Khoai@
Báo VTC News vừa có bài đăng Đã đến lúc CSGT lấy lại uy lực thực thi pháp luật. Bạn FB Tống Hồng Cầm đã khen, Lâu lắm rồi mới thấy VTC có một cái tít đáng để đọc. Nhận xét ấy chí lý trên phương diện làm báo.
http://www.vtc.vn/da-den-luc-csgt-lay-lai-uy-luc-thuc-thi-phap-luat-d269118.html
http://www.vtc.vn/da-den-luc-csgt-lay-lai-uy-luc-thuc-thi-phap-luat-d269118.html
Ảnh minh họa – Nguồn ảnh từ bài báo của VTC News.
Về cơ bản tôi đồng tình với những ý kiến tích cực của người viết, rằng hiếm có đất nước nào mà người xâm phạm luật giao thông lại có thể ngang nhiên đôi co, cãi lộn, thậm chí lăng mạ, hành hung, rượt đuổi CSGT như ở ta.
Tác giả mô tả thực tế giao thông khắp nơi trên cả nước, hầu hết đã rơi vào hỗn loạn. Những hành vi xâm phạm, chà đạp lên luật giao thông diễn ra phổ biến, hàng ngày, hàng giờ, ở mọi đối tượng. Người vi phạm luật giao thông thì lăng mạ, hành hung CSGT. Một số người còn có thể sẵn sàng trở thành những con ác thú bất chấp pháp luật. Thực tế này dẫn đến, lực lượng CSGT đang ngày trở nên yếu thế trước những kẻ vi phạm pháp luật bởi sự cổ vũ của đám đông dư luận (trong đó có báo chí) sẵn sàng bênh vực kẻ vi phạm, trong khi những CSGT đang thực thi công vụ thì bị kỳ thị, lên án như “tội đồ”. Thực tế ấy cũng dẫn đến hệ lụy khủng khiếp, mỗi ngày, cả nước có hơn 30 người chết vì tai nạn giao thông. Năm 2015 có gần 8.800 người chết. Sáu tháng đầu năm 2016 có gần 3.600 người ra đường và không bao giờ quay lại.
Và hôm nay, Nghị định 46 (thay thế Nghị định 171 và 107) của Chính phủ chính thức có hiệu lực, với điểm mới là 115 hành vi và nhóm hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ sẽ được tăng mức phạt cao và rất cao sẽ là cơ hội để CSGT lấy lại uy lực thực thi pháp luật.
Bỏ qua những cái hay, cái được của bài báo, tôi thấy có hạt sạn nhỏ.
Trong bài báo có đoạn: “Cũng từ hôm nay, tại Hà Nội, lãnh đạo Cảnh sát cơ động Hà Nội tuyên bố lực lượng cảnh sát cơ động sẽ đồng loạt ra quân tuần tra đến 24h, xử phạt những hành vi vi phạm luật giao thông, đặc biệt nhằm các đối tượng xăm trổ, ngổ ngáo cố tình vi phạm giao thông”.
Việc xử phạt các hành vi vi phạm luật giao thông là đúng và khuyến khích, nhưng lại “đặc biệt nhằm các đối tượng xăm trổ, ngổ ngáo cố tình vi phạm giao thông” thì không đúng.
Viết như thế là kỳ thị những người xăm trổ. Việc xăm trổ hay có thái độ này khác không liên quan đến chuyện họ vi phạm hay không vi phạm luật giao thông.
Đơn giản là việc xăm trổ bắt nguồn từ quan niệm về cái đẹp và những giá trị mà họ hướng tới, đó là quyền của họ mà pháp luật không cấm. Nếu ta “đặc biệt” nhằm vào họ chỉ vì suy nghĩ cảm tính là hoàn toàn không chấp nhận được. Tôi đã chứng kiến và được tiếp xúc với nhiều người xăm trổ đầy mình (thú thực tôi không thấy đẹp), nhưng trí tuệ họ uyên bác, đạo đức của họ có những điểm chúng ta còn phải học tập và trên hết là ý thức tôn trọng pháp luật, trong đó có luật giao thông là hết sức nghiêm túc, đáng khen.
Người viết nghĩ rằng, mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và ai vi phạm hoặc cố tình vi phạm cũng sẽ bị xử lý. Rất không nên kỳ thị người xăm trổ và chỉ nhằm vào họ để xử phạt. Các bạn cũng nên nhớ, Nghị định 46 không có nội dung nào yêu cầu CSGT hay CSCĐ “đặc biệt” nhằm vào những đối tượng xăm trổ ngổ ngáo cả.
Tin cùng chuyên mục:
Phiên tòa xét xử Lưu Bình Nhưỡng: Sự thật và những luận điệu xuyên tạc
Chuyện quý bà và ‘soái ca nước yến’
TikToker say rượu, đi ngược chiều, livestream thách thức CSGT khi bị kiểm tra
Không thể đổ lỗi cho đèn tín hiệu giao thông khi vi phạm luật