Câu chuyện mới nhất là rạng sáng hôm 3/8, chị Lê Thị Trâm là công nhân Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Hà Nội bị 4 đối tượng cướp chiếc xe máy trong khi đi làm trên địa bàn phường Đại Mỗ, đã được anh chị em công an quận Nam Từ Liêm quyên góp tặng xe mới. Không dừng lại ở đó, cũng trong ngày, chị Trâm tiếp tục được người dân tặng cho 4 chiếc xe máy nữa. Đó là cái kết đẹp như cổ tích cho một câu chuyện buồn. Trả lời báo giới, chị Trâm nói trong niềm vui sướng: “Tôi rất bất ngờ, không biết nói gì ngoài lời cảm ơn với các chiến sĩ công đã quyên góp, ủng hộ tôi để có chiếc xe tiếp tục công việc”.
Nhưng đó mới chỉ là một phần câu chuyện đẹp. Cái đẹp đã được nhân lên khi chị Trâm chỉ giữ lại cho riêng mình chiếc xe của anh chị em công an quận Nam Từ Liêm tặng, 4 chiếc còn lại, chị nhường cho các chị em làm cùng công ty có hoàn cảnh khó khăn như mình. Ở đây, ngoài câu chuyện “nhường cơm sẻ áo” thì đó còn là câu chuyện văn hóa, câu chuyện của lòng tự trọng.
Ở ta, những câu chuyện đẹp trọn vẹn như thế không thiếu. Vào Facebook của anh Đoàn Ngọc Hải (cựu Phó Chủ tịch quận 1, TP HCM) các bạn sẽ cảm nhận được nhiều điều. Bỏ qua những lấn cấn khác thì những đóng góp của anh Hải cho công tác thiện nguyện là không thể phủ nhận và đó là những nét đẹp xứng đáng được xã hội ghi nhận. Đó là chưa kể đến các mạnh thường quân như vợ chồng ông Dũng Lò vôi, những người đứng đầu các tập đoàn kinh tế… đã có những đóng góp cực lớn cho xã hội.
Nhưng ở chiều ngược lại, bên cạnh những trường hợp khó khăn cần trợ giúp thì cũng không hiếm những trường hợp lợi dụng khó khăn để thực hiện các mục đích đen tối khác trong đó có mục đích cá nhân rất ích kỷ.
Có trường hợp anh Đoàn Ngọc Hải đăng lên Facebook lời kêu cứu của một “gia đình” nói rằng họ ở phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân “đang cầu cứu thực phẩm, bạn nào ở gần giúp họ”. Trong lời kêu cứu đó, có đoạn viết rằng “Chính quyền không thiết tha giúp đỡ” và người này cho cả số điện thoại cá nhân sau khi được anh Hải yêu cầu (xem hình bên).
Tuy nhiên, khi chính quyền cử người đến địa chỉ đó thì không có ai kêu cứu như thế. Người dân nơi đây vẫn nhận được sự chăm lo từ chính quyền và các nhà hảo tâm. Thông thường, với anh Đoàn Ngọc Hải, khi ai đó cần giúp, anh sẽ đăng yêu cầu đó lên kèm theo ảnh chụp màn hình và khi lời yêu cầu đó được đáp ứng thì anh Hải cũng phản hồi là đã giải quyết xong. Nhưng trường hợp này, cho đến ngày hôm nay, vẫn không có phản hồi nào.
Như vậy, rất có thể lời kêu cứu kia chỉ là một hình thức để bôi xấu chính quyền địa phương lên mạng xã hội, thông qua Facebook của anh Đoàn Ngọc Hải. Nếu điều này là đúng thì đó là lời kêu cứu của kẻ vô sỉ.
Một câu chuyện khác về lòng tự trọng từ một bạn Facebook đăng tải sáng nay với tựa đề “Thế nào là đủ”. Theo đó, “Sáng 04/8, các cán bộ huyện Bình Chánh rà soát, phát hiện lời kêu cứu thương tâm trên mạng xã hội. Họ nhanh chóng đem nhu yếu phẩm đến số nhà trong ảnh để cứu trợ, đúng với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Nhưng đến nơi, họ bật ngửa khi thấy “kho hàng dự trữ” của đối tượng khó khăn này đã nhiều đến mức đủ để đi cứu trợ cho cả xóm.”.
Có thể khẳng định, trường hợp vừa nêu là điển hình của loại người không có lòng tự trọng. Nó trái ngược hoàn toàn với nhiều tấm gương, tuy có khó khăn nhưng khẳng khái nói rằng: “Gia đình tôi đã nhận đủ, xin không nhận thêm” hoặc “Gia đình tôi vẫn còn, xin nhường cho người khác”. Đối tượng (xem hình bên) rõ ràng là một tay “Nhận cứu trợ chuyên nghiệp”. Với loại này, đừng mong 2 chữ “Tự trọng”.
Thực tế, những kẻ không có lòng tự trọng, nhưng lại thừa lòng tham và sự vô sỉ chỉ là một bộ phận không lớn, nhưng hành động của họ đã góp phần làm người dân đánh giá sai lệch công tác hỗ trợ của chính quyền các cấp, làm cho người dân giảm sút lòng tin với hệ thống chính trị, và lấy đi mất cơ hội của những người thực sự khó khăn khác.
Tin cùng chuyên mục:
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga
Trừng phạt Nga hay cuộc ‘chiến tranh kinh tế’ tổng lực của phương Tây trên khắp thế giới