PHẠM CÔNG DANH LÃNH 30 NĂM TỦ

Người xem: 224

Phạm Công Danh lãnh 30 năm tù

​(NLĐO) – Ngoài việc tuyên án đối với Phạm Công Danh và dàn lãnh đạo Ngân hàng Xây dựng VN (VNCB), toà còn yêu cầu khởi tố nhiều cá nhân khác.

Lúc 18 giờ ngày 9-9, TAND TP HCM đã tuyên phạt Phạm Công Danh (SN 1965, nguyên chủ tịch HĐQT VNCB, nguyên TGĐ Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) mức án 18 năm tù về tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và 20 năm tù về tội “Vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”.

Tổng hợp hình phạt mà Phạm Công Danh phải chịu trách nhiệm chung cho hai tội danh là 30 năm tù.

Ngoài ra, Phan Thành Mai (SN 1971, nguyên TGĐ VNCB) lãnh 22 năm tù; Mai Hữu Khương (SN 1983, nguyên GĐ VNCB Chi nhánh Sài Gòn) mức án 20 năm tù; Hoàng Đình Quyết (SN 1983, nguyên GĐ VNCB Chi nhánh Lam Giang) mức án 19 năm tù; Nguyễn Quốc Viễn (SN 1976, nguyên Trưởng Ban Kiểm soát VNCB) mức án 9 năm tù.

Bên cạnh đó, 31 bị cáo khác nguyên là giám đốc các công ty, nhân viên VNCB bị tuyên phạt từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 7 năm tù.

HĐXX còn yêu cầu Bộ Công an và VKSND Tối cao xem xét điều tra một số cá nhân do có nhiều sai phạm liên quan đến những hành vi phạm tội của Phạm Công Danh.

Đặc biệt, khởi tố tại tòa Phạm Thị Trang, Hứa Thị Phấn và một số cá nhân nhóm Phú Mỹ, nhóm tín dụng Ngân hàng Đại tín gồm Hoàng Văn Toàn và các thành viên khác.

Theo cáo trạng, kể từ khi nhóm do Phạm Công Danh lên nắm quyền điều hành vào năm 2013, quản trị VNCB hoạt động không hiệu quả, gây thiệt hại 9.133 tỉ đồng.

Do vụ án có quá nhiều hành vi của nhiều bị cáo và những người có quyền, nghĩa vụ liên quan nên toà tuyên án cả ngày 9-9.

Trước đó, ngày 16-8, đại diện VKSNĐ TP HCM giữ quyền công tố tại phiên tòa đã đề nghị Phạm Công Danh (SN 1965, nguyên chủ tịch HĐQT VNCB, nguyên TGĐ Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh) 20 năm tù về tội “Vi phạm vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, 20 năm tù về tội “Cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, tổng hợp là 30 năm tù.

Phan Thành Mai (SN 1971, nguyên TGĐ VNCB) từ 24 – 26 năm tù; Mai Hữu Khương (SN 1983, nguyên GĐ VNCB Chi nhánh Sài Gòn) từ 22 – 24 năm tù.

Hoàng Đình Quyết (SN 1983, nguyên GĐ VNCB Chi nhánh Lam Giang) bị đề nghị từ 20 – 22 năm tù; Nguyễn Quốc Viễn (SN 1976, nguyên Trưởng Ban Kiểm soát VNCB) từ 14- 16 năm tù.

31 bị cáo khác nguyên là giám đốc các công ty, nhân viên VNCB bị đề nghị từ 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 11 năm tù. Ngoài ra, VKS còn yêu cầu khởi tố tại tòa đối với một số cá nhân khác.

Trong lời nói sau cùng, Phạm Công Danh đã thừa nhận hành vi của mình đồng thời đề nghị tòa xem xét giảm mức án cho các thuộc cấp vì những người này không hưởng lợi gì mà chỉ làm theo những chỉ đạo của Danh. Đáng chú ý, bà Trần Ngọc Bích, Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát, yêu cầu toà tuyên buộc phải trả lại 5.490 tỉ đồng cho nhóm của bà.

HĐXX sẽ yêu cầu C46 khởi tố điều tra một số vấn đề, VKSND Tối cao thông qua tài liệu tại phiên toà này xem xét trách nhiệm của một số cá nhân. Các bị cáo bị truy tố 2 tội danh, ngân hàng tham gia với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là phù hợp. Đánh giá về nội dung vụ án, HĐXX nhận định: Phạm Công Danh đã chỉ đạo các nhân viên khác lập khống, nâng khống các giấy tờ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Nhóm cổ đông mới đã trả lãi và gốc cho nhóm bà Phấn số tiền hơn 3.600 tỉ đồng từ vốn vay của ngân hàng khác, mượn bà Bích, vốn ủy thác đầu tư… Như vậy, các cổ đông đã thực hiện không đúng cam kết, chỉ sử dụng nguồn vốn của mình cho thấy quá trình tái cơ cấu ngân hàng bị cáo Danh đã không đủ năng lực, khả năng tài chính ngoài tầm với mình, bị cáo phải đối diện nhiều khoản lãi, tiền vốn quá lớn. Lời bào chữa của luật sư dành cho bị cáo Danh đưa ra đều từ lời khai của Danh, tòa không chấp nhận. Trên thực tế, sau khi ký cam kết thỏa thuận, Danh đã từng bước đưa người của mình vào tiếp nhận ngân hàng; cụ thể là Hoàng Đình Quyết được Danh đưa vào và khi tổ chức đại hội cổ đông Danh chính thức được bầu làm chủ tịch hội đồng quản trị. Mặt khác, các hành vi VKSND Tối cao truy tố đều xảy ra sau khi đại hội cổ đông nên đúng quy định của pháp luật.

Tương tự, lời bào chữa của luật sư của Phan Thành Mai không có cơ sở chấp nhận vì hành vi của Mai cũng xảy ra sau đại hội cổ đông.

Phạm Dũng, ảnh: Hoàng Triều

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *