Nhà lãnh đạo kiệt xuất để lại nhiều dấu ấn với đất nước
Báo Hà Nội Mới
1. Tròn 20 tuổi, gia nhập tổ chức cách mạng tiền thân của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, tham gia cuộc vận động thành lập Đảng và trở thành một trong những chiến sĩ cộng sản đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng chí Trường Chinh bắt đầu đi vào con đường hoạt động cách mạng chuyên nghiệp.
Trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng ở tuổi 44, tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí có công lớn trong việc chuẩn bị nội dung Hội nghị Trung ương tám khóa I (5-1941), “thay đổi chiến lược” với những “chính sách mới” trong việc xác định nhiệm vụ cách mạng, giải quyết mối quan hệ dân tộc – giai cấp. Được sự dẫn dắt bởi tư tưởng Hồ Chí Minh, Nghị quyết Hội nghị Trung ương tám với sự đóng góp to lớn về trí tuệ của đồng chí Trường Chinh, là một sự kiện đặc biệt quan trọng, ghi dấu ấn vào thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám.
Khi Chủ tịch Hồ Chí Minh vắng mặt, Tổng Bí thư Trường Chinh đã để lại dấu ấn trên nhiều phương diện quan trọng như tổ chức, phát triển lực lượng chính trị trong Mặt trận Việt Minh; xây dựng “an toàn khu”; tổ chức lực lượng vũ trang… Dự báo được việc Nhật – Pháp đụng độ, đồng chí Trường Chinh đã chủ trì Hội nghị Thường vụ Trung ương, ra Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Đồng chí có công lớn trong việc tổ chức Hội nghị toàn quốc của Đảng, Đại hội quốc dân Tân Trào, thành lập và phụ trách Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện khác để khi thời cơ đến, cùng lãnh tụ Hồ Chí Minh và Đảng ta lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đưa dân tộc ta bước vào kỷ nguyên độc lập, tự do.
Khi thực dân Pháp tái xâm lược nước ta, dưới sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo cả nước tiến hành cuộc kháng chiến “toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính” với niềm tin “kháng chiến nhất định thắng lợi”. Đồng chí đã để lại dấu ấn trong việc thực hiện sách lược “hòa để tiến”, củng cố, bảo vệ và xây dựng nền dân chủ cộng hòa, tạo nên sức mạnh chính trị to lớn, đặc biệt là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh, ngay trong giai đoạn kháng chiến, đồng chí đã phác họa con đường phát triển của dân tộc qua Luận cương về cách mạng Việt Nam năm 1951, tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, tiến dần lên chủ nghĩa xã hội. Đảng ta khẳng định: “Dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, trên cương vị Tổng Bí thư của Đảng, từ năm 1941, cùng với Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, đồng chí Trường Chinh đã có nhiều quyết sách đúng đắn, sáng tạo, nhất là trong những bước ngoặt của cách mạng, vai trò của đồng chí nổi bật là một trong những đồng chí lãnh đạo kiệt xuất đã đưa cuộc Cách mạng Tháng Tám đến thành công và đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi cuối cùng” (Báo Nhân Dân, ngày 6-10-1988).
2. Sau 9 năm, cuộc kháng chiến thần thánh đã thắng lợi, đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội. Hơn 20 năm tiếp theo, đồng chí đã cùng Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương lãnh đạo nhân dân cả nước lãnh đạo hoàn thành cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trên cả nước, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Những năm sau ngày giải phóng, khi đất nước lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế – xã hội trầm trọng, đồng chí sớm nhận ra con đường tất yếu phải đi của đất nước là đổi mới. Theo đồng chí, đổi mới là xu thế của thời đại, bản chất sâu xa của chủ nghĩa Mác – Lênin, là đòi hỏi tất yếu của cách mạng xã hội chủ nghĩa; đổi mới là yêu cầu bức thiết, có ý nghĩa sống còn đối với đất nước và dân tộc. Hơn 30 năm đổi mới, chúng ta đã giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Nhiều đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã khẳng định đồng chí Trường Chinh là “một trong những người đề xướng công cuộc đổi mới”.
Những dấu ấn của đồng chí Trường Chinh để lại trong đổi mới cách đây hơn 30 năm vẫn còn nguyên giá trị, tiếp tục soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta giành thắng lợi. Trước hết là trí tuệ và bản lĩnh dám đổi mới và biết đổi mới phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Nhận thức đổi mới là đòi hỏi bức thiết của dân tộc và thời đại nhưng phải biết cách làm mang chất lượng khoa học và cách mạng. Phải biết khai thác sức mạnh của nhân dân, lấy dân làm gốc; xuất phát từ thực tế, tôn trọng, vận dụng đúng đắn và hành động theo quy luật khách quan, tránh rập khuôn, áp đặt chủ quan, duy ý chí. Đồng chí Trường Chinh cho ta một bài học lớn về tầm nhìn và cách nhìn đổi mới, luôn luôn giữ vững nguyên tắc, những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, lý luận, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời phải sáng tạo.
Thứ hai, thái độ của đổi mới là “dám nhìn thẳng vào sự thật, nói rõ sự thật, đánh giá đúng sự thật”; thật sự, nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình, không giấu giếm khuyết điểm. Là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh thấm nhuần sâu sắc tư tưởng “tự chỉ trích” của Người và thực hành tư tưởng đó hiệu quả. Hồ Chí Minh dạy rằng “một Đảng mà giấu giếm khuyết điểm của mình là một Đảng hỏng.
Một Đảng có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó. Như thế là một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”. Sai lầm, khuyết điểm là phản giá trị, nhưng dũng cảm “tự chỉ trích”, thấy rõ những khuyết điểm, sai lầm và sửa chữa bằng được những sai lầm đó chính là một giá trị của đổi mới. Đó là một bài học lớn của những ngày đầu và qua 30 năm đổi mới, được khẳng định trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Thứ ba, đổi mới phong cách và tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Bước vào đổi mới, đồng chí Trường Chinh rất quan tâm đến đổi mới phong cách. Đồng chí nhận thức sâu sắc rằng để đánh giá một đảng, mỗi cán bộ, đảng viên có thật sự là chiến sĩ cách mạng chân chính hay không thì không chỉ dựa vào tuyên ngôn, nghị quyết mà còn phải căn cứ vào lập trường, thái độ chính trị, hành vi của họ trong đấu tranh cách mạng. Đổi mới phong cách bao gồm phong cách tư duy, phong cách làm việc, phong cách ứng xử… Những quan điểm và tấm gương của đồng chí Trường Chinh rất gần với Chỉ thị 05-CT/TƯ ngày 15-5-2016 của Bộ Chính trị về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với việc kiên trì, kiên quyết triển khai quyết liệt, có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII.
Là một nhân cách lớn, một nhà lãnh đạo kiệt xuất, một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí Trường Chinh để lại nhiều dấu ấn quan trọng đối với cách mạng Việt Nam, tiếp tục soi sáng sự nghiệp đổi mới của chúng ta.
PGS.TS Bùi Đình Phong
Tin cùng chuyên mục:
Nguyễn Xuân Diện và sự thật lịch sử về Hải chiến Hoàng sa
Con trai ông Trump nói Tổng thống Zelensky nài nỉ được mời đến buổi lễ nhậm chức
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA