LâmTrực@
Anh Thăng khẳng định TP.HCM sẽ sớm tái lập đội săn bắt cướp. Thực lòng, vui đấy, nhưng lo.
http://thanhnien.vn/thoi-su/tphcm-se-som-tai-lap-doi-san-bat-cuop-699084.html
Về việc lập lại đội săn bắt cướp, ông Thăng cho biết đã có chỉ đạo nhưng Công an TP vẫn làm chậm. Thời gian tới sẽ kiên quyết chỉ đạo để sớm triển khai, góp phần bảo vệ sự bình yên cho người dân.
Tôi cho rằng, anh Thăng chỉ đạo như thế là cảm tính, xuất phát từ việc lo cho người dân, nhưng công an TP HCM làm chậm là có nguyên do của mình.
Điều mà tôi muốn nói là hành lang pháp lý cho hoạt động này.
Trên thực tế, hoạt động của các “hiệp sĩ” trong đội Săn bắt cướp hiện là con dao hai lưỡi.
Không ai phủ nhận mặt tích cực của mô hình Săn bắt cướp, nhưng mặt tiêu cực cũng không thể xem thường. Mặt tích cực là người dân được thực hiện quyền làm chủ của mình về ANTT bằng cách tham gia bắt cướp cùng lực lượng công an, và thực tế cũng đã chứng minh, nhờ có họ mà ANTT của thành phố được yên ổn. Mặt trái của vấn đề chính là chưa có hành lang pháp lý nào dành cho hoạt động này, nên khi có sự vụ phức tạp xảy ra, pháp luật không thể bảo vệ họ, không ai tranh trải những chi phí mà họ đã bỏ ra để có thể săn bắt cướp. Đôi khi, có thể dẫn đến lạm dụng, vượt quá quyền hạn hoặc không am hiểu pháp luật dễ dẫn đến sai phạm. Mặt khác, các hiệp sĩ phải hoạt động theo nhóm hoặc câu lạc bộ, và vì thế họ sẽ bị điều chỉnh bởi pháp luật về tổ chức hội theo quy định, tránh những biến tướng. Nếu hoạt động mà chưa được cấp phép thì đó lại là hoạt động vi phạm pháp luật. Ấy là chưa kể đến khả năng danh nghĩa bị lợi dụng và lạm dụng để trục lợi.
Thực tế, các Hiệp sĩ thường là những người ưa làm việc nghĩa và mạo hiểm. Xã hội tôn vinh những phẩm chất quý đang bị mai một ấy… Nhưng nếu họ không được đào tạo bài bản để có đủ kiến thức về luật pháp đến nơi đến chốn, để biết cái gì được phép và cái gì không được phép làm và khi làm thì quy trình như thế nào; không được huấn luyện các kỹ năng truy bắt tội phạm, kỹ năng thu thập củng cố chứng cứ, lấy lời khai của đối tượng cũng như người biết việc; không biết phải bảo vệ hiện trường cũng như bảo vệ chính mình như thế nào; không có một tổ chức đứng ra chịu trách nhiệm trước pháp luật để hạn chế những bộc phát của bản năng, tất yếu sẽ dẫn đến vi phạm pháp luật.
Cần nhớ, cũng như các hoạt động khác, hoạt động của đội săn bắt cướp cũng cần được pháp luật cho phép, kiểm soát và bảo vệ và vì thế hoạt động của đội săn bắt cướp cũng cần được luật hóa để làm cho nó trở nên hợp pháp. Thiếu tính hợp pháp, hậu quả là nhãn tiền.
Thực tế đã xảy ra nhiều vụ dở khóc dở cười đối với các Hiệp sĩ. Câu chuyện Hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải, Đội trưởng CLB Phòng chống tội phạm (PCTP) phường Phú Hòa, TP Thủ Dầu Một – Bình Dương là một ví dụ điển hình cho việc thiếu kiến thức pháp luật. Vẫn còn nhiều Hiệp sĩ bị trả thù, và có cả những Hiệp sĩ trở thành kẻ bảo kê cho các băng nhóm tội phạm lộng hành. Hậu quả là rất lớn, và đau xót.
Trở lại câu chuyện anh Thăng yêu cầu khẩn trương tái lập đội Săn bắt cướp, việc công an TP HCM còn chùng chình chính là còn phải cân nhắc hình thức tổ chức sao cho phù hợp với các quy định của pháp luật.
Suy cho cùng, việc bảo vệ trị an là của cơ quan công an chứ không phải người dân, cho dù đó là tổ chức tự nguyện. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy lực lượng này cũng bị trói tay bởi các quy định của pháp luật về truy đuổi, sử dụng vũ khí, phương tiện, công cụ hỗ trợ hoặc trưng dụng các phương tiện kỹ thuật khác của người dân.v.v.., trong khi trách nhiệm của họ là rất lớn, đồng thời dư luận xã hội cực kỳ hà khắc với mỗi phát ngôn, hay hành động của của cán bộ công an.
Các bạn hãy tưởng tượng, nếu phát hiện, truy đuổi tội phạm mà nếu đối tượng tự ngã chết thì điều gì sẽ xảy ra với anh công an kia? Chắc chắn, phía trước anh ta là một tương lai không tốt đẹp gì.
Với công an là lực lượng được pháp luật cho phép tiến hành các hoạt động phòng ngừa, phát hiện và bắt giữ tội phạm còn khó, huống chi là một hội nhóm do người dân tự tổ chức.
Chính vì thế, việc tái lập đội Săn bắt cướp cần phải cân nhắc kỹ, không thể cảm tính được.
****************
Các bạn có thể gõ cụm từ “Hiệp sĩ lừa đảo”, “Hiệp sĩ bị bắn chết”, “Hiệp sĩ gặp rắc rối”, “Hiệp sĩ bị thương”.v.v…vào Google, sẽ cho ra nhiều kết quả đáng lưu ý.
Tin cùng chuyên mục:
Mặt tối của ân xá: Quyền lực Tổng thống hay công cụ bao che?
Bước đột phá trong cải cách bộ máy Nhà nước
Phiên tòa xét xử Lưu Bình Nhưỡng: Sự thật và những luận điệu xuyên tạc
Chuyện quý bà và ‘soái ca nước yến’