Về Đề án thu phí nội đô của Hà Nội

Người xem: 165

Khoai@
 

Anh em đang bàn tán xôn xao về “Đề án thu phí nội đô” của Hà Nội. Có người thì ủng hộ nhiệt liệt, số khác thì phản đối ấm ầm. Nhiều anh chị lo lắng nếu đề án thực hiện thì hàng trăm trạm thu phí sẽ bủa vây Thủ đô, làm tắc càng thêm tắc. Trong khi nhóm khác thì nói rằng, Hà Nội tìm cách thu phí kiểu vặt lông vịt, và rằng, không đâu trên thế giới làm như thế. Cá biệt, đã xuất hiện những luận điệu thiếu tính xây dựng, nhưng đậm tính kích động của những kẻ hẹp hòi, lòng lang dạ sói.

Thật ra, cái gọi là “Đề án thu phí nội đô” của Hà Nội là cách gọi tắt của Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”. Đây là một Đề án, nhưng cũng đồng thời là 1 trong số 37 giải pháp đã được Quốc hội và Chính phủ đồng ý cho thực hiện thí điểm nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết số 04/2017/NQ-HĐND TP Hà Nội.
 
Ngày 19/6/2020 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 115/2020/QH14 về “Thí điểm một số cơ chế chính sách tài chính – ngân sách đặc thù đối với thành phố Hà Nội”. Tiếp theo đó, ngày 16/10/2018 Văn phòng Chính phủ đã ban hành Văn bản số 10040/VPCP-KTTH về đề nghị của Thành phố Hà Nội để thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn 2030”.
 
Tiếp theo, đến ngày 5/04/2022 Chính phủ ban hành Nghị quyết số 48/NQ-CP về tăng cường đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022-2025. Trong nhiệm vụ, giải pháp cụ thể Nghị quyết giao “UBND các thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh ngoài triển khai các nội dung theo quy định tại khoản 14 Mục này, cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ sau: Nghiên cứu xây dựng, triển khai Đề án thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”.
 
Các văn bản nói trên chính là các cơ sở chính trị pháp lý quan trọng để Hà Nội triển khai Đề án “Thu phí nội đô” mà các anh chị đang bàn tán.
 
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội đã ký hợp đồng tư vấn với Trung tâm tư vấn phát triển giao thông vận tải thuộc Trường Đại học Giao thông vận tải để nghiên cứu và xây dựng đề án.
 
Quá trình xây dựng đề án phải tuân thủ quy trình xây dựng ban hành nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh/thành phố được quy định tại Chương VIII của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 ngày 22/06/2015 của Quốc hội khóa 13 và các quy định khác có liên quan.
 
Cũng trong quá trình xây dựng đề án, Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP Hà Nội và đơn vị tư vấn đã tổ chức nhiều buổi hội thảo, tham vấn ý kiến của cộng đồng dân cư, các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực liên quan để và nhận được nhiều ý kiến đóng góp sâu sắc.
 
Ngoài ra, đề án cũng chỉ ra các điều kiện kỹ thuật cần thiết để triển khai bao gồm đảm bảo điều kiện về công nghệ thu phí như số hóa, đồng bộ hệ thống cơ sở dữ liệu và chia sẻ dữ liệu về hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và trang thiết bị trên các phương tiện giao thông để có thể thực hiện được thu phí phí không dừng và xử lý vi phạm bằng hình ảnh (phạt nguội); đảm bảo không ùn tắc giao thông tại các khu vực thu phí.
 

Đề án cũng phải đảm bảo điều kiện vận tải công cộng có năng lực đáp ứng tối thiểu 30% nhu cầu đi lại của người dân để người đi xe ô tô cá nhân có thể chuyển đổi phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng; các điều kiện về kết cấu hạ tầng giao thông; hệ thống điểm giao thông tĩnh, bãi đỗ xe và trung chuyển kết nối giữa các loại hình giao thông cá nhân với hệ thống vận tải hành khách công cộng nhằm phục vụ hành khách trung chuyển thuận lợi từ phương tiện cá nhân sang phương tiện công cộng.

Về mặt khoa học, “Đề án thu phí nội đô” của Hà Nội là cần thiết nhằm hạn chế ùn tắc giao thông, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, xây dựng văn hóa giao thông công cộng, văn minh, hiện đại đáp ứng với đòi hỏi của một Thủ đô. Tuy nhiên, Hà Nội cũng rất thận trọng, đang trong giai đoạn lắng nghe, tiếp thu ý kiến phản biện từ các chuyên gia và người dân trên tinh thần cầu thị.

Được biết, bên Tư vấn lập đề án đã đề xuất chia làm 3 giai đoạn triển khai. Trong đó, giai đoạn thí điểm, Hà Nội sẽ thu phí phương tiện vào nội đô bắt đầu từ năm 2024. Giai đoạn 2 (từ năm 2026-2030) sẽ mở rộng vùng thu phí bờ Nam sông Hồng. Giai đoạn 3 (sau năm 2031) mở rộng vùng thu phí phía bờ Bắc sông Hồng. Trong 3 giai đoạn thu phí vào nội đô sẽ lập 68 vị trí, với 87 cổng thu phí.
 
Kết quả khảo sát trực tuyến về thu phí nội đô trên trang web của Sở Giao thông Vận tải Hà Nội và Tramoc cùng một số kênh cộng đồng (otofun…) cũng như qua mã QR truy cập đường link khảo sát dán tại các nơi công cộng cho thấy tính đến ngày 10/10/2022, đã thu được 1.028 phiếu khảo sát. Trong số này, có 39,7% ủng hộ thu phí nội đô, 33,2% ủng hộ có điều kiện và 27,1% không ủng hộ việc thu phí.
 
Kết quả điều tra xã hội học cho thấy mức phí chấp nhận được của người dân là 22.300 đồng. Nếu thu phí ở mức này, sẽ có khoảng 55% người sử dụng phương tiện sẽ chấp nhận trả phí để đi lại nhanh chóng bằng các phương tiện xe ôtô 4 chỗ, số còn lại sẽ chuyển sang các phương tiện khác được miễn hoặc giảm phí. Vì vậy, mức phí tối thiểu phải lớn hơn mức sẵn sàng chi trả của người dân thì mới có tác dụng điều tiết hành vi giao thông và việc thu phí không đặt mục tiêu lợi nhuận.
 
Một điểm rất đáng chú ý là, đại diện đơn vị tư vấn đề án của Trường Giao thông Vận tải cho biết, qua nghiên cứu, đánh giá, khi thực hiện thu phí sẽ giảm khoảng 20% lưu lượng giao thông đi vào khu vực thu phí, từ đó giảm ùn tắc giao thông.
 

Như trên đã nói, để Đề án thành công, Hà Nội cần tiếp tục nghiên cứu và làm rõ: (1) phạm vi thu phí; (2) nơi đặt trạm thu phí; (3) mức phí; (4) khung giờ thu phí; và (5) chỉ nên bắt đầu thu phí khi hệ thống vận tải công cộng hoàn thiện.

Cuối cùng, cần nhắc thêm rằng, hình thức thu phí nội đô nhằm làm giảm ùn tắc giao thông và giảm ô nhiễm môi trường đã được nhiều quốc gia tiên tiến trên thế giới tiến hành, như Singapore, Thụy Điển, Anh Quốc và nhiều bang ở Mỹ. Hình ảnh ở đầu bài viết này là của phóng viên Straits times chụp Trạm thu phí đường bộ công nghệ cao (ERP) tại đường Havelock của Singapore, và Singapore luôn tự hào là quốc gia đầu tiên trên thế giới thu phí nội đô thành công từ rất lâu.

Các anh chị có thể tham khảo bài viết theo link dưới đây.

http://tintuctrel.tamnghiathemes.com/2022/10/ieu-kien-e-cac-nuoc-thu-phi-xe-vao-noi-o.html

Và:

http://tintuctrel.tamnghiathemes.com/2022/10/cach-cac-thanh-pho-tren-gioi-thu-phi-xe.html

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *