BBC xuyên tạc bài viết của Cựu Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Lê Doãn Hợp

Người xem: 120

Khoai@
 

Ai đó đã đúng khi nói, “không xuyên tạc, không bẻ cong sự thật, không chống phá Việt Nam thì không phải là BBC”. Trong vài bài viết mới đây, mượn vài ý trong bài  “Vài suy ngẫm của một người ngoại đạo về chống đại dịch” của Cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đăng trên VietnamNet hôm 25/10/2021, BBC đã rêu rao rằng, cách chống dịch Covid-19 của Việt Nam là không nhất quán, các lãnh đạo thì tiền hậu bất nhất và xuyên tạc lời phát biểu ông Lê Doãn Hợp nhằm chia rẽ, kích động, tạo mâu thuẫn giữa các lực lượng chống dịch.

Như thường lệ, BBC cũng nhét chữ vào miệng ông Lê Doãn Hợp để nói rằng, đã có những “sai lầm khi chính quyền Việt Nam các cấp ứng phó với làn sóng thứ tư của đại dịch Covid” và “Bài “Vài suy ngẫm của một người ngoại đạo về chống đại dịch” nói đến hiện tượng phát biểu “tiền hậu bất nhất” của các lãnh đạo, quan chức đương nhiệm, về tư duy coi “chống dịch như chống giặc”, về niềm tin và về vai trò của dân trong quan hệ với các lực lượng bảo vệ Đảng CSVN”. Bài viết của BBC có thể lừa được nhiều người và đã được nhiều đối tượng chia sẻ, giúp lan tỏa trên mạng.
 
Luận điệu của BBC cũng giống như luận điệu của một số kẻ mượn danh dân chủ để vu cáo, xuyên tạc phương thức chống dịch, phê phán lãnh đạo là “tiền hậu bất nhất”, lúc đầu là “Zero Covid” sau lại “Sống chung với dịch” để nói rằng “Việt Nam đã sai lầm trong nhận định và đã thất bại, nay phải chuyển hướng sống chung với dịch”…  nhằm tạo ra sự thù hằn, đối lập giữa người dân với cơ quan công quyền. Tôi hoàn toàn không tìm thấy bất kể một văn bản nào nói rằng Việt Nam tuyên bố chống dịch kiểu “Zero Covid”. 
 
Thực tế, Việt Nam luôn nhất quán trong phòng chống dịch Covid-19. Chiến lược là nhất quán với mục tiêu không bao giờ thay đổi là bảo vệ người dân, nhưng chiến thuật thì phải linh hoạt, thay đổi theo tình huống cụ thể. Hôm 21/10, tại phiên thảo luận tổ ở Quốc hội, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nói về chủ trương và công tác phòng chống dịch Covid-19 thời gian qua đã khẳng định: “Chúng ta chưa bao giờ tuyên bố là ‘Zero Covid’ nhưng cách làm của chúng ta thể hiện ra chúng ta kiểm soát dịch theo hướng này”. 
 
Bất kể chính phủ nào, quốc gia hay vùng nào cũng vậy đều nhận rõ, chống Covid-19 là “cuộc chiến” chưa có tiền lệ. Với biến thể Delta và nhiều biến thể khác, thế giới coi đây như một đại dịch mới, làm đảo ngược tất cả thành tựu chống dịch của các nước, kể cả nước phát triển và có tỷ lệ tiêm chủng cao, trong khi nhận thức của các nước về Covid-19 chưa thể và không thể đầy đủ. Chính vì thế mà chỉ có thể dựa vào những kiến thức đã có về dịch bệnh, dựa vào kinh nghiệm của các nước để vừa chống dịch, vừa tiếp tục nghiên cứu với mục tiêu bảo vệ tốt nhất cho người dân.
 

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cũng đã thừa nhận Việt Nam cũng “rất căng thẳng” khi ứng phó với biến chủng Delta. Việt Nam chưa bao giờ tuyên bố là “Zero Covid-19” nhưng cách làm của chúng ta, từ việc áp dụng các biện pháp siết chặt giãn cách xã hội, truy vết F0, cách ly và phong tỏa nghiêm ngặt đến đẩy mạnh tiêm chủng vaccine đều thể hiện chúng ta đang kiểm soát dịch theo hướng này. Nhưng đó là câu chuyện của trước đây. Còn bây giờ, Việt Nam đã chuyển hướng chống dịch theo tinh thần của Nghị quyết 128 “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Thế nhưng, các đối tượng có mưu đồ chống phá đã cắt bỏ đi câu chuyện chống dịch trước đây và chỉ nói mỗi phần sau là hiện tại để xuyên tạc phát biểu của Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long rằng nước ta vẫn chống dịch theo kiểu “Zero Covid”.

Nghị quyết 128 của Chính phủ Quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” được xem là mốc đánh dấu sự thay đổi trong tư duy, quan điểm về phòng, chống dịch bệnh Covid 19 của Việt Nam. Theo đó, người dân đã tiêm vaccine được phép tham gia lao động, sản xuất, đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới. Nhưng các địa phương vẫn kiểm soát và đưa ra những biện pháp phù hợp theo từng cấp độ dựa trên tiêu chuẩn quy định của Nghị quyết 128.
 
Tôi đã đọc kỹ bài viết của Cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đăng trên VietnamNet hôm 25/10/2021, nhưng không hề tìm thấy chỗ nào ông Lê Doãn Hợp phê phán Chính phủ, lãnh đạo bộ y tế và chính quyền các địa phương “tiền hậu bất nhất” trong chống dịch ngoại trừ việc lưu ý chính quyền cơ sở phải thực hiện chống dịch sao cho thống nhất với Trung ương để có được niềm tin tuyệt đối của người dân. Bạn đọc có thể bấm vào đây để kiểm chứng.
 

Trong bài viết, ông Lê Doãn Hợp chỉ ra 7 bài học là (1) Coi trọng địa bàn cơ sở; (2) Quan tâm đến lực lượng nòng cốt; (3) Nhìn rõ hơn vai trò của doanh nhân, doanh nghiệp; (4) Đại dịch là cơ hội vàng cho ứng dụng CNTT; (5) Đại dịch và niềm tin; (6) Nghĩ sâu hơn việc quy hoạch các khu công nghiệp tập trung và (7) Phục hồi kinh tế gắn với phòng và chống Covid. Tuy nhiên, BBC lại lấy nội dung thứ (2) là “Quan tâm đến lực lượng nòng cốt” để kích động các lực lượng khác.

Nguyên văn “Quan tâm đến lực lượng nòng cốt” được viết là:
 

Qua chống đại dịch lần thứ 4 này, chúng ta nhận rõ 3 ngành chủ công là: Y tế, Quân đội và Công an. Chăm lo cho ngành chủ công về chuyên môn là Y tế để đẩy lùi dịch bệnh, đồng thời phải xây dựng 2 ngành nòng cốt là Quân đội và Công an để tiên phong làm tròn mọi việc khi Đảng cần, dân mong. Là người đi từ địa phương ra Trung ương, tôi có thể nói rằng: Khi diễn tập, chúng ta làm rất tốt và bài bản, nhưng khi có chuyện xảy ra thì bên cạnh Đảng và nhà nước, chỉ còn rõ nhất Quân đội và Công an. Quân đội ta là QĐND, Công an là CAND, nên làm tất cả vì dân là cần thiết và đúng đắn”.

Những gì ông Lê Doãn Hợp phát biểu là thực tế. Xuyên suốt các đợt dịch, ai cũng dễ dàng nhận thấy lực lượng y tế, quân đội và công an là lực lượng chủ công, vất vả nhất và vì thế cần phải chăm lo cho các lực lượng này. Mặt khác, ông Hợp cũng có ý nhắc nhở các lực lượng khác cần phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình khi tham gia chống dịch như khi tham gia diễn tập. Những gì mà ông Lê Doãn Hợp nói là hoàn toàn chính xác. Covid làm lộ ra nhiều điều cả mặt tốt lẫn mặt xấu. Cái tốt thì cần nhân lên, cái xấu cần phải được loại bỏ, và cái gì chưa tốt cần rút kinh nghiệm để cải thiện.

Tiếc rằng, một bài viết tốt của cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông đã bị BBC đã lợi dụng để xuyên tạc, bóp méo tình hình thực tế tại Việt Nam qua đó, kích động, tạo mâu thuẫn và chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân. Tiếc hơn nữa là vẫn còn một số người được coi là nhân sỹ, trí thức dù biết rõ mưu đồ của BBC cũng như các thể loại tương tự, nhưng vẫn vờ như không biết để tiếp tay, lan tỏa những thông tin xấu độc này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *