Cuteo@
Được biết Thượng sĩ Hà đang bị tạm đình chỉ công tác trước sức ép của dư luận vì hành vi bảo vệ công lý của mình.
Tôi không thiên vị ai, và ai sai đến đâu phải chịu trách nhiệm đến đó.
Tôi cho rằng, công an TP HCM đang bị sức ép của một số bài báo – là sản phẩm của những phóng viên thiếu đạo đức, hoặc vì mục tiêu chính trị đê hèn. Xem clip trên Youtube ta có thể thấy rõ sự việc.
Tôi cho rằng, Thượng sĩ Hà đã dùng võ thuật quật ngã anh Phong là hành động đúng mực, cần thiết để thượng tôn pháp luật.
Phân tích băng, ta dễ dàng nhận ra, trước khi phải dùng đến võ thuật, Thượng sĩ Hà đã rất bình tĩnh, và ngạc nhiên là anh cũng vẫn rất bình tĩnh ngay cả khi đã quật ngã anh Phong.
Anh Phong đã có nhiều cái sai, đó là: (1) lấn chiếm lòng đường, (2) sử dụng xe tự chế không được phép tham gia giao thông, (3) không đội mũ bảo hiểm và (4) bán hàng không rõ nguồn gốc, thiếu kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm và (5) có hành vi chống người thi hành công vụ.
Ở hành vi thứ (5), việc chống người thi hành công vụ được thể hiện ở việc không tuân thủ mệnh lệnh của cảnh sát khi có hành vi vi phạm dù được giải thích nhiều lần. Nó cũng được thể hiện ở lời nói, thái độ nóng nảy và bỏ đi của anh Phong. Ở đầu clip, hành vi chống người thi hành công vụ còn được biểu hiện ở việc anh cố tình bỏ đi, túm tay, túm áo, xô đẩy và có ý định tấn công anh Hà. Do vậy việc anh Hà quật ngã anh Phong nhằm khống chế, buộc anh Phong phải chấp hành pháp luật là phù hợp với nhiệm vụ của một cảnh sát.
Các bạn báo thiếu tâm đang cố lái vấn đề sang chuyện anh Phong bị quật ngã vì bán hàng rong, mà lờ đi khía cạnh vi phạm pháp luật, chống người thì hành công vụ là không hợp lý.
Nói thêm, nhiều bạn cho rằng, anh Hà chưa chắc đã được giao nhiệm vụ ở khu vực đó, nên việc làm của anh Hà là sai. Ý kiến trên có vẻ có lý. Nhưng, các bạn nên nhớ, mọi công dân đều có quyền và nghĩa vụ phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật. Kể cả trong trường hợp anh Hà không được giao nhiệm vụ, thì với tư cách là một công dân, anh hoàn toàn có quyền ngăn chặn hành vi của anh Phong. Điều này cũng giống như chúng ta không thể dửng dưng vô trách nhiệm khi gặp trường hợp một phụ nữ bị cướp tấn công ngoài đường.
Khi anh Phong “quyết tâm” không chấp hành và có xu hướng tấn công lại cảnh sát, anh Hà đã buộc phải có hành động đáp ứng với tình huống đó. Các bạn không thể biết trước hành động tiếp theo của anh Phong là gì, có thể là tung một nắm đấm hay một cú đá về phía anh Hà, và cũng có thể rút phóng lợn xiên vào tim anh Hà như đám lưu manh vẫn làm…Vì thế, anh Hà đã có lựa chọn hoàn toàn đúng khi triệt tiêu những khả năng gây nguy hại cho tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác từ đầu và trên hết là đảm bảo hiệu lực của pháp luật trên thực tế.
Rất không nên lạm dụng từ “dân” để nói công an “không được đánh dân” ở đây, mà nên nhìn nhận vụ việc theo hướng anh Phong là người đang vi phạm luật pháp, cần phải được ngăn chặn. Anh Hà đang khoác trên mình bộ cảnh phục, là người đại diện cho cơ quan hành pháp, do vậy anh có trách nhiệm, bổn phận yêu cầu người vi phạm phải dừng lại, và khi đối tượng chống đối, anh có quyền cưỡng chế. Thậm chí có căn cứ để phán đoán rằng, những người khác có thể bị tấn công nguy hiểm thì anh Hà cũng có quyền dùng chân tay, và cả vũ khí để bảo vệ mình và người dân. Các thao tác cưỡng chế, võ thuật hay vũ khí được trang bị cho công an là để làm việc này và nó không thừa.
Tôi cho rằng, anh Hà sẽ không ra đòn quật ngã anh Phong nếu anh Phong chấp hành yêu cầu của cảnh sát…Nhưng xem lại những gì anh Phong thể hiện, tôi tin phản ứng của anh Hà rất đáng hoan nghênh và được những người tử tế ủng hộ. Tôi cũng tin việc anh Hà quật ngã anh Phong là cực chẳng đã phải làm, và chỉ với mục đích khống chế đối tượng, bảo đảm an toàn cho bản thân và những người khác, đồng thời kiên quyết yêu cầu anh Phong phải chấp hành đúng pháp luật.
Việc một số bạn báo lu loa lên rằng “công an đánh dân đến trấn thương sọ não” hoặc tru tréo lên rằng “không được đánh dân”, một mặt là thiếu thiện tâm, tạo ra bộ mặt không đẹp về cơ quan công an và một mặt khác là góp phần tích cực tạo ra hiện tượng khinh nhờn pháp luật. Tình trạng này nếu không chấm dứt sẽ tạo ra những tiền lệ vô cùng nguy hiểm, dẫn tới rối loạn xã hội.
Cá nhân tôi cho rằng, để vụ việc được sáng tỏ, hãy cùng nhau ra tòa phân giải.
Tôi tâm đắc ý kiến của nhà báo Nguyễn Cường, anh cho rằng, một xã hội thương người nghèo là một xã hội nhân bản, nhưng một xã hội bênh cho người nghèo làm sai là một xã hội ngu dốt, mông muội. Một xã hội duy tình, lấy cái khó khăn để bao biện cho thái độ ngông nghênh là một xã hội nhếch nhác và lười biếng. Một xã hội vô kỷ luật sẽ mãi mãi nghèo đói và nhục nhã.
Các bạn báo cũng nên xem lại mình. Giúp người nghèo là đáng quý, nhưng không thể giúp họ bằng cách ủng hộ việc làm sai trái của họ. Và nghèo không phải là cớ để họ xâm hại đến tự do đi lại, hay sức khỏe của hàng triệu người khác.
Điều cuối cùng, tôi cho rằng, công an TP HCM hãy thận trọng trong việc “xử lý” vụ anh Hà. Chớ nên vì vài bài báo thiếu tâm và tầm mà làm ảnh hưởng xấu tới một cán bộ tốt, đầy trách nhiệm như Thượng sĩ Hà. Kỉ luật anh Hà, tôi tin sẽ không có công an nào dám làm việc tốt như thế, bởi trên hết, đằng sau lưng họ vẫn còn cả một gia đình.
Tôi nhắc lại, lãnh đạo công an TP HCM có trách nhiệm phải bảo vệ người lính của mình theo quy định của pháp luật, chớ nên vì vuốt ve dư luận mà “thí tốt”, hậu quả sẽ là khủng khiếp!
Tin cùng chuyên mục:
TikToker nổi tiếng ‘Nam Birthday’ bị khởi tố vì hành vi chống người thi hành công vụ
Mặt tối của ân xá: Quyền lực Tổng thống hay công cụ bao che?
Bước đột phá trong cải cách bộ máy Nhà nước
Phiên tòa xét xử Lưu Bình Nhưỡng: Sự thật và những luận điệu xuyên tạc