Ngô Đình Diệm: “Biên giới của Mỹ… tới sông Bến Hải”

Người xem: 103

Ong Bắp Cày
 
Mấy bữa nay BBC, RFA,VOA liên tục có các bài viết so sánh ngang bằng Ngô Đình Diệm với Chủ tịch Hồ Chí Minh, hòng biến Diệm từ thân phận hủi nô, từng tàn sát hàng ngàn phật tử (đêm 20/8/1963), giết hại hàng ngàn đồng bào yêu nước, rồi từng tuyên bố dâng lãnh thổ Việt Nam cho Mỹ… thành anh hùng dân tộc. Ngắn gọn lại là tìm cách chạy tội và tô vẽ cho Ngô Đình Diệm.
 
Thật nực cười, “Công rãnh cứ đòi sóng sánh với đai dương”. 
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nhắc người dân: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một“. Câu nói này cho thấy quyết tâm bảo vệ lợi ích, giá trị dân tộc, lãnh thổ quốc gia của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nói: 
 
– “Nam Bắc là một nhà, là anh em ruột thịt, quyết không thể chia cắt được”; 
 
– “Trung Nam Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất”; 
 
– “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai có thể chia cắt được”; 
 
– “Đồng bào Nam bộ là dân nước Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi!
 
Còn Ngô Đình Diệm thì sao?
 
Kevin Trần đã dẫn 3 câu nói của Ngô Đình Diệm trên Sách Hiếm, qua đó thấy rõ bản chất của ông ta:
 
1. Về quan điểm dùng người cai trị đất nước của Ngô Đình Diệm: “Chỉ có dân miền Trung mới có khả năng lãnh đạo quốc gia. Dân miền Bắc hợp với buôn bán, còn dân miền Nam chỉ làm tướng võ biền“.
 
Đây là câu nói được trích từ đề mục “Ngô Đình Diệm”, tiểu mục “Trở thành Tổng thống” trong Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia tiếng Việt. Nguyên văn như sau
 
“Ông Diệm là người phân biệt cá nhân theo vùng miền. Ông chỉ thích nâng đỡ người gốc Huế. Ngô Đình Diệm thường nói: “Chỉ có dân miền Trung mới có khả năng lãnh đạo quốc gia. Dân miền Bắc hợp với buôn bán, còn dân miền Nam chỉ làm tướng võ biền”. Cách hành xử của ông Diệm cũng rất cao ngạo. Ông xem Việt Nam Đệ nhất Cộng hòa là quốc gia của riêng ông và của gia đình ông.” 
 
Rõ ràng, chỉ có đầu óc cục bộ, hẹp hòi mới phát biểu như thế. Vì thế sau này khi làm tổng thống, với tâm phân biệt như thế, Ngô Đình Diệm đã dựng lên quanh mình những vòng rào khu biệt phân cách rạch ròi: Trong cùng là vòng rào anh em dòng họ Ngô Đình như 5 con chuột đục khoét miền Nam mà họa sĩ Phạm Tăng vẽ trên bìa báo Tự Do Xuân Canh Tý 1960, rồi đến vòng rào Công giáo di cư 1954 mà Sử gia Tạ Chí Đại Trường gọi là đám “kiêu dân”, rồi đến vòng rào đảng Cần Lao với một lực lượng Mật vụ sắt máu, và cuối cùng là vòng rào đồng hương gốc miền Trung của hai tỉnh Huế và Quảng Bình. Còn bên ngoài mênh mông là bàn dân thiên hạ thuộc thành phần “buôn bán” và “võ biền”.
 
Trên đỉnh quyền lực ở trung tâm 4 vòng đồng tâm này, Diệm đặt lòng tin và ban phát đặc quyền đặc lợi theo đúng độ gần xa của mỗi vòng. Cơ chế hành chính quốc gia và các công cụ chính trị an ninh của Diệm, do đó, cũng theo một mô hình hướng tâm (centripetal) độc tài như vậy. Đến nỗi chỉ cần nhắc đến cụm từ “gia đình trị” hay “Công giáo trị” … thì ai cũng biết là nói đến chế độ nào rồi. Và chính ông bố vợ của Ngô Đình Nhu là Trần Văn Chương, Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Hoa Kỳ, cũng đã phải lên án chế độ Ngô Đình Diệm là một “chế độ toàn trị” (FRUS 1961-1963 Volume IV, Doc.118).
 
2. Tuyên bố “Dâng miền Nam cho Mỹ
 
Ngô Đình Diệm hùng hồn: “Liên quan tới vấn đề an ninh, biên giới của Mỹ không ngừng ở bờ biển Đại Tây dương và Thái Bình dương mà kéo dài, tại Đông Nam Á, tới sông Bến Hải, vốn chia đôi Việt Nam ở vĩ tuyến thứ 17, tạo thành cái biên giới đã bị đe dọa của Thế giới Tự do mà chúng ta đều trân trọng”.
 
Đây là minh chứng rõ nhất cho bản chất tay sai, phản bội lại lợi ích dân tộc của gia đình họ Ngô. Tuyên bố của Ngô Đình Diệm đã tự dưng “Dâng miền Nam cho nước Mỹ” bằng cách cắt toàn bộ đất đai mà tổ tiên để lại từ sông Bến Hải trở vào trong cho Mỹ.
 
Tuyên bố này trích từ bài diễn văn Ngô Đình Diệm tại khách sạn Waldorf-Astoria ở New York City ngày 13/5/1957, trong bữa tiệc trưa mà vị Thị trưởng Thành phố New York chiêu đãi. 
 
Nguyên văn tiếng Anh như sau: “With regard to security, the frontiers of the United States do not stop at the Atlantic and Pacific Coasts, but extend, in South East Asia, to the Ben Hai river, which partitions Viet-Nam at the 17th parallel, and forms the threatened border of the Free World, which we all cherish”.
 
Toàn bộ bài diễn văn, sau đó, được Tòa Đại sứ Việt Nam (2251 R Street N.W., Washington DC) in lại và phổ biến cho báo giới, các cơ quan chức năng và công chúng. 
 
Trang bìa: Address by His Excellency Ngo Dinh Diem President of the Republic of Viet Nam at Luncheon in His Honor by The Mayor of The City of New York – Waldorf-Astoria Hotel – May 13, 1957 / Embassy of Vietnam, 2251 R Street N.W., Washington DC, Adams 4-3301.
 
Cuối trang 3 và đầu trang 4: Câu trích dẫn “With regard … which we all cherish”
 
Nguồn kiểm chứng: Texas Tech University, The Vietnam Center and Archive, Lubbock, TX:
 
Trong tuyên bố này, cụm từ “biên giới của Mỹ … tới sông Bến Hải” đã làm cho nhiều người sửng sốt và tức giận vì thấy Diệm muốn biến miền Nam Việt Nam thành “Tiểu bang thứ 49” của Mỹ. Nó cho thấy bản chất tay sai bán nước và lươn lẹo của Ngô Đình Diệm khi nói tới “độc lập và dân tộc chống Cộng của chính nghĩa miền Nam trong nhân dân” (Hồi ký chính trị của Hoành Linh Đỗ Mậu, Chương 16). 
 
Lý giải vì sao Ngô Đình Diệm lại phát biểu câu này, Kevin Trần viết: “Đơn giản là tại vì sự hình thành của Đệ nhất Cộng hòa cũng như chức vụ Tổng thống mà ông nắm giữ đều do người Mỹ vận động, dàn xếp và thậm chí có khi trực tiếp can thiệp (như Đại tá Tình báo Mỹ Edwards Lansdale trong thời gian khai sinh chế độ) mới có ngày hôm đó của năm 1957 cho ông đứng đọc diễn văn ở New York City. Ăn quả nhớ kẻ trồng cây, đúng theo truyền thống dòng họ Ngô Đình thời phục vụ cho Thực dân Pháp xảy ra chỉ mới 13 năm trước đó (xem truyền thống này trong Lá thư của Giám mục Ngô Đình Thục gửi Toàn quyền Decoux ngày 11/8/1944). Đúng là “Hễ đã phi Dân tộc thì thế nào cũng phản Dân tộc“.
 
3. Độc tài Tuyên bố “Tôi là Hiến Pháp, còn Hiến pháp nghĩa là có tôi“. Đây là câu tuyên bố về tương quan quyền lực giữa Ngô Đình Diệm và Bộ luật cao nhất của VNCH là Hiến Pháp: “Không nên tin có âm mưu trì hoãn giải quyết các vấn đề, sau lưng Phật giáo trong nước hãy còn có Hiến Pháp, nghĩa là có tôi”.
 
Tuyên bố nầy là một đoạn trích từ thông điệp sáng ngày 14/6/1963 của Diệm, sau một loạt các biến cố dẫn đến bế tắc giữa hai Ủy ban Liên Phái (của Phật giáo) và Ủy ban Liên Bộ (của chính phủ) trong quá trình đàm phán giải quyết những đòi hỏi tự do và bình đẳng tôn giáo của tín đồ Phật giáo. Cao điểm của những biến cố đó là cuộc tự thiêu của Hòa thượng Thích Quảng Đức ngày 11/6/1963 trước thái độ và động thái sắt đá để đối phó với Phật giáo của vợ chồng Ngô Đình Nhu.
 
Hai ngày sau Thông điệp này, hai Ủy ban ra được một Thông Cáo chung (16/6/1963), nhằm giải quyết 5 nguyện vọng của Phật giáo. Nhưng Thông Cáo chung đó đã không bao giờ được chính quyền thực thi vì vợ chồng Nhu đã có sẵn quyết sách riêng, dẫn đến kế hoạch Nước Lũ tàn bạo, tổng tấn công chùa chiền và bắt bớ 1,426 Tăng Ni vào đêm 20/8/1963 [FRUS 1961-1963, Volume IV, Doc. 274].
 
… có Hiến Pháp, nghĩa là có tôi”. Tôi là Hiến Pháp! Nền dân chủ và nguyên tắc “Tam quyền phân lập” của chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa bị vứt vào sọt rác chỉ với một lời tuyên bố của Ngô Đình Diệm. Bốn Luật gia là Nguyễn Hữu Châu, Đoàn Thêm, Vũ Văn Mẫu và Nguyễn Văn Bông đã phải kêu trời vì Hiến Pháp 1956 của Đệ nhất Cộng hòa tạo cơ hội cho Diệm làm vua, thiết lập nền độc tài toàn trị tại miền Nam Việt Nam. 
 
Đàn áp, bắt bớ tới 1,426 Tăng Ni Phật tử vào đêm 20/8/1963 thì làm sao là người theo chủ nghĩa quốc gia dân tộc được, đúng không?
 
 
Với 3 tuyên bố “kinh điển” nêu trên, hẳn bạn đọc đã rõ bản chất chính trị của Ngô Đình Diệm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *