Việc chiếm đoạt của cải, tài sản không phải của mình như trộm cắp, cướp giật, lừa đảo cũng như tham nhũng là có cùng thuộc tính pháp lý. Vì vậy, phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng với tội phạm tham nhũng…
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “đã thu được nhiều kết quả quan trọng”, “để lại dấu ấn tốt”. Tuy nhiên, “tham nhũng trên một số lĩnh vực vẫn nghiêm trọng, phức tạp, với những biểu hiện ngày càng tinh vi, xảo trá, gây bức xúc trong xã hội. Tham nhũng, tiêu cực vẫn là một trong những “kẻ thù hung ác”, nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta”.
Vào những ngày gần cuối tháng 7.2022 Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiếp tục quyết định thi hành kỷ luật thêm nhiều cán bộ lãnh đạo, cùng nhiều nguyên, cựu lãnh đạo cơ quan cấp trung ương và một số tỉnh, thành phố, đơn vị ở một số địa phương. Hàng loạt đối tượng đã bị khởi tố, bắt tạm giam liên can đến các vụ án, vi phạm về quản lý đất đai, gây thất thoát, tiêu cực, tham nhũng. Danh sách này chắc chắn sẽ còn tiếp tục dài ra…
Những diễn biến ấy cho thấy cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam vẫn đang nóng bỏng. Tuy nhiên, các vụ án tham nhũng đã bị phát hiện, xử lý đến nay cũng cho thấy hiện trạng tham nhũng, tiêu cực đã “leo cao, ăn sâu” nhiều nơi trong bộ máy của Đảng, Nhà nước các cấp từ địa phương cho đến trung ương. Hậu quả từ các vụ án ngày càng gia tăng tới hàng “khủng khiếp” trong mắt người dân, với giá trị thiệt hại hàng trăm tỷ, hàng ngàn và cả chục hàng ngàn tỷ đồng.
Còn một trong những tồn tại cho đến nay, theo báo cáo tổng kết đã nêu là “tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp…Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án giai đoạn 2012 – 2022 bình quân chỉ đạt tỷ lệ 34,7%”. Như vậy là vẫn còn hơn 65% tài sản của Nhà nước và nhân dân bị bọn tội phạm tham nhũng chiếm đoạt vẫn chưa thể thu hồi.
Điều đáng nói, theo quy định pháp luật và nguyên tắc xử lý các đối tượng vi phạm trong các vụ án hình sự, tham nhũng, tiêu cực, gây thất thoát, lãng phí tài sản nhà nước là bắt buộc các đối tượng tội phạm và liên can phải khắc phục hậu quả. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu “có thể khẳng định, cho đến nay, các chủ trương, quy định của Đảng, các văn bản pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của chúng ta cơ bản đã tương đối đầy đủ”.
Vậy thì với hơn 65% giá trị tài sản đã bị tham nhũng chưa được thu hồi là do hạn chế bởi năng lực của các cơ quan điều tra, truy cứu, xét xử ở các cấp liên quan hay do “năng lực che giấu tài sản tham nhũng” của bọn tội phạm tham nhũng vẫn đang “thắng thế”? Liệu những “chủ sở hữu các nguồn tài sản tham nhũng” đang được che giấu đó có vi phạm thêm cả Luật Phòng, chống rửa tiền? Tài sản tham nhũng còn bị che giấu, chưa thu hồi được đó có phải là một phần hậu quả của việc thực thi không nghiêm túc các quy định của Đảng, pháp luật nhà nước về kê khai tài sản, kiểm soát thu nhập của cán bộ, đảng viên ở các cơ quan, địa phương liên quan nhưng không được phát hiện, giám sát, chấn chỉnh kịp thời hay không?
Cùng với những nghi vấn nêu trên, dư luận xã hội còn quan tâm và có rất nhiều ý kiến về kiến nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí tham khảo kinh nghiệm quốc tế là “làm sao để có thể thu hồi tài sản Nhà nước bị tham nhũng, chiếm đoạt, thất thoát và khắc phục hậu quả tốt hơn nữa; đồng thời, tăng tính phòng ngừa và giảm xử lý hình sự đối với người vi phạm thì chắc là cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực sẽ thành công hơn nữa”.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo của Bộ Tư pháp vào chiều 19.7.2022, ông Nguyễn Thắng Lợi, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, cũng cho rằng “việc tội phạm ăn năn, hối cải, tự nguyện giao nộp lại tài sản và khi xét xử được giảm án theo chúng tôi cũng là cần thiết… Hiện Tổng cục đã giao cho các đơn vị chuyên môn nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế vận dụng vào thực tiễn của Việt Nam…”.
Trong bối cảnh, hiện trạng tham nhũng ở Việt Nam, việc kiến nghị giảm xử lý hình sự mà thay thế bằng khởi kiện dân sự và tạo điều kiện cho chủ thể sai phạm khắc phục hậu quả, “nghiên cứu học tập kinh nghiệm quốc tế” nêu trên, khiến nhiều người băn khoăn, liệu đó có phải là “tín hiệu vui” cho bọn tội phạm tham nhũng, kể cả các đối tượng có điều kiện, “tiềm năng tham nhũng” hy vọng về cơ hội “rộng cửa” thoát án tham nhũng?
Không thể không nhắc đến tính nghiêm minh của hệ thống pháp luật nhà nước khi áp dụng nhóm điều luật điều chỉnh hành vi của con người, nhất là những vi phạm đến lợi ích xã hội và cá nhân, sao cho đảm bảo sự công bằng, giữ gìn tính răn đe và trừng phạt… Trong đó việc chiếm đoạt của cải, tài sản không phải của mình như trộm cắp, cướp giật, lừa đảo cũng như tham nhũng là có cùng thuộc tính pháp lý. Vì vậy, phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng với tội phạm tham nhũng. Có dấu hiệu phạm tội thì phải khởi tố, điều tra xét xử theo luật định. Hy vọng, các quan điểm, chủ trương, chỉ đạo kiên quyết kể trên của Trung ương sẽ được các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực các cấp, thực hiện nghiêm túc, đồng bộ, không để xảy ra tình trạng “ngoặt lái”, “bẻ cò” trong cuộc chiến “chống giặc nội xâm” vẫn đang tiếp diễn.
***
Nguồn: Phan Sông Ngân
Báo Người Đô thị
Báo Người Đô thị
Tin cùng chuyên mục:
Quy định mới về cấp bậc và tuổi nghỉ hưu trong quân đội
Những người thầy ươm dưỡng tương lai
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân