Phú Ngẫn: CHUYỆN VỀ PHÓNG SINH CÁC CHIM

Người xem: 203

Tút chém gió ngược của cô Ngẫn

Tôi vốn dị ứng với mọi hoạt động từ thiện, phóng sinh hay giúp đỡ người nghèo, cơ mà lần này tôi sẽ bỏ qua định-kiến để phân tích vấn đề phóng sinh cá chim dưới góc nhìn khoa học, nhân vụ các bạn cãi nhau nên hay không thả cá chim con xuống sông Hồng của anh hoà thượng trụ trì chùa Phật Quang.

Tôi là dân chuyên câu cá, nói không phải để khoe, trước đây tôi hay được gọi là Phú Bói Cá, một cao thủ chuyên câu cá bằng mồi a quỳ, cá nào tôi cũng câu được hết xưa nay chưa từng có ngoại lệ.

Khi câu cá chim, thì bắt buộc phải có tiết aka máu. Hoà một chút tiết gà hoặc lợn vào bát rồi đổ xuống ao hồ, cá chim sẽ kéo đến rất nhanh. Chúng nhạy với mùi máu i như cá mập vậy, nên bạn nào vẫn tin là cá chim ăn chay, thì tôi chịu.

Cá chim, giống như các loài cá thân dẹt, không chịu được trời lạnh, vào mùa đông rét kỷ lục năm cụ Rùa viên tịch, cá chim chết nổi trắng khắp các ao hồ. Trước hình như cũng từng có bài hát “cá chim trắng mồ côi” gì đó của Đan Trường, loài này nhạy cảm với thời tiết, dễ chết, xét về nguy hại cho môi trường tự nhiên thì không bằng cá rô phi.

Nhưng cá chim là loài cá dữ, hàm khoẻ răng nhọn, lại ăn tạp như cịu cán bộ PVC nên là giống xâm hại nguy hiểm. Các anh chị nào bảo không phải mời cởi quần áo nhảy xuống ao nuôi cá chim giống bơi một vòng rồi lên đây nói chuyện tiếp.

Ai nuôi cá đều biết, một khi ao nuôi bị lẫn một con cá chim, thì đó là thảm hoạ. Ngoài việc ăn cá con, cá chim có sở thích cắn và ăn vây, đuôi của các giống cá lớn hơn (chép, trắm, trôi, mè…), thi thoảng ở ao nuôi cá có con bất ngờ lao vù lên khỏi mặt nước như Yelena Isinbayeva phá kỉ lục nhảy sào Thuỵ Sĩ, thì ắt đó là do bị cá chim cắn. Cá câu lên con nào cũng bị đứt đuôi, mất vây, rơm rớm máu, khiến cá bị đau và chậm lớn, về mặt kỹ thuật nuôi trồng thuỷ sản đơn thuần, cá chim là loài hung dữ buộc phải nuôi riêng.

Tôi trích mô tả về hàm răng cá chim trong tài liệu khoa học cho các anh chị tham khảo:

“Although not as well-developed and sharp as in their piranha cousins, red-bellied pacu have two rows of hard, flattened teeth used for crushing seeds and nuts. This dentition is comprised of 2 series of molariform incisors located on the premaxilla and 1 row of dentary teeth. The largest individuals can weigh up to 25 kg and measure 88 cm.”

Đoạn text trên, theo kết quả dịch của phần mềm Gúc tran lết thần thánh mà tôi vẫn hay dùng để viết luận án tiến sĩ, thì có nghĩa như sau:”Dù không phát triển sắc bén như răng của người anh em cá Hổ (Piranha), cá chim bụng đỏ (cá chim sông) có tới hai hàm răng cứng và dẹt dùng để nghiền các loại hạt làm thức ăn. Bộ răng này gồm 2 loạt răng hàm sữa ở hàm trên và 1 hàng ở hàm dưới. Cá thể lớn nhất có thể nặng tới 25kg và dài 88cm” Hết trích.

Tự nhiên không sinh ra cái gì thừa cả, cơ thể lớn với hàm răng tuy hơi móm nhưng cực khoẻ lại nhọn như thiên phương hoạ kích của Lữ Bố, thì chắc chắn không phải chỉ dùng để gặm rong rêu hay quảng cáo cho Colgate. Nên nhớ từng một thời, hồ thuỷ điện sông Đà bị nạn cá chim, cá to 30-40kg vẫn bị cắn chết nổi la liệt.

Các anh già hay tắm truồng ở bãi Giữa cũng liu í nha, cá chim rất thích những loại thịt nổi lập lờ mặt nước, vịt bơi bị cắn cụt chân là rất thường, cái gì dài lủng lẳng thì nhớ chằng buộc, che chắn bảo vệ cẩn thận rồi hãy xuống tắm cho an tâm.

Phóng sinh là để làm việc thiện, cơ mà cái thiện của các anh chị, lại không có chỗ cho lũ cá bản địa đã bơi lội ở sông Hồng 4000 mùa nước nổi, thế là tôi chê.

Ảnh răng cá chim đây, đứa nào bảo hiền lành vô hại thì ra chợ mua về vạch mồm nó ra mà hôn nhau cho đằm thắm nhá.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *