử dụng mạng xã hội là bảo vệ, giữ gìn đạo đức người làm báo

Người xem: 172

Phóng viên, nhà báo dùng mạng xã hội (MXH) như một công cụ quan trọng để truyền tải thông tin, bài viết đến công chúng. Nhưng tính lan tỏa nhanh chóng của MXH đòi hỏi người làm báo cần có trách nhiệm hơn khi sử dụng, đó là trách nhiệm với công chúng, pháp luật… và với quy tắc đạo đức người làm báo.

 

Nhà báo cần ứng xử chuẩn mực trên mạng xã hội. (Ảnh minh họa)

Với dân số khoảng 100 triệu người, Việt Nam hiện có khoảng 78 triệu lượt người sử dụng mạng xã hội/năm. Ước tính, thời gian sử dụng MXH của mỗi người Việt Nam vào khoảng 2 giờ 34 phút mỗi ngày. Như vậy, mỗi người Việt Nam mỗi tháng trung bình dành 77 giờ để sử dụng MXH … cũng từ đó thông tin sự kiện đã bị các MXH chiếm thị phần nhanh chóng.
 
Luôn đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ trong quá trình phát triển, các cơ quan báo chí cũng tập trung xây dựng tác phẩm báo chí trên các nền tảng MXH. Tìm kiếm thêm các đối tượng bạn đọc mới, có cơ hội mở rộng các nguồn thu, tuy nhiên khi báo chí tham gia vào các nền tảng MXH cũng đồng thời đặt ra những yêu cầu mới cho nhà báo khi sử dụng MXH.
 
Đối với người làm báo, họ thường xuyên tiếp xúc và sử dụng MXH để tra cứu, tìm kiếm những thông tin mới đang được công chúng quan tâm. Bên cạnh đó, những bài viết, đường link tác phẩm được chia sẻ lên MXH cũng tạo ra cơ hội để người làm báo tương tác được với công chúng.
 
Bên cạnh mặt tích cực đó, cũng xuất hiện tình trạng nhà báo sử dụng tiện ích, ẩn danh, dễ đăng, dễ sửa, dễ gỡ của MXH để đăng tải cung cấp, định hướng thông tin mang tính một chiều, cá nhân, không khách quan trung thực, đi quá giới hạn, thậm chí xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân…
 
Có thể nói với đặc điểm lan tỏa thông tin nhanh chóng trên MXH thì việc đưa thông tin trên không gian mạng sẽ nhanh chóng có lượng người tiếp cận rất lớn, những thông tin lan tỏa không giới hạn. Bởi vậy, nhiều người do thiếu hiểu biết pháp luật, suy nghĩ thiếu chín chắn cũng sử dụng MXH như một công cụ để trả thù người khác, đưa những thông tin bịa đặt, xuyên tạc, sai sự thật một cách có chủ đích.
 
Trao đổi với báo Nhà báo và Công luận, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, đặc điểm của MXH là càng có những tin tức, hình ảnh độc, lạ, dị, lệch chuẩn, bất thường thì càng có nhiều người theo dõi. Chính vì vậy, nhiều người muốn nổi tiếng trên MXH, muốn được nhiều người tung hô nên không ngại chửi bới, đưa ra những thông tin một chiều, chưa được kiểm chứng lên không gian mạng… những thông tin một chiều chưa được kiểm chứng đó đôi khi là bí mật đời tư cá nhân, những thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của người khác hoặc đơn giản những lời lẽ chửi bới xúc phạm người khác.
 
Với sự phát triển của truyền thông xã hội và báo chí kỹ thuật số, tầm ảnh hưởng của người làm báo với lợi thế nắm bắt thông tin nhanh nhạy, truyền tải đến công chúng ngày càng lớn. Chính vì thế Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo được ra đời và có hiệu lực đã góp phần định hướng mỗi người làm báo, hạn chế những nguy cơ không đáng có. Các quy định cụ thể, ngắn ngọn quy định một số nguyên tắc, chuẩn mực trong việc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam. Những nội dung này đảm bảo phù hợp với các quy định của pháp luật và đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Quy định những việc cần làm và những việc không được làm khi sử dụng MXH.
 
Tại tỉnh Tuyên Quang, từ khi có bộ Quy tắc sử dụng MXH của người làm báo Việt Nam, Bộ Quy tắc ứng xử trên MXH của Bộ Thông tin và Truyền thông và các văn bản quy phạm pháp luật khác Hội Nhà báo tỉnh Tuyên Quang đã ban hành các văn bản, kế hoạch hướng dẫn các chi hội, hội viên quán triệt nghiêm túc triển khai thực hiện các nội dung trong các bộ quy tắc.
 
Nhờ những nội dung ngắn gọn dễ nhớ, dễ làm trong các bộ quy tắc nên hội viên dễ dàng thực hiện, trên địa bàn tỉnh không xảy ra bất cứ hành vi vi phạm gì liên quan đến người làm báo sử dụng MXH. Người làm báo trên địa bàn tỉnh tích cực thông tin tuyên truyền mang tính xây dựng, đồng hành cùng với sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, không có tình trạng dùng MXH để đăng thông tin chưa được kiểm chứng, tin giả, bịa đặt….
 
Nhà báo Ma Văn Chức, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Tuyên Quang cho biết: Phóng viên các cơ quan báo chí của tỉnh hay thường trú cũng đều đồng thuận với chủ trương phát triển kinh tế của tỉnh. Khi có các câu hỏi thắc mắc đều được các cơ quan đơn vị, đặc biệt Hội Nhà báo tỉnh, Sở TT&TT, Ban Tuyên giáo tỉnh ghi nhận và giải đáp tại hội nghị giao ban báo chí và các sự kiện đột xuất khác.
 
Hội nhà báo tỉnh và các đơn vị của tỉnh cũng thường xuyên nắm bắt thông tin ở cơ sở đặc biệt là huyện, sở ngành biết được đội ngũ người làm báo đang quan tâm đến những vấn đề gì từ đó minh bạch thông tin, cung cấp thông tin cho phóng viên ngay từ cơ sở, tránh việc đùn đẩy kéo dài. Cũng nhờ vậy tránh được từ sớm, từ xa những bức xúc có thể dẫn đến thông tin tiêu cực trên MXH.
 

Tuy nhiên để làm tốt hơn nữa việc này, nhà báo Ma Văn Chức khẳng định: Mỗi hội viên trước khi đăng tải bài viết, hình ảnh hay bất cứ nội dung gì cần nhìn nhận mình với tư cách là nhà báo, phóng viên là người của công chúng, vì thế cần tính đế sự chuẩn mực của mình, của cơ quan báo chí mình đang công tác. Người làm báo cần mang tính xây dựng, tính định hướng, tính nhân dân trong các tác phẩm của mình, kể cả trong lời nói, hành vi trên mạng xã hội. Một sự kiện người làm báo cần đi tìm bản chất của sự vật, hiện tượng, tránh việc áp đặt tính cá nhân, cảm xúc bột phát vào bài viết trên mạng xã hội. Có như vậy mới góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ cơ quan đơn vị giao phó.

Nguồn: Vũ Phong
Báo Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *