Những người trong cuộc nói gì?!
(Congannghean.vn)-Vừa qua, Báo Vietnamnet đăng tải nội dung phản ánh hoạt động chặt phá rừng, khai thác gỗ trái phép trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, xã Hạnh Dịch, huyện Quế Phong.
Cụ thể ngày 9/8 đăng bài: “Tan hoang rừng pơ mu ngay trong khu bảo tồn thiên nhiên” và ngày 12/8 đăng bài: “Phó Giám đốc khu bảo tồn: Có đường dây buôn pơ-mu” của hai phóng viên Quốc Huy và Văn Bình (Báo Vietnamnet).
Liên quan đến hai bài báo nói trên, anh Lương Văn Thành (trú tại bản Mường Hiu, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong) và ông Lê Phùng Diệu – Phó Giám đốc khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã đến Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đề nghị được làm rõ một số nội dung liên quan.
Anh Lương Văn Thành trình báo sự việc tại Cơ quan Cảnh sát điều tra
1. Theo đó, anh Lương Văn Thành cho biết tình cờ gặp anh Bình (phóng viên Văn Bình – PV) trong quán ăn và được anh Bình thuê 600 nghìn đồng để dẫn đường đi vào rừng tìm hoa, tìm nấm. Khi dẫn anh Bình đi vào rừng, anh Thành thấy anh Bình đưa máy quay ra quay và máy ảnh để chụp ảnh rồi anh Bình nói dẫn đến chỗ một số gốc cây bị chặt hạ.
Do trước đó đã nhiều lần vào trong rừng để bẻ măng, tìm hoa, tìm nấm, thông thạo địa hình khu vực này và biết chỗ nào cây bị chặt nên anh Thành dẫn anh Bình tiếp cận được mấy gốc cây bị chặt. Lúc này, anh Bình đã đưa máy ảnh chụp và điện thoại để quay.
Sau khi đọc bài “Tan hoang rừng pơ mu ngay trong khu bảo tồn thiên nhiên” đăng trên Vietnamnet, anh Lương Văn Thành cho rằng có một số chi tiết bài báo nêu chưa chính xác. Cụ thể như: “có nghe tiếng máy cưa xăng”… là không đúng, vì lúc anh Thành dẫn anh Bình đi không hề nghe thấy tiếng gì mà chỉ nghe thấy tiếng ve kêu.
Còn vấn đề anh Bình nói anh Thành là một người dân trước đây từng khai thác gỗ là không phải, bởi vì anh Thành là một người dân làm ruộng, trồng trọt; chỉ thỉnh thoảng đi vào rừng hái măng, tìm hoa, tìm nấm.
Ngoài ra, bài báo còn nêu “có rất nhiều cây gỗ bị hạ đổ”, nhưng theo anh Lương Văn Thành thì trong khu rừng đó chỉ có những cây gỗ đã bị chặt từ rất lâu, khi nào thì anh không rõ và có khoảng 3 cây mới bị hạ. Và không có việc nhiều người vác gỗ đi qua như bài báo nêu.
Do đó, anh Thành nhận thấy bài báo này không hợp lý và muốn Cơ quan điều tra làm rõ sự việc này. Đồng thời đề nghị nhà báo Quốc Huy – Văn Bình (Vietnamnet) viết lại.
2. Liên quan trực tiếp đến bài: “Phó Giám đốc khu bảo tồn: Có đường dây buôn pơ-mu”, ngày 14/8, anh Lê Phùng Diệu – Phó Giám đốc khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt cho biết: “Vào khoảng 9h, ngày 8/8/2016, tôi đang làm việc ở cơ quan thì có 2 nhà báo Văn Bình và Quốc Huy có vào xin gặp. Anh Quốc Huy có hỏi trên địa bàn của xã Hạnh Dịch có hiện tượng khai thác lâm sản trái phép anh có biết hay không? Thì tôi có trả lời cái này tôi chưa biết và chưa nắm được.
“Sau đó, anh Huy có nói rằng muốn phỏng vấn để cho biết rõ về tình hình quản lý rừng ở trên này, thì tôi nói Giám đốc đang đi học ở TP Vinh và không được quyền phát ngôn. Sau đó tôi mời hai phóng viên uống nước và không trao đổi gì đến công việc nữa. Một lúc sau thì anh Huy nói với anh Bình xin phép tôi được chụp ảnh, ghi hình. Tôi cũng có nói các nội dung liên quan đến bảo vệ rừng đối với đơn vị chủ rừng thì rất quan tâm nhưng cụ thể nắm tại một địa điểm, thời điểm nào đó thì tôi cũng chưa nắm được. Bởi vì việc phá rừng, khai thác lâm sản trái phép diễn ra trong một thời điểm nào đó thì tôi cũng chưa nắm được, tôi cũng khẳng định là tôi không biết”.
Ngay sau đó, chiều cùng ngày (8/8), anh Lê Phùng Diệu đã đi vào Trạm quản lý bảo vệ rừng Hạnh Dịch chỉ đạo anh em kiểm tra lại thông tin như nhà báo nêu. Đồng thời, phối hợp với chính quyền xã Hạnh Dịch và Đồn Biên phòng nơi đây đi kiểm tra.
Anh Lê Phùng Diệu – Phó Giám đốc khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt
Tuy nhiên, ngày 10/8, báo Vietnamnet có đăng bài: “Phó Giám đốc khu bảo tồn: Có đường dây buôn Pơ Mu”. Sau khi đọc bài báo này thì anh Diệu cho rằng anh không được bố trí để trả lời phỏng vấn, mà trong lúc ngồi nói chuyện anh chỉ nói rằng anh nghĩ trước đây có đường dây chứ anh không khẳng định là có. Bởi vì việc khai thác lâm sản dù xảy ra ở đâu thì cũng không phải lớ;, đối với địa bàn Quế Phong có khai thác nhỏ lẻ và việc rừng bị xâm hại anh nghĩ là có, còn khai thác ở chỗ nào thì anh chưa rõ.
Rồi hai phóng viên khẳng định là hiện tại gỗ vẫn ở trong rừng, có hiện tượng khai thác và có hình ảnh ghi lại nhưng lại không đưa hình ảnh cho anh Diệu xem. Và trên thực tế anh Diệu cũng chưa thấy hiện tượng có người vác, có trâu kéo gỗ ở trong rừng.
Anh khẳng định với hai phóng viên là việc rừng bị xâm hại thì phải đi kiểm tra thì mới dám trả lời. Nhưng với trách nhiệm của mình, nếu có tình trạng như nhà báo Quốc Huy, Văn Bình phản ánh thì sẽ chỉ đạo, đôn đốc để anh em làm tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng.
Về việc bài báo phản ánh “Tan hoang rừng pơ-mu ngay trong khu bảo tồn thiên nhiên”, anh Diệu cho biết nội dung là không đúng. Bởi vì không có tình trạng khai thác hàng loạt với khối lượng lớn. Còn đối với đơn vị Pù Hoạt từ khi chuyển đổi đến nay là đơn vị chủ rừng đã làm hết sức, chỉ đạo đúng trọng điểm và có kế hoạch cụ thể để làm tốt công tác quản lý bảo vệ rừng theo QĐ 1109 của UBND tỉnh giao.
Anh Lê Phùng Diệu cũng khẳng định rằng không phát ngôn với nội dung có đường dây khai thác ở tại địa bàn huyện Quế Phong mà anh nghĩ việc khai thác trước đây là có và nghĩ rằng gỗ ở trong rừng đưa ra là có người địa phương đem về làm nhà, tiêu thụ chứ không phải có đường dây mang tính tổ chức cao, xâm hại đến rừng như bài báo nêu.
Đồng thời, anh Lê Phùng Diệu đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra làm sáng tỏ một số vấn đề bài báo nêu. Việc bài báo này nêu ra sẽ làm ảnh hưởng đến danh dự và làm ảnh hưởng đến vai trò trách nhiệm của bản thân anh trong quá trình công tác. Do vậy anh mong muốn cơ quan điều tra hiểu và có cách nhìn hai chiều. Nếu cần thiết anh cũng xin gặp lại nhà báo Quốc Huy và Văn Bình để làm rõ vấn đề này.
Liên quan đến loạt bài báo của Vietnamnet, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo Công an tỉnh chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và PTNT (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) và các đơn vị liên quan khẩn trương điều tra làm rõ vụ việc nêu trên và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Theo đó, ngày 10/8/2016, Đoàn công tác do Công an tỉnh chủ trì, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đại diện Viện Kiểm sát tỉnh, Ban quản lý rừng đặc dụng Pù Hoạt, Công an huyện Quế Phong, Hạt Kiểm lâm Quế Phong, Đồn biên phòng Hạnh Dịch, UBND xã Hạnh Dịch, tác giả bài báo Vietnamnet và dân quân địa phương đã tiến hành kiểm tra xác minh mở rộng vùng điều tra thuộc khu vực Báo Vietnamnet phản ánh tại các tiểu khu 59, 60, 61 giáp ranh với huyện Sầm Táy (Lào).
Quá trình kiểm tra theo các điểm mà tác giả bài báo phản ánh, mở rộng điều tra trên toàn tuyến, đoàn đã phát hiện tất cả 8 gốc gỗ pơ-mu bị chặt tại tiểu khu 60. Đoàn đã tiến hành khám nghiệm thu giữ vật mẫu tang vật vụ việc đối với từng cây gỗ đã chặt, để giám định phẩm cấp gỗ, thời gian chặt, giá trị sử dụng.
Trong đó, có 5 cây gỗ pơ mu đã chặt hạ khai thác từ nhiều năm nay, còn lại tại hiện trường gốc chặt, bìa bắp, không vận chuyển ra ngoài tiêu thụ được.
Khi quan sát, một số gốc chặt dấu cưa mới, nhưng thực chất gỗ đã chặt hạ nhiều năm trước đây, nay người dân, cưa xẻ tận dụng phần gốc chặt cao, bìa bắp để sử dụng. Do gỗ pơ mu nhiều tinh dầu nên gỗ nhìn quan sát bên ngoài như mới chặt.
Số gốc chặt này Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt đã báo cáo UBND huyện và đã xử lý.
Có 3 gốc chặt mới: theo quan sát thực tế thì thời gian khai thác khoảng 2,3 tháng về trước. Có 1 cây là cây già cỗi chết đứng, gỗ đã mục ải, không sử dụng được; 1 cây sâu bọng; 1 cây gỗ có giá trị đường kính khoảng 32 cm.
Hiện nay, rừng tự nhiên thuộc xã Hạnh Dịch huyện Quế Phong rừng gỗ vẫn còn nguyên sinh, mật độ dày đặc, trữ lượng gỗ lớn, có nhiều gỗ quý hiếm, không có dấu hiệu chặt phá mới, chỉ có một số gốc chặt cũ bằng hình thức chặt chọn từ nhiều năm trước, không ảnh hưởng đến thành phần và cấu trúc rừng.
Quá trình kiểm tra không phát hiện tình trạng người dân vào rừng khai thác mới; tuyến đường đoàn đi không có biểu hiện dấu mới của quá trình kéo gỗ…
Vậy, bài viết “Tan hoang rừng pơ mu ngay trong khu bảo tồn thiên nhiên” và bài viết: “Phó Giám đốc khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt: Có đường dây buôn pơ mu” của phóng viên Quốc Huy và Văn Bình Báo Vietnamnet là không đúng tính chất, mức độ của sự việc.
Minh Khôi
Tin cùng chuyên mục:
Chuyện quý bà và ‘soái ca nước yến’
TikToker say rượu, đi ngược chiều, livestream thách thức CSGT khi bị kiểm tra
Không thể đổ lỗi cho đèn tín hiệu giao thông khi vi phạm luật
Đồng Nai: Khởi tố hai đối tượng lợi dụng quyền tự do dân chủ để xuyên tạc, xâm phạm lợi ích quốc gia