KHI NÀO CẢNH VỆ ĐƯỢC PHÉP NỔ SÚNG ?

Người xem: 189

Khi nào cảnh vệ được phép nổ súng?

(VTC News) – Nhiều ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu băn khoăn về trường hợp cảnh vệ được phép nổ súng.

Khi cho ý kiến vào dự án luật cảnh vệ tại Phiên họp thứ 2 của Ủy ban thường vụ Quốc hội sáng 15/8, nhiều ý kiến tỏ ra băn khoăn với các điều trong dự án luật.

Trước đó, trình bày tờ trình về dự án luật cảnh vệ, Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an cho rằng trước sự phát triển kinh tế – xã hội của đất nước cũng như việc bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trong tình hình mới đã đặt ra các yêu cầu mới… Từ những lý do nêu trên, việc nghiên cứu xây dựng Luật Cảnh vệ là cần thiết.

Các chiến sĩ của Bộ Tư lệnh cảnh vệ diễn tập giải cứu con tin

Về quy định sử dụng vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ (Điều 19), Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng nên có một số quy định được nổ súng.

Vị Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng khi áp dụng vào thực tế khác. Bà Phóng cũng lấy ví dụ sang Mỹ lực lượng Cảnh vệ được bố trí riêng, mật vụ có quyền nổ súng để bảo vệ các đối tượng đặc biệt.

“Phải có hướng dẫn trong trường hợp bất khả kháng thì được nổ súng”, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng nêu.

Làm rõ vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết thực ra cho đến hiện nay về vấn đề nổ súng cũng đang khiến đơn vị soạn thảo rất băn khoăn. Việc nổ súng trấn áp đe dọa rất quan trọng, các nước đều có, chứ không riêng gì lực lượng tiếp cận.

“Nếu quy định khắt khe quá thì anh em luôn luôn lo sợ vi phạm luật pháp, khó khăn trong triển khai. Kể cả anh em cảnh sát hình sự cũng sẽ khó khăn trong triển khai trong thực tế”, Thượng tướng Tô Lâm nói.

Trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án luật cảnh vệ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt cho biết: Về quy định đối tượng cảnh vệ (điều 8), nhiều ý kiến đề nghị giữ nguyên đối tượng cảnh vệ như quy định tại Pháp lệnh hiện hành vì cho rằng, việc triển khai thực hiện công tác cảnh vệ đối với người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua là phù hợp, đáp ứng với yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn.

Có một số ý kiến nhất trí với dự thảo Luật về bổ sung các đối tượng “Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao” vì cho rằng, các chức danh này có tầm ảnh hưởng quan trọng, liên quan đến hoạt động đối ngoại và hoạt động phòng, chống tội phạm, nhất là trong công tác đấu tranh phòng, chống khủng bố, tham nhũng hiện nay.

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh nhận thấy, việc mở rộng hay thu hẹp đối tượng cảnh vệ là người giữ chức vụ, chức danh cấp cao của Đảng và Nhà nước cần được xem xét trên các tiêu chí.

Ủy ban Quốc phòng An ninh cho rằng đối tượng cảnh vệ phải là người có vị trí đặc biệt quan trọng liên quan đến an ninh chính trị, lợi ích quốc gia, dân tộc, cần có chế độ bảo vệ đặc biệt.

“Thực tiễn hoạt động của hệ thống chính trị nước ta là lãnh đạo Đảng, Nhà nước gắn bó mật thiết với nhân dân; Cân đối với yêu cầu bảo vệ các đối tượng khác trong hệ thống chính trị; Môi trường chính trị – xã hội ở nước ta.

Phân biệt rõ giữa “hoạt động cảnh vệ” với “hoạt động bảo vệ” để bảo đảm phát huy hiệu quả và phù hợp với tính chất hoạt động của từng lĩnh vực công tác, tránh chồng chéo, tổ chức cồng kềnh”, báo cáo thẩm tra nêu rõ.

“Đa số ý kiến Thường trực Uỷ ban Quốc phòng An ninh nhất trí giữ nguyên đối tượng cảnh vệ như quy định tại Pháp lệnh hiện hành; vì khi bổ sung các đối tượng: “Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao” thì một số chức danh Bộ trưởng khác như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an cũng có vị trí, tầm ảnh hưởng quan trọng phải được bổ sung, như vậy sẽ tăng biên chế, cơ cấu, tổ chức của lực lượng cảnh vệ và làm cho dư luận quốc tế hiểu lầm vì an ninh, trật tự ở Việt Nam phức tạp nên phải mở rộng đối tượng cảnh vệ”, ông Võ Trọng Việt nói.

Khoản 1, Điều 10, Pháp lệnh cảnh vệ 2005 quy định: Đối tượng cảnh vệ

1. Cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, bao gồm:
a) Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng;
b) Chủ tịch nước;
c) Chủ tịch Quốc hội;
d) Thủ tướng Chính phủ;
đ) Nguyên Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Chủ tịch nước, nguyên Chủ tịch Quốc hội, nguyên Thủ tướng Chính phủ;
e) Ủy viên Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng;
g) Bí thư Trung ương Đảng;
h) Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Minh Đức

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *