Khoai@
Thật xấu hổ.
Người ta ngang nhiên đặt lòng tham vật chất lên trên tình người. Người ta bất chấp đạo lý để bộc lộ thói lưu manh và tàn bạo ngay giữa thanh thiên bạch nhật. Người ta và bỏ ngoài tai những lời van xin từ phía người bị nạn và tiếp tục nhẫn tâm cướp của.
Chả lẽ, đạo đức đã xuống cấp đến mức người ta nghĩ rằng, ăn cướp chẳng có gì phải xấu hổ?
Vào trưa 1/11/2016, anh Lê Tấn Duy, 25 tuổi, ngụ Phú Yên, lái xe tải từ TP.HCM về miền Trung, đến quốc lộ 1D tuyến tránh ven biển Quy Nhơn – Sông Cầu, không may gặp nạn khi phương tiện bùng cháy dữ dội, thiệt hại 8 tấn hàng, gôm dầu ăn, nước mắm, sữa tắm, bột giặt… cùng nhiều chứng từ, hóa đơn. Khi lực lượng chữa cháy rời khỏi hiện trường thì anh Duy và phụ xe bất lực nhìn hàng chục người lao vào “hôi của”. Thậm chí phụ xe ngồi khóc, van xin nhưng vẫn không làm những người này thương xót. Những hình ảnh hôi của tràn ngập trên mạng và lên cả báo nước ngoài. Hình ảnh người Việt tương thân tương ái đâu không thấy, nhưng sự khinh miệt đã hiện hữu.
Còn nhớ, vào tháng 6/2011, báo chí đưa một tin một người đàn ông đã giằng lại được túi tiền của mình từ 2 tên cướp trên đường An Dương Vương, thuộc quận 5, TP.HCM. Nhưng lại không may, túi đựng tiền bị rách vì giằng co với 2 tên cướp, nên số tiền trong túi bị bay ra đường. Rất nhanh, những người đi xe máy gần đó cùng một số người dân trong khu vực đã ào ra giữa đường nhặt mất số tiền bị rơi ra trước ánh mắt thẫn thờ và bất lực của người đàn ông bị nạn. Chỉ trong vòng vài phút, người đàn ông đã bị mất sạch tiền không phải vì 2 tên cướp mà vì những vô số những dân quanh đó.
Vào chiều 12/9/2013, trước cửa UBND quận Ba Đình, Đại sứ quán Hà Lan đã tổ chức phát tặng 3.000 chiếc áo mưa cho người dân Hà Nội, với mong muốn nâng cao nhận thức chung về biến đổi khí hậu cho mọi người. Tuy nhiên, sự cố đã xảy ra vào lúc 2 giờ chiều khi những người tới dự đổ xô vào giành nhau với mục đích lấy được càng nhiều càng tốt. Trước sự hỗn loạn, một nhân viên tổ chức chương trình đã phải cầm loa nói: “Đề nghị mọi người không tranh giành, nếu không, chúng tôi sẽ dừng chương trình ngay lập tức!”.
Hôm 6/12/2013, anh Hồ Kim Hậu, 30 tuổi, quê Bình Định điều khiển ô tô chở bia Tiger từ TP. Hồ Chí Minh đi TP. Phan Thiết gặp nạn, hàng vạn lon bia bị văng xuống đường và bị hàng trăm người dân nơi đây nhảy vào cướp của, bất chấp việc anh đã quỳ lạy van xin.
Thói tham lam, ích kỷ và bầy đàn được bộc lộ không chỉ ở ngoài đường mà còn ở những nơi sang trọng khác. Bạn đọc chắc đã hơn một lần được nghe nói người ta cướp hoa ở các lễ hội hoa (biểu tượng của cái đẹp), và tranh ăn tại các tiệc buffet (miếng ăn là miếng nhục). Cá biệt, có vụ, người ta còn nhẫn tâm móc cả tiền trong túi của người đã chết vì tai nạn giao thông.
Hôm 21/10/2016, Một clip được chia sẻ trên mạng Youtube, mô tả những hành động hôi của đã diễn ra tại một buổi tiêu hủy những sản phẩm giả, nhái và kém chất lượng ở Hà Nội. Đáng buồn, những người tham gia hôi của lại là cán bộ quản lý, phóng viên báo chí.
Mới nhất, một chiếc xe tải chở cám lao vào vách núi vào rạng sáng 18/5/2017 tại địa bàn xã Quy Hậu, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Anh Bùi Duy Hùng ở TP Điện Biên – người duy nhất còn sống sót sau tai nạn đau đớn chia sẻ: Xe có 3 người đi, 2 người đã tử vong ngay trên cabin, riêng anh đã nhảy được ra ngoài nên sống sót. Có rất đông người dân đến lấy cám, thậm chí còn có người mang cả xe công nông để chở, bất chấp sự ngăn cản của công an xã. Kết quả, sau khi bị lấy đi, số cám chỉ còn lại non nửa.
Còn rất nhiều những ví dụ khác không thể nói hết ở đây. Biết nói thế nào ngoài 2 từ: Ngao ngán! Không biết đến lúc nào thì những hành vi táng tận lương tâm mới chấm dứt?
Tin cùng chuyên mục:
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA
Hương sắc Hà Nội – Một trong 50 thành phố tuyệt vời nhất thế giới
Nóng: Giám đốc Đại học Huế bị bắt