Bài hay nên đọc: CÂU CHUYỆN BẢO HIỂM Y TẾ (phần 1)

Người xem: 175


“Từ cẳng chân đến gót chân có dài bao nhiêu đâu, nhưng bệnh viện tách ra chụp cẳng chân, cổ chân và gót chân riêng, thu trên 300.000 đồng phí dịch vụ”.

Câu phát biểu của Bác sĩ Lê Văn Phúc không chỉ đẩy các bệnh viện vào thế đối đầu với BHYT, mà còn đẩy bệnh nhân và bác sĩ vào thế đối đầu với nhau.

Nhưng điều tôi quan tâm nhất, chính là cái giá mà người bệnh phải trả. Chứ việc xác định bác sĩ hay cơ quan BHYT, ai đang là kẻ “móc túi” bệnh nhân, thì đó chỉ là vấn đề rất nhỏ.

Tôi khẳng định một cách chắc chắn rằng, trong cuộc đời thực hành y khoa, hầu hết các bác sĩ đều gặp vô vàn những câu chuyện dở khóc dở cười liên quan đến BHYT. Một trong số những câu chuyện mà tôi muốn kể, đó là trường hợp của anh Nguyễn Văn Trọng, vào BVĐK Đan Phượng sáng ngày 24/7/2015, để khám đau khớp vai.

Anh Trọng là một thanh niên khỏe mạnh, 25 tuổi, làm công nhân. Ba năm trước anh chơi cầu lông, đang thực hiện cú đập thuận tay (forehand smash), thì khớp vai phải của anh bị đau dữ dội. Lúc anh đi khám, thì khớp vai đã cử động trở lại, chụp Xquang thẳng – nghiêng đều bình thường.

Sau lần đó, anh Trọng còn bị thêm 2 lần nữa, nhưng đi khám chụp phim Xquang khớp vai thẳng – nghiêng, kết quả vẫn bình thường.

Lần này vào BVĐK Đan Phượng, là do anh đang bơi thì đau vai dữ dội. Bác sĩ khám chẩn đoán anh bị trật khớp vai tái diễn, lại chỉ định chụp Xquang khớp vai thẳng – nghiêng. Kết quả chụp cũng vẫn giống 3 lần trước.

Tôi trao đổi với bác sĩ rằng, trường hợp của anh Trọng có biểu hiện của trật khớp vai tái diễn, chỉ định chụp Xquang khớp vai thẳng – nghiêng là bắt buộc. Nhưng kèm theo đó, phải chỉ định chụp khớp vai theo tư thế Lamy, nếu cần thiết sẽ phải bổ sung thêm các tư thế khác nữa.

Kết quả chụp tư thế Lamy bổ sung, thì hình ảnh trật khớp trở nên rõ mồn một. Anh Trọng đã được chuyển lên bệnh viện tuyến trên để thực hiện phẫu thuật phục hồi lại chóp xoay…

Trong cuộc thảo luận chuyên môn hôm đó, tôi rất ngạc nhiên về trình độ chuyên môn của bác sĩ BVĐK Đan Phượng, khi họ đã có phản xạ chẩn đoán trật khớp vai tái diễn. Nhưng tôi lại xót xa cho đồng nghiệp, khi chính họ phải bó tay trước những ca bệnh như anh Trọng.

Các bác sĩ BVĐK Đan Phượng đã nói với tôi rằng, họ chỉ có một ước muốn là đưa chuyên môn lên trên hết, tất cả vì bệnh nhân. Nhưng BHYT quá cay nghiệt, họ bất chấp chuyên môn, sẵn sàng xuất toán những khoản tiền khổng lồ, để bệnh viện và bác sĩ phải đền bù.

Như trường hợp của bệnh nhân Trọng, nếu thuộc đối tượng BHYT, đã chụp khớp vai thẳng – nghiêng, mà lại bổ sung thêm tư thế Lamy, nguy cơ BHYT kiểm tra sẽ bị xuất toán là hoàn toàn có thật.

Trong thực tế lâm sàng, để phát hiện tổn thương khớp vai, có ít nhất 8 tư thế chụp Xquang. Nhưng trong bảng danh mục kĩ thuật của Thông tư 43/2015/TT-BYT lại chỉ có 2 tư thế:

– Chụp khớp vai thẳng (danh mục số 100).
– Chụp khớp vai nghiêng hoặc chếch (danh mục số 101).

Cơ quan BHYT đã vin vào danh mục này, để xử lí những bác sĩ “liều lĩnh” chỉ định 6 kĩ thuật kinh điển không có trong Thông tư.

Và đương nhiên, bác sĩ chỉ định chụp bổ sung tư thế Lamy cho bệnh nhân Trọng, thì sẽ bị cơ quan BHYT thu hồi lại số tiền. Để không phải bỏ tiền túi ra đền, thì bác sĩ phải giải thích cho bệnh nhân nộp thêm tiền, với danh nghĩa đây là “kĩ thuật cao”.

Nhưng rất tiếc, không phải bác sĩ nào cũng đọc được Thông tư 43/2015/TT-BYT. Và hơn nữa, trong y học không có sự phân biệt “kĩ thuật cao” và “kĩ thuật thấp”.

Hàng tháng, các bệnh viện đều quen với cảnh mỗi bác sĩ và điều dưỡng bỏ vài buổi không làm công việc chuyện môn, họ chạy như vịt lên phòng giám định BHYT để thanh minh chỉ định cận lâm sàng và thuốc điều trị. Nhiều người bước ra khỏi phòng giám định BHYT mặt cắt không còn hạt máu, bởi họ đang đối diện với nguy cơ đền tiền, thậm chí bị kỉ luật nặng…

Đến đây chúng ta đã trả lời được câu hỏi, rằng bệnh nhân phải trả cái giá đắt hơn gấp bao nhiêu lần so với số tiền chụp một phim Xquang? Và bác sĩ có phải là những người đang trục lợi BHYT như phát biểu của Bác sĩ Lê Văn Phúc – Phó Trưởng ban phụ trách Ban thực hiện chính sách Bảo hiểm Y tế, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.

Bác sĩ hay BHYT đang “móc túi” bệnh nhân? Tôi cho rằng, chính các bác sĩ rất hiểu điều này, nhưng cơ quan BHYT mới có được câu trả lời chính xác nhất.

Kiến thức y học có thời gian bán hủy 5 năm, nghĩa là sau 5 năm không làm nghề và không trau dồi, thì mất đi một nửa những gì đã học. Sau 10 năm, thì coi như không nhớ gì về chuyên môn.

Rất có thể, Bác sĩ Lê Văn Phúc đã bỏ nghề lâu năm, nên anh quên mất kiến thức khi phát biểu rằng: “một phim X-quang có thể chụp cả cánh tay, xương khớp vai và xương đòn, nhưng thực tế bệnh viện đã tách ra làm ba dịch vụ”.

Tôi dám chắc chắn rằng, không một bác sĩ nào đưa ra cái chỉ định ngu si, là chụp gộp các bộ phận cẳng chân – cổ chân – xương gót – bàn chân. Không ai ngớ ngẩn đi gộp xương cánh tay – khớp vai – xương đòn trong cùng một phim Xquang để chẩn đoán.

Và nếu giả sử y học có phát triển đến độ gộp được các bộ phận như thế, thì cũng không bác sĩ nào đủ “mất dạy” để làm cái việc tách ra mà lấy tiền, bất chấp sự nguy hại dành cho người bệnh.

Tôi rất thông cảm với cá nhân Bác sĩ Lê Văn Phúc, bởi nhưng câu phát biểu buồn cười ấy cũng chỉ vì anh không có kiến thức về chuyên môn, mặc dù anh có chức danh bác sĩ. Nhưng tôi không thể thông cảm với cách hành xử của cơ quan BHYT như hiện nay, khi họ sử dụng lá khiên “nhân đạo” mang tên BHYT để đối đầu trực tiếp với bác sĩ và quay lưng lại với bệnh nhân.

Bác sĩ Lê Văn Phúc không có lỗi, khi anh chính là người chỉ ra sự bất bình thường trong cách tư duy, cách vận hành của cả hệ thống BHYT.

Để rộng đường dư luận, tôi sẽ tiếp tục chủ đề này bằng chuỗi bài viết, xuất phát từ những phát biểu của quan chức BHYT, bóc tách thành từng vấn đề cho dễ hiểu. Rất mong các bạn tiếp tục đón đọc và cho ý kiến thảo luận.

***

P/s: Bức ảnh tôi chụp bệnh nhân Nguyễn Văn Trọng đang được chụp Xquang khớp vai ngày 24/7/2015.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *