Bạn thuộc “báo tử tế” hay “báo đánh đấm”?
Chưa khi nào thấy trên Facebook lại nhiều quan điểm trái ngược nhau như thời gian vừa qua.
Phóng viên, nhà báo đang trở thành một đề tài của chính báo chí, từ khi xuất hiện các vụ phóng viên bị đánh rồi bị bắt vì nhận tiền doanh nghiệp.
Nó nói lên rằng, còn rất nhiều vấn đề nội tại của làng báo chưa thể giải quyết được trong một sớm một chiều.
Câu chuyện báo lớn, báo bé cũ lắm rồi, giờ người ta bàn tán nhiều về “báo tử tế” và “báo đánh đấm”.
Nôm na thế này, “báo tử tế” là báo thời sự, hợp tác doanh nghiệp, chống tiêu cực, viết về cái sai của doanh nghiệp khi đó là yêu cầu của cuộc sống; còn báo “đánh đấm” là chỉ tập trung vào những cái sai của doanh nghiệp với mục tiêu là phải ký hợp đồng truyền thông hoặc tiền túi cho lãnh đạo báo để gỡ bài hoặc cho tiền PV để không đăng bài.
Ranh giới được đặt ra rất mong manh vì không một ai nắm tay được cả ngày song nó cũng tạo ra những khoảng cách nhất định. Bởi vì làng báo vẫn có thể gọi tên, điểm mặt những “báo đánh đấm”.
Cả chục năm nay, chỉ cần mấy đề tài như: Đếm tầng các toà, quay cảnh sát giao thông nhận tiền, yêu cầu kiểm tra thu chi các trường mầm mon, làm rõ doanh nghiệp làm ô nhiễm môi trường… đã đủ để các tờ “báo đánh đấm” duy trì đời sống mà không cần trả 1 đồng nhuận bút cho phóng viên, không ký hợp đồng, không trả lương cho PV.
Thứ phổ biến các toà soạn tạo ra là hợp đồng CTV cùng một tờ giấy giới thiệu mập mờ để nếu bị bắt thì toà soạn dễ dàng phủi tay khi PV gặp nạn. Làm PV những báo này không sung sướng gì. Vì ngoài việc không có tiền lương mang về cho vợ con, họ còn chịu sức ép mang tiền về cho toà soạn.
Nhiều “báo tử tế” đặt ra vấn đề này, không muốn chung sân với nhau. Không ít phóng viên cũng lên các Group để thể hiện thái độ của mình, mong muốn cơ quan quản lý Nhà nước dứt khoát không để tồn tại những “báo đánh đấm”.
Nhưng mặt khác, cũng có rất nhiều PV cho rằng, chả có tờ báo nào là tử tế cả. Tất cả đều phải kiếm sống, đều phải kiếm tiền nuôi tờ báo, kiếm sống cho mình.
Báo “tử tế” không muốn chung sân với “báo đánh đấm” nhưng ngay cả báo tử tế lúc đói kém cũng lại sai phóng viên đi “đếm tầng” hoặc tập trung những đề tài tiêu cực của doanh nghiệp- không khác gì cách làm của những tờ báo mà mình đang lên án. Vậy là, lúc đó đều hoà cả làng.
Cơ quan quản lý biết việc này không? Rõ ràng là biết. Một số người nói các “báo đánh đấm” được dung túng vì lý do nào đó. Lý do gì thì chỉ có trời mới biết. Chỉ biết là báo chí đã thành 2 phe như vậy.
Đọc status này có thể nhiều người đánh giá là “vạch áo cho người xem lưng” nhưng thực ra, đây là những cái ai cũng biết, chỉ có chưa nói ra mà thôi!
Tin cùng chuyên mục:
Ông Trần Đình Triển bị truy tố vì lợi dụng quyền tự do dân chủ
Tinh gọn bộ máy: Hướng đi quan trọng trong cải cách hành chính
Thông tin “Australia làm thất lạc 300 lọ virus nguy hiểm chết người”
Hà Nội: Quyết tâm đấu tranh chống tội phạm công nghệ cao – Vụ án Phó Đức Nam