Hàng loạt trường tư Singapore đóng cửa vì không đảm bảo chất lượng
Số trường tư phải đóng cửa ở Singapore đã lên tới con số kỷ lục vào năm ngoái. Thật đáng ngạc nhiên khi điều này lại xảy ra ở một lĩnh vực đã từng là tham vọng của Singapore.
Học viện M2 – một trong các trường phải đóng cửa – bắt đầu tuyển sinh từ năm 2014
Con số này thậm chí sẽ tăng vào năm nay khi các cơ quan chức năng vẫn đang chuẩn bị thi hành nhiều quy định mới nghiêm ngặt hơn.
Năm ngoái, 25 trường tư đã bị xóa sổ khỏi Ủy ban giáo dục tư thục (CPE), trong đó có những ngôi trường tên tuổi như Viện Giáo dục Nanyang và Học viện M2. Đây là những trường đã gây được tiếng vang ở Orchard Road mới chỉ 3 năm trước. Năm 2015, 17 trường đã bị đóng cửa.
Hiện tại, Singapore có 293 trường tư đã đăng ký. Lần đầu tiên con số này giảm xuống dưới 300 trường kể từ năm 2012, khi những quy định mới chặt chẽ hơn đã loại bỏ hàng trăm trường không thể đáp ứng các tiêu chuẩn đã đề ra.
Sự “đổ máu” trong lĩnh vực giáo dục của Singapore đồng nghĩa với việc kế hoạch xây dựng một trường học toàn cầu ở nước này – nhằm mục tiêu tuyển sinh được 150.000 sinh viên nước ngoài vào năm 2015 – đã bị xếp vào xó tủ.
Ông Brandon Lee – Tổng giám đốc của SkillsFuture Singapore – cho biết, việc tái cấu trúc là không thể tránh khỏi và sẽ tiếp tục diễn ra, bởi Chính phủ nước này gây dựng lĩnh vực giáo dục là để phục vụ tốt hơn nhu cầu của học sinh và nền kinh tế.
Ông nói thêm: “Những người hiện tại cần phải cam kết cải thiện liên tục chất lượng giáo dục để chương trình giảng dạy của mình gắn kết và thiết thực hơn với ngành công nghiệp”.
Giới quan sát ngành công nghiệp cho rằng, trong vài tháng tới thậm chí còn có thêm các trường phải rút lui, bởi vì CPE – cơ quan giám sát ngành công nghiệp này – đang đưa ra những biện pháp mới để bảo vệ và làm minh bạch thông tin hơn với các học sinh. Trong đó, các trường tư có cấp bằng sẽ phải tham gia một cuộc khảo sát thường niên được tổ chức bởi CPE. Những trường này cũng sẽ được yêu cầu phải có vốn huy động tối thiểu là 100.000 đô la Sing.
Các quan chức của CPE cho biết, hầu hết các trường đều tự nguyện đóng cửa khi điều kiện kinh doanh trở nên khó khăn hơn. Một số trường quyết định tập trung vào các khóa học ngắn hạn.
Các trường không cấp bằng, bằng tốt nghiệp hay không có các khóa học toàn thời gian ở cấp sau trung học không cần đăng ký với CPE.
Trong trường hợp phải đóng cửa, CPE sẽ phối hợp chặt chẽ với trường để đảm bảo quyền lợi của học sinh. Trường được yêu cầu hoàn thành giảng dạy khóa học đó hoặc phải đảm bảo rằng học sinh của mình có thể chuyển sang các trường khác có cùng chương trình.
Hiện không có số liệu tuyển sinh hiện tại của các trường tư, nhưng số liệu năm 2015 – 77.000 học sinh địa phương và 29.000 học sinh nước ngoài – đã cho thấy một sự sụt giảm.
Cách đây 5 năm, các phương tiện truyền thông cho biết có khoảng 100.000 học sinh địa phương và khoảng 35.000 học sinh nước ngoài đang theo học ở các trường tư.
Số học sinh trong nước dự kiến sẽ còn giảm nữa khi Chính phủ cam kết sẽ tăng số lượng học sinh nước ngoài hằng năm cho 6 trường đại học để đảm bảo rằng sinh viên nước ngoài sẽ chiếm 40%.
Ông Lee Kwok Cheong – giám đốc điều hành trường tư lớn nhất Singapore – Sim Global Education, hy vọng sự thay đổi này sẽ tiếp tục diễn ra khi các quy định được thắt chặt hơn.
Tổng thư ký Viện Phát triển quản lý Singapore – ông R. Theyvendran – cũng cho rằng sẽ có thêm nhiều trường tư biến mất khỏi thị trường.
“Đó không hẳn là một điều xấu. Hi vọng rằng những nhà đầu tư chất lượng vẫn sẽ ở lại và nhận được sự hỗ trợ để phát triển doanh nghiệp của mình” – ông nói.
Nguyễn Thảo (Theo Strait Times)
Tin cùng chuyên mục:
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga
Trừng phạt Nga hay cuộc ‘chiến tranh kinh tế’ tổng lực của phương Tây trên khắp thế giới