TIẾP CHUYỆN ANH LỢI ĐÁNH DƯỚI THẮT LƯNG VÀ BỊ “GẪY RĂNG”

Người xem: 161

Khoai@

Anh Trần Minh Lợi bị công an tóm làm dư luận xôn xao bởi sự định hướng của lũ báo kền kền. 

Lũ kền kền báo chí giật tít làm cho người đọc hiểu anh Lợi bị bắt là do công an trả thù. Nhưng thực tế, anh Lợi bị bắt vì những vụ việc có liên quan đến việc anh làm tiền cả 2 bên bị anh gài bẫy. Các bạn nên tham khảo ở đây:

http://trelangblogspotcom.blogspot.com/2016/03/anh-duoi-that-lung-anh-loi-chet-toi-ung.html

Dưới đây là ý kiến của nhà báo Đức Hiển về vụ việc, xin tóm lược lại như sau:

Đúng sai trong các vụ việc mình không có điều kiện để nhận định, nhưng về cách làm, mình thấy anh ta mạo hiểm quá. Mới tối qua thằng em hỏi, mình nói mình thấy rõ là Trần Minh Lợi có thể chết vì chơi dao.

Thứ nhất, Trần Minh Lợi nhiệt tình và có một số kỹ năng trong việc ghi âm, quay lén và thu thập thông tin. Tuy nhiên một nghiệp vụ xuyên suốt được Lợi sử dụng là điều tra nhập vai và cài bẫy. Nhập vai là một thủ pháp đặc biệt, nhưng không nên lạm dụng. Bởi để “hóa thân”, người nhập vai cần biết rõ đó là vai diễn và rút ra trước khi nó gây hậu quả cho cá nhân và xã hội. Việc thu thập chứng cứ với việc tạo ra tình huống, thúc đẩy người khác vi phạm nhằm thu thập chứng cứ là hai việc khác nhau, và giữa chúng là một khoảng cách cực kỳ mong manh.

Một nguyên tắc khi nhập vai điều tra là không tác động vào sự vật hiện tượng khiến nó thay đổi bản chất. Ngay cả những người dày dạn kinh nghiệm về trinh sát lẫn tố tụng, với sự trợ lực của đồng đội và tổ chức cũng có thể vướng cái bẫy do mình cài, như thợ săn chết vì đạp trúng bẫy thú, do vượt qua những giới hạn. Trên facebook của Trần Minh Lợi, nhiều người cũng đã comment cảnh báo điều này. Tuy nhiên anh ta cho rằng khi bắt ma túy hay bắt tội phạm, công an cũng gài bẫy. Chuyện công an gài ai và gài tới đâu không biết, nhưng ông nào gài mà rút ra không kịp để họ vướng vào tố tụng thì ông đó chết chắc. Hơn nữa cơ quan tố tụng có những thẩm quyền điều tra mà nhà báo và công dân không có, vì vậy đừng so sánh.

Thứ hai, Trần Minh Lợi cùng lúc tạo ra quá nhiều kẻ thù. Trong một thời gian ngắn, Lợi đụng quá nhiều người. Một trong các nguyên tắc điều tra là cô lập các đối tượng, thì cách làm của Lợi lại có thể khiến các “kẻ thù” đồng cảm và đoàn kết với nhau. Và như thế, khi nào người điều tra cũng ở thế tứ diện thọ địch. Điều đó sẽ phân tán quá nhiều công sức đối phó.

Thứ ba là Lợi quá khoa trương và chủ quan về khả năng. Trong một thời gian ngắn, anh ta biến nhà riêng của mình thành một văn phòng không chính thức và mở rộng số lượng, quy mô vụ việc lẫn địa bàn “đánh” tham nhũng ra cả hai tỉnh Đắc Lắk và Đắk Nông. Một bộ máy hùng hậu cũng khó có thể làm điều đó. Nhiều cuộc “điều tra” Lợi chỉ dựa vào tư liệu từ một phía và trong vài ngày đã “công bố kết quả” trên facebook, mà ở đó có thể tìm thấy rất nhiều những sơ hở về cả chứng cứ và lập luận. Mình mới đọc lại vụ Lợi cài bẫy con gái ông Giám đốc Sở Y tế trên Tuổi Trẻ. Với những gì tờ báo này chỉ ra, thì chứng cứ đưa hối lộ của Lợi rất rõ còn chứng cứ nhận hối lộ của chị kia thì không có.

Trả lời một số lời khuyên của mọi người qua các comments trên facebook cá nhân, Lợi cho rằng Hoài Nam Báo Thanh Niên không bị xử lý vì gài bẫy thi anh ta cũng không bị xử lý. Điều này e Trần Minh Lợi thiếu thông tin, Hoài Nam có kinh nghiệm, kiến thức và những liên hệ mật thiết với Thanh tra công an trước, trong và sau cuộc điều tra; Hoài Nam được BBT bảo vệ khi đối diện với Thanh tra Cục báo chí. Về nguồn lực lẫn quy trình, Nam chặt chẽ hơn nhiều nhưng Nam vẫn từng bị hệ lụy.

Thứ tư, cách làm của Trần Minh Lợi vô hình trung tự cô lập mình, anh gây lo ngại cho nhiều người do sợ liên lụy. Với những gì anh công bố trên facebook, có vẻ như bất kỳ cuộc giao tiếp nào cũng bị anh đặt máy quay lén hoặc ghi âm. Điều đó sẽ hạn chế các giao tiếp và các mối quan hệ xã hội để trợ lực khi cần thiết. Người ta ngại hớ hênh, và cảm thấy mất tự do khi trước mặt mình là một người luôn tận dụng mọi cơ hội để quay lén, ghi lén làm bằng chứng.

Dĩ nhiên làm điều tra chống tiêu cực thì phải chấp nhận trả giá. Nhưng những tiếng tôn vinh (lẫn tung hô) dễ khiến người điều tra chủ quan; vài thắng lợi có thể khiến họ vượt qua những ranh giới cần thiết. Với pháp luật, trừ trường hợp phải xâm hại một lợi ích nhỏ để cứu lấy một lợi ích lớn hơn của cộng đồng (trong tình thế cấp thiết), thì việc gài bẫy không được coi là tình tiết miễn giảm, không được lấy mục đích biện minh cho phương tiện.

Và nữa, bản chất của đám đông là nặc danh. Cho nên đám đông có thể tung hô một người điều tra, khiến người đó nghĩ rằng mình thế thiên hành đạo, là anh hùng cứu thế giới. Nhưng khi bạn lâm nạn, trong đám đông ấy khó có ai có điều kiện lẫn sự tận tâm để cứu bạn. Họ có thể quay lưng với bạn mà không hề áy náy, bởi vì xung quanh họ mọi người cũng quay lưng với bạn như vậy.

Bạn có thể tìm thấy niềm vui trong đám đông, nhưng trước đó hãy nên trải nghiệm những nỗi đau đối diện một mình, để biết được giới hạn sức mạnh của đám đông.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *