NGƯỜI ĐỒNG TÂM LÊN TIẾNG – THÊM MỘT GÓC NHÌN

Người xem: 206

Thêm một góc nhìn – Không phải kết luận – Và chưa đầy đủ thông tin.

***

Đây là bóc băng cuộc trao đổi giữa tôi và 1 người trong số 14 hộ dân (14 hộ này là diện gì, tôi đã viết trong status trước). Tôi có ghi hình, ghi âm đầy đủ. Nhưng sau khi cân nhắc rất kỹ về các giải pháp che mặt, bóp méo âm, tôi vẫn sợ rằng có thể bị phát hiện. Bạn nghĩ xem, nếu bạn sống cùng ai đó mấy chục năm, thì có khi chỉ 1 cái nhún vai bạn cũng nhận ra. Bởi vậy, tôi chỉ chép lại nội dung mà thôi. 

Trong phần text này, tôi có cắt đi 1 số từ ngữ rườm rà, 1 số đoạn lặp ý. Còn tuyệt đối tuân thủ trình tự và nội dung. Cũng không biết nói gì hơn, là nếu anh chị và các bạn tin tưởng tôi, thì hẵng đọc.

***

HỎI: Cháu cũng muốn biết tình hình trong những ngày qua từ đầu đến giờ thái độ của bác và 14 hộ dân?

ĐÁP: Báo cáo với anh. Việc bắt đầu từ thông báo của huyện đất đây là đất quốc phòng cần di dời. Chúng tôi là người dân, quốc phòng với an ninh là trên hết. Chúng tôi là những người đã từng đi chiến đấu nên thấm nhuần, hiểu hết. Lúc đấy chúng tôi hoàn toàn không biết nhà nước cho bao nhiêu. Nhưng nhất trí hoàn toàn, vì chủ trương nhà nước phải chấp hành, cái thứ 2 chúng tôi ở đây nên biết đất nó như nào. Chúng tôi ở từ 1975 cơ, có bà con ở từ 1960 cơ. Tình trạng đất cát ra sao chúng tôi đều biết hết.

Vừa rồi, chúng tôi không khiếu kiện, tạo mọi điều kiện để các cơ quan đoàn thể đến làm việc. Tôi nói bọn IS đến nhà tôi(1), tôi còn bảo vào nhà tôi mà đo trước. Đất tôi tôi ở, nhà tôi đây, tôi không tranh chấp với ai, nên không ai vô lý mà vào nhà tôi được. Tôi mời các anh CA, giải phóng mặt bằng cứ vào mà đo, nên bọn kia về hết. Vậy nên giải quyết bước đầu đo được đất.

Tôi chỉ nói ngắn gọn về nguồn gốc đất – đó là việc quan trọng. Trước đất này của dân thật. Trước đất nó rộng, có hợp tác xã vôi đá(2). Sau đó xã cho công nhân ở lại. Đến khi đơn vị bộ đội tiếp quản, thì giao đất cho dân vì không sử dụng đến. Tôi còn giữ các bản hợp đồng của lữ đoàn, báo cáo từng năm một với đơn vị. Chúng tôi hơn chục hộ thuê đất quân đội, hết năm lại lên thanh toán, hết năm lại lên ký hợp đồng mới, năm một. Hàng năm lên tiểu đoàn nộp, người ta có đủ giấy tờ đấy.

Còn ủy ban cũng thế thôi, khi nhà nước có chủ trương giao đất cho dân canh tác thì họ giao.

Sau quá trình làm việc như vậy, đơn vị bộ đội có chủ trương thu hồi, nên tạm dừng mọi việc canh tác, hợp đồng cũng không ký nữa. Từ đó đất bỏ không, 3 – 4 năm rồi, cỏ mọc rờm lên.

Nảy sinh cái này (3) vì chúng tôi là những người ở đây được đền bù. Thế người dân bảo sao họ không được đền bù mà mấy ông này được?

Chúng tôi còn đủ giấy đấy. Từ năm 80, xí nghiệp đền bao nhiêu tiền tôi còn giữ cả. 

Vấn đề là các ông không thu hết vào cái xí nghiệp vôi đá này – sau khi nhà nước thu hồi thì giả toàn bộ kinh phí cho xí nghiệp chứ ko giả cho Đồng Tâm. Chi tiết chuyển nhà máy đi tôi vẫn còn, ký từ năm 80 ấy.

Về phần bà con, từ đầu đến giờ người ta nhất trí giả, vì người ta biết đấy không phải đất của người ta.

HỎI: Giữa 14 hộ dân và các hộ trong kia có mâu thuẫn gì nhau không?

ĐÁP: Tôi nói, ở đây anh ruột – em ruột nhảy vào chiến đấu. Mấy gia đình ấy. Từ cái chỗ bức xúc quá, thành ra toàn anh em đánh nhau. Đây, chủ tịch là ông Lê Đình Thuần – trưởng họ – cháu đích tôn ông Lê Đình Kình đấy.

HỎI: Thế bác gặp bọn cháu thế này lát về có rắc rối không?

ĐÁP: Cái đó tôi cũng không biết được. Nhưng tôi nói toàn bộ là sự thật, nên có cái gì thì tôi cũng phải chấp nhận. Nó đang đe là “làm việc” 14 hộ gia đình này.

HỎI: Cái nguyên do mâu thuẫn họ cho rằng đất hiện nay lấy nhiều hơn 47,6 ha cũ, cái đó có thật không?

ĐÁP: Phạm vi cũ còn nguyên vẹn luôn, không lấn tí nào. Đây có cái cột mốc ngay cổng trại quân đội từ năm 82. Nói đến cột mốc là nguyên xi. Chúng tôi ở đây, nhiều người ở đây, thanh tra cũng đến rồi: Cột mốc còn nguyên xi.

Dân người ta tức là gì, ý là hồi xưa (trả) đất không được đền bù – bây giờ lấy đất thì phải đền bù. Tôi thì nhớ là có đền bù đấy. Nhưng hồi đấy là đền bù cây cối hoa màu, chứ không đền bù đất. Báo cáo các anh như vậy. 

Còn nói đến quân đội người ta thu ở đây lại trăm phần trăm không sai tí nào.

HỎI: Vậy tại sao trong các gia đình lại có người hợp tác bàn giao đất, người phản đối là vì sao?

ĐÁP: Tôi xin trả lời anh. Bây giờ đất là đất của Đồng Tâm, mà chỉ có mấy người được đền bù, thế thì gây mâu thuẫn. Còn anh trai thì anh trai, các cụ bảo “Chị không muốn em trắng đùi” ở cái chỗ đấy. Ghen ăn tức ở thôi. Cứ hùa theo bọn kia làm may ra được.

Đây từ bắt đầu vào, đã công bố (đền bù) bao nhiêu đâu, mà chúng tôi cũng sẵn sàng vui vẻ. Chúng tôi đồng tiền ai cũng thích, nhưng lúc đấy chỉ nghĩ nhà nước làm đúng pháp luật, chúng tôi được 1 đồng cũng quý, nhiều hơn càng tốt, nhưng đúng pháp luật thôi.

HỎI: Bác bảo bỏ hoang nhưng bên kia đường vẫn canh tác đấy chứ?

ĐÁP: Trước chúng tôi canh tác, nhưng bỏ hoang 3 năm nay rồi.

HỎI: Cháu thấy có trồng ngô đấy!

ĐÁP: À họ nhảy vào đấy, trồng ngô, làm lều. Mới 2 tháng nay. Ngô bây giờ mới lên thế này, hơn tháng chứ bao nhiêu. Trước á, thuê biết bao máy cày vào phay cỏ, cày xới, nó thành rừng hoang mà. Chứ cái ngô, cái nhà này mới hơn tháng thôi.

HỎI: Nhà bác gần đây không?

ĐÁP: Gần thôi.

HỎI: Lát cháu sáng chơi được không ạ?

ĐÁP: Thôi. Chúng nó cho là người nhà nước về là nó lại xúm vào. Huyện ủy lên đây làm việc với chúng tôi nó cũng quây vào. Đáng nhẽ hôm nay tôi đưa mấy ông già bà gìa lên gặp các anh, nhưng vì đây người làng đây cả, sợ có cái nọ cái kia. Đây cũng nói các anh, đưa thì đưa cho khéo, không cần tên. Nếu lúc nào nó cần đối chứng thì tôi đối chứng. Chứ giờ mà đưa tên tuổi tôi lên nó phức tạp lắm. Lên phây búc tất cả bọn nó biết hết.

HỎI: Trong thời gian căng thẳng bác và các hộ dân khác có phiền phức gì không?

ĐÁP: Có. Nó mang dây thép đến rào hết nhà chúng tôi lại. Còn bây giờ nó bắt tất. Thằng Tùng phó công an huyện nó đánh đau. Hôm kia, khổ người đi đường, đang đi qua nó tưởng người nhà nước, nó đánh. Có gì nó vác tù và thổi um lên như chiến trận ấy.

HỎI: Nếu muốn nhờ bác làm cầu nối để nói chuyện với trong làng được không?

ĐÁP: Làm sao được, tôi đang làm điểm ngắm, nói làm sao được. Từ hồi xảy ra chuyện, tôi ra ngoài làng tôi ở.

Tốt nhất các anh đừng đưa tên. Đưa là nó truy đến cùng, phức tạp lắm. Bây giờ đến giờ phút này chắc thôi. Từ hôm qua báo chí đưa là rõ rồi. Từ hôm qua lên TV, dân nó bảo nhau là chúng nó lừa mình, không phải đất của mình. Dân nó khổ cái là lớp các anh thì chỉ láng máng thôi. Nó phải như lớp chúng tôi, thì già cả chết hết cả rồi, hoặc không muốn nói, mệt lắm.

HỎI: Ý bác là có những người lôi kéo?

ĐÁP: Anh thừa biết còn gì.

HỎI: Tỉ lệ người trong làng theo cánh này có cao không?

ĐÁP: Trước chỉ khoảng ba chục người. Sau nó mới lên thế này. Tôi nói nhé, là vì nhà nước mình làm không kiên quyết. Bởi vì dân nó bảo, đất của quân đội sao không kiên quyết giữ?

HỎI: Ý bác nói cái đoạn bắt đầu nhảy vào trồng ngô đấy ạ?


ĐÁP: Ừ
HỎI: Trước ba chục (hộ dân), giờ khoảng bao nhiêu ạ?

ĐÁP: Ôi dồi phải nửa làng. Đấy, không xử lý là sai lầm. Nó bắt cán bộ huyện lại, nhưng mình lại ra ra cảnh cáo. Tôi cho là có vấn đề. Nó lên gào thét, chửi bới ngay trên hội trường. Nó bắt cả phó chủ tịch huyện. Nó lăn cả vào xe. Từ cái chỗ bước đầu ta không làm, nên nó cho là nó đúng. Nó bảo tại sao đất bộ đội mà dân vào chả ai nói gì? Mang máy cày nó cày, cắm cả cờ lên không ai nói gì. Dân chủ quá trớn nên khó chữa. Nó bảo không phải của bộ đội đâu, bộ đội động vào nó tóm cổ chứ ai cho làm. Nó còn phao tin đất này mai đây đền đến 6 triệu 1m2 cơ mà. Nó bảo Viettel nhiều tiền lắm, bao nhiêu nó cũng trả. Cho nên tôi nói quân đội có cái sai lầm là không giữ được ngay từ đầu.

HỎI: Dân cố thủ trong làng ạ?

ĐÁP: Vừa rồi huyện định cưỡng chế, nhưng hở cái gì nó biết cái đấy. Tôi cho nó có điệp viên đấy. Tôi nói ví dụ hôm qua công an, nhà báo về nó đuổi đánh cho chạy mất dép. 300 công an chạy mất dép. Bây giờ 2 bên đường làng đá như thế này (cầm cái chén tống), vào là cả người già trẻ em nó ném. Ở cổng làng chắn toàn bộ đá sỏi, cây cối, giường chiếu mang ra. Quảng Bình dỡ nhà cho xe qua thế nào thì giờ y như thế. Anh vào mà lạ nó bắt luôn, chỉ có người làng vào thôi.

HỎI: Có nhiều người không ủng hộ không?

ĐÁP: Nhiều chứ, có phải tất cả làng rồi. Nhưng giờ thành phong trào rồi. Hôm qua nó bắc loa bảo: Bà con tất cả đứng lên, ai có cuốc dùng cuốc. Anh thấy không, nó dùng lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch. Bọn phản động đang về quấy nhiễu Đảng ta. Hôm qua đúng thật, có, thế là chạy mất dép(4).

HỎI: Bác muốn vào có vào được không ạ?

ĐÁP: Tôi là người làng sao không được. Nhưng hôm qua nó đang đe 14 hộ dân chúng tôi là nó sẽ đánh, vì cung cấp số liệu này kia…

***
Chú thích:
(1) Ám chỉ những phần tử quá khích sống trong khu vực.
(2) HTX vôi đá Miếu Môn, nay đã giải thể.
(3) Ý nói những biến động bạo lực từ đầu năm 2017 đến nay.
(4) Một số tổ chức phản động chống phá nhà nước tìm cách tiếp cận và lôi kéo người dân, nhưng bị từ chối và đuổi đi thẳng thừng.

Nguồn: FB nhà báo Phạm Gia Hiền.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *