THIẾN DÂM TẶC: NHÂN VĂN HAY MAN RỢ?

Người xem: 203

Cuteo@ 

Dâm tặc bao giờ cũng là nỗi khiếp sợ của cả xã hội.

Mấy ngày nay, cụm từ “ấu dâm”, “hiếp dâm”, “xâm hại tình dục trẻ em” được nhắc đến như một nỗi ám ảnh. Phản ứng với những vụ việc báo chí nêu ở Hà Nội, Vũng Tàu, TP HCM là thái độ căm phẫn, giận dữ.

Câu hỏi đặt ra: Làm thế nào để ngăn chặn tình trạng hiếp dâm? 

Tại buổi tọa đàm “Nạn xâm hại tình dục trẻ em: Im lặng hay lên tiếng”, tổ chức chiều 14/3/2017 tại Hà Nội, luật sư Nguyễn Thị Bích Điệp đã đề xuất áp dụng biện pháp “thiến hóa học” đối với tội phạm tình dục trẻ em nhằm ngăn chặn khả năng tái phạm. Đây không phải lần đầu hình phạt có tên “Thiến” được đề xuất.

Theo BBC, hồi tháng 2 năm ngoái, Indonesia cũng đã phải ban hành luật “hoạn dâm tặc”, cho phép dùng hóa chất để hoạn người phạm tội ấu dâm; cho phép thẩm phán kết án tử hình đối với tội phạm ấu dâm, giám sát điện tử đối với dâm tặc, tuyên phạt người phạm tội tình dục trẻ em mức án tối thiểu 10 năm tù. 

Trước đó, Tổng thống Indonesia Joko Widodo đề xuất sửa đổi luật sau khi một bé gái 14 tuổi bị hiếp dâm tập thể và bị sát hại. Những đối tượng bị kết án ấu dâm sẽ bị tiêm hormone nữ. Xem link: 

http://www.tienphong.vn/the-gioi/indonesia-ra-luat-hoan-dam-tac-1061566.tpo 

Còn nhớ, trên mạng đã từng xuất hiện bài viết với tựa đề: “Thiến những kẻ hiếp dâm mới là nhân văn”. Link dưới: 

baodatviet.vn/…/dB-Tu-phapThien-nhung-ke-hiep-dam-moi-la-nhan-van-2… 

Trong bài viết, ĐBQH Đỗ Văn Đương đã tán thành việc thiến, nhằm “Ngăn ngừa không để tái phạm tội và cũng không để sinh ra một đứa trẻ có “gien” phạm tội bẩm sinh, tức là đời cha đã hiếp dâm thì đời con cũng không loại trừ”. 

Trong bài, ông Đương nói đến một “ngày xưa”, khi “Pháp luật phong kiến người ta có hình phạt rất hay, người ăn trộm thì bị chặt tay, anh nào hiếp dâm người ta đem thiến”. Ông đề xuất: Cùng với tuyên hình phạt tù, cần tuyên “thiến hóa chất” như một hình phạt bổ sung. Tức là cùng với việc đi tù, thì đồng thời tiêm loại thuốc đó để mất khả năng tình dục…Khi tiêm vào rồi phải tính đến khả năng không lấy lại được như cũ nữa, tức là làm suy giảm triệt để thì có dùng loại thuốc nào cũng không kích lên được nữa”. 

Theo ông Đương, việc thiến “Khiến cho người khác thấy nhục nhã, run sợ mà từ bỏ hành vi phạm tội”. Ông cũng nói thẳng: Giả sử trong trường hợp bản thân lâm vào tình trạng này tôi cũng đồng ý chịu hình phạt đó. Kể cả con cái mình, tôi cũng đề nghị như thế bởi vì không cần thiết tố chất dục vọng trái pháp luật, gây hại cho người khác, gây hấn cho xã hội, nhục nhã cho dòng họ, cho gia đình như vậy.

Được biết, hình phạt “thiến hóa chất” đang được áp dụng ở cả Mỹ (dù không phổ biến), cả Đức, Đan Mạch, Thụy Điển, Ba Lan… cả ở một đất nước được coi là văn minh như Hàn Quốc. Và nếu phải kể thêm thì đó là Argentina, Úc, Israel, New Zealand. Nhưng nói gì thì nói, “thiến (bằng) hóa chất” có khác gì “cung hình”, một trong những hình phạt “tàn khốc” nhất trong lịch sử phong kiến. 

Nói đến thiến, không thể không nhắc đến Tư Mã Thiên – Sử gia nổi tiếng đã viết những dòng cay đắng khi nghĩ lại giây phút bị cung hình: “Mỗi khi nghĩ đến nỗi nhục đó thì mồ hôi ướt đầm áo, nghĩ mình chỉ đáng canh cửa cho đàn bà hay tốt hơn là nên ẩn thân vào nơi sơn cùng thuỷ tận”. 

Những người chưa từng bị thiến, có lẽ, sẽ không bao giờ hình dung sự hiểm độc của hình phạt. Một hình phạt vừa dã man, vừa tàn bạo khiến tội phạm, bắt đầu trở thành nạn nhân, sẽ sống cả đời trong sự hoảng loạn, sợ hãi, nhục nhã. 

Trong khi còn đang cố tìm cách chống lại nạn hiếp dâm, chúng ta vẫn còn phân vân, liệu rằng thiến có phải là hình phạt tốt nhất hay vẫn chỉ là một hình thức xóa bỏ sự man rợ này bằng một hình thức man rợ khác?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *