Tung hô và tâng bốc sau chiến thắng là điều thật dễ, nhưng đứng cạnh nhau qua những thời khắc khó khăn mới là điều khó.
Không có nhiều điều để nói về thất bại của U23 Việt Nam trước Triều Tiên. Thầy trò HLV Park Hang-seo đã thua trong trận đấu buộc phải thắng, với hai bàn thua đều tới từ sai lầm của các cá nhân, để rồi kết thúc giải đấu quyết định chiếc vé tới Olympic 2020 ở vị trí bét bảng.
Trước khi thua Triều Tiên, U23 Việt Nam thực tế đã thua chính mình. Kịch bản thất bại như vậy không mới với phần đông người theo dõi bóng đá Việt Nam lâu năm. Chúng ta quen với thất bại hơn thành công, thấy buồn bã nhiều hơn vui mừng, thất vọng nuốt chửng hoàn toàn lạc quan.
Song chọn thái độ như thế nào sau thất bại cũng là câu hỏi đáng để trả lời vào lúc này.
U23 Việt Nam khép lại VCK U23 châu Á với vị trí cuối cùng của bảng D sau thất bại trước Triều Tiên. Ảnh: Minh Chiến.
Vì sao U23 Việt Nam thất bại?
Trận thua trước U23 Triều Tiên hay nhìn xa hơn là cả chiến dịch U23 châu Á thất bại đã đến ngay sau hành trình vô địch SEA Games chưa đầy 1 tháng.
Phần lớn thành phần đội U23 Việt Nam không có ngày nghỉ nào sau khi trở về từ Philippines. Tất cả sửa soạn đi tập huấn ở Hàn Quốc, trước khi lại gò mình luyện tập cho hành trình chiến đấu căng thẳng trên đất Thái Lan với cái đích là tấm vé dự Olympic 2020, tức là ít nhất vào đến vòng bán kết.
SEA Games 30 hay VCK U23 châu Á 2020 thực tế là nét cọ nối dài trong một lịch thi đấu với cường độ không tưởng với các cầu thủ Việt Nam tính từ VCK U23 châu Á 2018.
Từ ASIAD 2018, AFF Cup 2018, Asian Cup 2019, Vòng loại U23 châu Á, King’s Cup, Vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á và xen kẽ đó là V.League, AFC Cup…, tất cả khiến những cầu thủ trụ cột của ĐTQG và U23 Việt Nam gặp các vấn đề nghiêm trọng về thể lực.
Vấn đề này không phải chưa từng được cảnh báo. Chấn thương nặng (đều liên quan đến đầu gối) của Phan Văn Đức, Lương Xuân Trường, hay Trần Đình Trọng là những lời cảnh báo về việc lịch thi đấu dày đặc có thể tạo ra hậu quả nào. Song những áp lực về thành tích với các giải đấu liên tục khiến các lời cảnh báo ấy bị phớt lờ.
Tại SEA Games 2019, Quang Hải dính một chấn thương cơ đùi sau khoảng hơn 60 trận chỉ tính trong năm 2019, con số đủ để khiến những cầu thủ Premier League phải nghiêng mình.
Song bất chấp chấn thương đó, Hải không hề được nghỉ ngơi. Tiền vệ này tiếp tục phải cày ải mọi trận đấu tại VCK U23 châu Á. Phong độ không cao của Hải là một minh chứng cho việc thi đấu trong tình trạng không ổn định với những cơ bắp rệu rã sẽ mang tới kết quả nào.
Phân phối sức lực là điều quan trọng trong bóng đá. Cristiano Ronaldo lừng danh khi còn ở Real Madrid cũng từng có thời điểm chấp nhận ngồi ngoài ở những trận cầu không quan trọng nhằm có được thể lực tốt nhất cho các cuộc đấu quyết định.
Nhưng Quang Hải thì không. Với bóng đá Việt Nam, Hải quá xuất sắc để phải ngồi dự bị. Và với những mục tiêu không điểm dừng của bóng đá Việt Nam, Hải cũng quá xuất sắc để có thể được nghỉ ngơi.
Thất bại của U23 Việt Nam bao trùm lên phong độ không cao của Quang Hải là minh chứng cho câu chuyện không tập thể nào có thể giành chiến thắng từ năm này qua năm khác.
Sau những thành công còn phải là những quãng nghỉ để tái tạo năng lượng và khát vọng.
Thái độ nào sau thất bại?
Thể lực chỉ là phần nhỏ của tảng băng lớn về lý do thất bại của U23 Việt Nam. Đó còn là câu chuyện muôn hình vạn trạng về chiến thuật, con người, khả năng xử lý áp lực, hay là cả may mắn.
Bóng đá là một trò chơi phi logic, sau những thành công hoàn toàn có thể là thất bại. Có ai ngờ U23 Qatar sẽ bị loại từ vòng bảng sau khi ĐTQG nước này vô địch Asian Cup 2019, hay Nhật Bản hùng mạnh cũng bét bảng với chỉ 1 điểm sau 3 trận?
Bởi vậy, bóc tách nguyên nhân thất bại đôi khi không quan trọng bằng lựa chọn thái độ để đón nhận chúng.
Hai năm với những thành công không tưởng đã qua khiến những áp lực và kỳ vọng về thành công của bóng đá Việt Nam tăng theo cấp số nhân. Không ít người vẫn nhớ những cảm giác sau thất bại SEA Games 2017 hay nhiều giải đấu trước đó, song họ chọn cách quên đi để vùi mình vào niềm vui với thành công dưới thời HLV Park Hang-seo.
Song không bữa tiệc nào kéo dài mãi, thất bại ngày hôm nay là lúc để tất cả nhìn lại vào sự thật. Ông Park không phải vua Midas chạm đâu cùng thành vàng, và bóng đá Việt Nam không thể vụt biến mình thành người khổng lồ châu Á chỉ bằng thành tích của vỏn vẹn 2 năm đã qua.
Thất bại này cũng sẽ là lời cảnh tỉnh rõ nhất về những lỗ hổng của đội U23 được dự báo từ lâu, nhưng chưa từng được xử lý một cách cụ thể. Đó là thể lực của các trụ cột, khả năng thích ứng của những nhân tố mới, hay các vấn đề về chiến thuật của HLV Park.
Đó là câu chuyện của những người làm chuyên môn, còn với người hâm mộ, vấn đề sẽ trở nên phức tạp đôi chút.
Bóng đá là môn thể thao phổ biến nhất thế giới, nhưng hạnh phúc từ bóng đá thì khá xa xỉ. Chúng thường chỉ dành cho những người chiến thắng.
Bởi vậy, khi U23 Việt Nam thất bại tại VCK U23 châu Á, chúng ta cũng cần một thái độ đón nhận phù hợp.
Beppe Servegnini, tác giả cuốn “Đầu óc người Italy” từng được New York Times liệt vào dạng sách “best-seller”, từng viết như sau về bóng đá: “Sau một hiệp 1 đẹp đẽ hoàn toàn có thể là hiệp 2 khủng khiếp. Nhưng rồi chúng ta cũng sẽ có một hiệp 2 khác, một trận đấu khác và sau trận cuối cùng là một mùa giải khác. Chúng ta không thể mất tất cả được… Rồi thời khắc của chúng ta cũng sẽ đến và lúc ấy mới tuyệt vời làm sao”.
Những người hâm mộ Việt Nam nên chọn lựa thái độ như thế, thay vì cảm xúc theo kiểu tung hê tràn lan ngay sau thất bại.
Tung hô và tâng bốc trong chiến thắng là điều thật dễ, nhưng đứng cạnh nhau qua những thời khắc khó khăn mới là điều khó.
Tin cùng chuyên mục:
Hương sắc Hà Nội – Một trong 50 thành phố tuyệt vời nhất thế giới
Nóng: Giám đốc Đại học Huế bị bắt
Nhà báo quay clip xe múc đất rồi “gợi ý quà Tết”
Phương án cải tạo sông Tô Lịch: Cần làm rõ để đảm bảo hiệu quả