KHÔNG CÓ VÙNG CẤM KHI KIỂM TRA TÀI SẢN CÁN BỘ CẤP CẤP CAO

Người xem: 222

Không có “vùng cấm” khi kiểm tra tài sản của cán bộ cấp cao

(HNM) – Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội ngày 29-5, đại biểu Lê Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho biết, có khoảng 1.000 cán bộ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý thuộc diện kiểm tra, giám sát tài sản và sẽ không có “vùng cấm” khi thực hiện.

Đại biểu Lê Thị Thủy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương

– Việc kê khai tài sản của quan chức cấp cao đã được triển khai từ lâu, song khi thực hiện thì hiệu quả không như mong đợi. Vậy Quy định số 85-QĐ/TƯ có khắc phục được tình trạng này không?

– Kê khai tài sản là một trong các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, nhưng được đánh giá chưa hiệu quả. Nguyên nhân là do chúng ta đã kiểm tra, giám sát nhưng chưa đầy đủ, chưa thành hệ thống bài bản. Tại Quy định số 85-QĐ/TƯ về kiểm tra, giám sát việc kê khai tài sản của cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý do Bộ Chính trị vừa ban hành ngày 23-5 đã nêu rõ, chủ thể kiểm tra đối với đối tượng này là Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Còn chủ thể giám sát là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các chi bộ mà những cán bộ đó đang sinh hoạt. Ước tính sẽ có khoảng 1.000 cán bộ cấp cao thuộc diện kiểm tra, giám sát theo quy định mới.

– Việc kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ cấp cao sẽ được tiến hành khi nào?

– Trong Quy định đã nói rõ, toàn bộ cán bộ là đối tượng thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý khi có 3 căn cứ sau sẽ kiểm tra, giám sát. Thứ nhất, khi cơ quan và tổ chức có thẩm quyền ban hành kế hoạch, yêu cầu kiểm tra, giám sát. Thứ hai là xuất hiện đơn thư, kiến nghị, phản ánh có căn cứ về việc kê khai tài sản không trung thực của cán bộ. Cuối cùng, khi cán bộ có dấu hiệu vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước về kê khai tài sản.

– Nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại về việc sẽ xảy ra tình trạng nể nang, né tránh khi giám sát tài sản của cán bộ cấp cao. Nếu phát hiện có việc kê khai không trung thực thì sẽ xử lý ra sao, thưa bà?

– Việc kiểm tra, giám sát tài sản của cán bộ cấp cao là nhiệm vụ của các cơ quan mà trực tiếp là Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Khi được giao nhiệm vụ, Ủy ban sẽ căn cứ theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước để thực hiện và không có “vùng cấm”, đồng nghĩa với việc không né tránh. Sau khi thực hiện kiểm tra, giám sát, Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ có thông cáo và công khai đầy đủ. Trên cơ sở đó các cơ quan báo chí sẽ thông tin rộng rãi để nhân dân được biết.

– Trân trọng cảm ơn bà!

Hương Ly

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *