ĐỘI CỖ

Người xem: 192


Tết quê tôi có tục đội cỗ đi cúng. Phong tục từ xa xưa, đến đầu thập niên 80 vẫn còn thịnh hành lắm.

Chả là trong gia đình ngoài cỗ tết ở nhà, còn phải nhớ đến gia tiên. Uống nước nhớ nguồn, phỏng ạ.

Ngày xưa các cụ đông con nhiều cháu, lớn lên dựng vợ gả chồng mỗi người một chốn. Anh em các hữu chi phận, chuyện nhà nào nấy lo nên chỉ những ngày lễ tết giỗ chạp mới quy tụ với nhau.

Ngày tết, con cháu trong nhà (thường là giới hạn 3 đời) mang cỗ đến nhà ông trưởng để cúng ông bà cha mẹ đã khuất. Xa hơn thì ông trưởng phải mang cỗ đến cúng ở nhà thờ chi, nhà thờ tổ.

Ba ngày tết, mỗi ngày các gia đình đều đội một mâm cỗ để cúng. Mâm cỗ có đủ bát đĩa đũa thìa kèm thức ăn nên chả bê chả vác được, và đội lên đầu là phương án tối ưu. Thường người đội cỗ là con dâu lớn trong nhà.

Tùy theo gia cảnh từng nhà mà mâm cỗ sơ sài hay thịnh soạn. Nhà khá giả thì mâm đồng lắm bát nhiều đĩa, nhà khó hơn thì mâm gỗ mà bát đĩa cũng ít đi. Bát đĩa tôi nói ở đây là đựng thức ăn.

Dù sơ sài hay thịnh soạn, mấy món chính trong mâm cỗ thường có là: Đôi cái nem nướng, đĩa giò mỡ, bát thịt đông, bát hành muối, bát canh măng, đĩa bánh răng bừa, đĩa chả (nem) rán. Nhà có điều kiện thì thêm con cá chép rán, đĩa thịt gà luộc,…

Cứ khoảng 8-9 giờ sáng, các gia đình đội cỗ đến và đặt lên ban thờ nhà ông trưởng. Chiều 4-5 giờ xuống đội cỗ về nhà. Việc cúng là của ông trưởng.

Những nhà đông con nhiều cháu mỗi ngày có cả đôi chục mâm cỗ, xếp đầy ban thờ. Từ mùng một đến mùng ba, mỗi ngày một mâm, không thể thiếu.

Dĩ nhiên đến chiều đưa cỗ về thì thức ăn nguội ngắt. Những năm trời nắng thịt đông vữa cả ra là chuyện thường. Có món nấu lại, có món không. Nhưng thời bao cấp khó khăn, ăn vẫn ngon như thường.

Có những gia đình khó khăn, dồn hết vào mâm cỗ cúng, cuối ngày mang về mới ăn. Thức ăn chả còn ngon như mới nấu nữa.

Tôi xa quê đã lâu, nên chẳng rõ phong tục này bị bỏ từ khi nào? Bây giờ người ta thay việc đội cỗ đến cúng bằng tiền. Các gia đình gửi tiền cho ông trưởng để làm mâm cơm cúng chung.

Thời đại kim tiền và văn hóa phong bì, kể cũng tiện.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *