Cảnh giác với tội phạm trên không gian mạng

Người xem: 367

Bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, mỗi người dân cần chủ động trang bị kiến thức, thông tin, luôn đề cao cảnh giác để tránh “sập bẫy” của tội phạm trên không gian mạng.

Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) triển khai các biện pháp nghiệp vụ. Ảnh: Nguyễn Khánh (Công an tỉnh)

Chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ đang trở thành xu thế, yêu cầu phát triển tất yếu trong những năm gần đây. Cùng với đó là sự xuất hiện ngày càng nhiều những đối tượng lợi dụng tiện ích của không gian mạng để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Luật An ninh mạng có hiệu lực từ ngày 1/1/2019 đã chỉ rõ những hành vi bị pháp luật nghiêm cấm: Đăng tải các thông tin có nội dung kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng; thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, thiệt hại cho các hoạt động kinh tế – xã hội; lừa đảo chiếm đoạt tài sản…
 
Trên cơ sở Luật An ninh mạng, bám sát nhiệm vụ chiến lược về chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh, lực lượng công an và các sở, ngành, địa phương đã tăng cường phối hợp đảm bảo an toàn, an ninh mạng, nhất là nâng cao nhận thức pháp luật của người dân, tạo “lá chắn” từ cơ sở để chủ động cảnh giác với tội phạm trên không gian mạng.
 
Nổi bật trong năm 2022, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được triển khai thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức phù hợp, như tổ chức tuyên truyền, sinh hoạt lồng ghép phổ biến kiến thức sử dụng mạng xã hội an toàn cho CBCCVC, lao động, học sinh, thanh thiếu niên. Trang thông tin điện tử Công an tỉnh và các phương tiện truyền thông thường xuyên đăng tải, phát sóng các tin, bài cảnh báo người dân về thủ đoạn của các đối tượng xấu, như: Giả danh cán bộ nhân viên ngân hàng gọi điện lừa đảo lấy thông tin thẻ tín dụng của người dân; chiêu trò lôi kéo công dân xuất cảnh đi lao động “việc nhẹ, lương cao”, nhưng thực chất bị cưỡng bức lao động, cưỡng đoạt tài sản…
 
Công an tỉnh và Sở GD&ĐT phối hợp xây dựng thí điểm mô hình “Mạng xã hội an toàn cho học sinh, sinh viên” tại Trường TH-THCS&THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trường THPT Hòn Gai (TP Hạ Long); Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh, Trung tâm GDNN-GDTX TP Hạ Long.
 

Đại diện nhà trường, phụ huynh và học sinh Trường THPT Hòn Gai (TP Hạ Long) ký cam kết triển khai mô hình “Sử dụng mạng xã hội an toàn cho học sinh, sinh viên”, tháng 5/2022. Ảnh: Công an tỉnh

Đầu tháng 11/2022, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh) và Công an TP Hạ Long phối hợp tổ chức hội nghị tuyên truyền về đấu tranh, phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, với sự tham gia của cán bộ các khu dân cư của 2 phường Hùng Thắng, Hà Phong. Trong đó chú trọng hướng dẫn người dân tham gia mạng xã hội thật văn minh, cụ thể bằng việc thận trọng khi comment, like, share… để tránh việc vô tình lan tỏa thông tin xấu, độc do thiếu hiểu biết; hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân; có kỹ năng xác minh thông tin chặt chẽ trước khi thực hiện các giao dịch trực tuyến; khuyến cáo nên theo dõi các trang mạng xã hội của Công an tỉnh, công an địa phương để có thêm kênh thông tin chính thống, trước nhiều luồng thông tin xấu, độc lan tràn, chưa được kiểm soát…
 
Trước những tiện ích của công nghệ 4.0 mang lại, các loại tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo, luôn lợi dụng các thành tựu công nghệ thông tin vào hoạt động phạm tội. Bằng nhiều hình thức tinh vi, thủ đoạn chung của các đối tượng tội phạm là lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin, thiếu hiểu biết của người dân để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Do đó, mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động tìm hiểu thông tin, kỹ năng sử dụng mạng an toàn.
 
Ngày 3/11, Viện An ninh phi truyền thống, Đại học Quốc gia Hà Nội, phối hợp với Công an tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội thảo khoa học – thực tiễn “Phương án, kịch bản khung phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống trên địa bàn tỉnh”.
Thảo luận trực tiếp tại hội thảo, nhiều đại biểu cũng tham gia các ý kiến, gợi mở nhiều vấn đề mới, đang bức thiết đặt ra, nhất là tập trung nêu bật những giải pháp để phòng ngừa, ứng phó với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như giải pháp phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia khu vực biên giới; phòng chống tội phạm mạng và thực hiện chính phủ điện tử, kinh tế số, thành phố thông minh…
 
***
Nguồn: Hoàng Giang
Báo Quảng Ninh Điện tử

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *