Tuyến Phan
(PLO)- Không ai có tội cho đến khi chưa có bản án có hiệu lực theo quy định pháp luật. Hành vi lan truyền hình ảnh của nghi phạm là vi phạm quyền nhân thân.
ThS Đào Trung Hiếu nhận định việc một số người có hành vi đăng tải ảnh và kêu gọi mọi người cùng chia sẻ ảnh, thông tin về nghi phạm ấu dâm trên mạng xã hội trong những ngày qua là vi phạm quyền nhân thân.
Dưới đây là ý kiến của ThS Đào Trung Hiếu về vấn đề này:
Mọi công dân đều được pháp luật bảo hộ về hình ảnh, nhân thân cũng như danh tiếng. Mọi hành vi xâm phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Ở mức độ nhẹ, người bị xâm phạm có thể khởi kiện, yêu cầu công khai cải chính, xin lỗi hoặc bồi thường danh dự; nặng có thể yêu cầu truy tố hình sự về tội vu khống hoặc làm nhục người khác.
Chẳng hạn, hành vi đăng hình ảnh và thông tin về nghề nghiệp, nơi ở… của nghi can CMH (ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) bị tố cáo xâm hại bé gái tám tuổi là sai. Về nguyên tắc, không ai có thể bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật. Đây là nguyên tắc “suy đoán vô tội” quy định trong bộ luật tố tụng hình sự.
Do đó tính đến thời điểm này, chưa ai có thể kết luận nghi can CMH có phạm tội hay không.
Hành vi lan truyền trên mạng hình ảnh của CMH rõ ràng là vi phạm quyền nhân thân, bị nghiêm cấm theo pháp luật. Việc xử lý hành vi này như thế nào thì phụ thuộc vào đề nghị của người bị xâm hại, có thể trình báo công an hoặc khởi kiện ra tòa.
Mạng xã hội là “con dao hai lưỡi”, với những thông tin thất thiệt nó có thể gây ra những hậu quả rất lớn mà không thể lượng hóa được. Đây mới chỉ là nghi án nhưng có những người dùng Facebook đã tung tin như một sự đấu tố. Nếu sau này cơ quan công an chứng minh CMH không phải người phạm tội, ai sẽ là người gột rửa tiếng xấu cho anh ta?
Hoặc nói xa hơn chút, có rất nhiều vụ việc học sinh đánh nhau và bị quay clip rồi tung lên mạng. Nạn nhân có thể khi bị đánh, bị đau về thể xác nhưng không thể bằng nỗi đau về mặt tinh thần. Nhiều trường hợp khi xem lại những đoạn clip đó, họ không thể chịu đựng được và tìm đến cái chết.
Quay trở lại vụ án xâm hại ở Hoàng Mai, đây vẫn chỉ là một nghi án. Chúng ta phải đợi kết luận điều tra, kết quả xét xử cuối cùng của tòa án thì mới có thể khẳng định ai là người có tội. Thậm chí, tòa tuyên án rồi họ vẫn còn quyền kháng cáo. Có những vụ mà qua rất nhiều cấp xét xử, kết luận bị cáo có tội nhưng cuối cùng lại bị oan, đơn cử như vụ của ông Nguyễn Thanh Chấn.
Từ việc trên, những người sử dụng mạng xã hội cần có trách nhiệm cộng đồng, không nên lan truyền thông tin chưa được kiểm chứng một cách vô ý thức. Một hành động vô tình để thỏa mãn nhất thời có thể gây ra tác hại cực kỳ lớn về tư tưởng, tinh thần, khiến người trong cuộc đi đến cùng quẫn.
Là công dân, chúng ta cần ứng xử theo đúng quy định của pháp luật, giữ gìn nhân phẩm và danh dự cho người khác; không nên quá dễ dãi chia sẻ những thông tin khi chưa đủ cở sở chứng minh.
Tin cùng chuyên mục:
Vụ tai nạn thương tâm từ máy bay không người lái: Hồi chuông cảnh báo về an toàn công nghệ
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố