SƯ NHẮM TIẾT CANH VÀ NIỀM TIN ĐÁM ĐÔNG

Người xem: 148

“Sư nhắm tiết canh” và niềm tin đám đông

Phạm Trung Tuyến

(Dân Việt) Những ông sư ở Hưng Yên, trước hết là công dân bình thường, chuyện ăn uống, sinh hoạt của họ không trái pháp luật.

Chỉ với một tài khoản facebook, bất cứ ai cũng có thể nói ra suy nghĩ của mình cho toàn thế giới. Internet đang khiến cho mong ước “làm cho dân được mở miệng” trở nên dễ dàng khi nó trao cho mọi người một sự bình đẳng về quyền không im lặng. Song, không phải ai cũng nghĩ như thế.

Mới đây, do than phiền trên facebook về việc bị gây khó dễ trong công tác khoa học, một giảng viên của trường Đại học Kỹ thuật Công nghệ Cần Thơ đã bị kỷ luật, điều chuyển sang làm công việc hành chính.

Trước đó, một cô giáo khác ở An Giang cũng bị xử phạt tiền vì đăng nhận xét cá nhân về tướng mạo của người khác.

Sư Thái Lan “lướt” smartphone, uống starbucks (Ảnh minh họa: Soha.vn)

Chuyện tương tự cũng xảy ra ở trường Đại học Giao thông vận tải Hà Nội khi một sinh viên bị kỷ luật vì bình luận trên facebook.

Tất cả những câu chuyện trên đều có một điểm chung là đối tượng được cho là bị nói xấu dùng quyền lực để trừng phạt người nói xấu mình mà không chứng minh được lỗi của đương sự một cách thuyết phục. Dĩ nhiên, tất cả những quyết định xử lý kỷ luật trên đều không đủ điều kiện để thi hành, và những người ra quyết định trừng phạt tội mở miệng của người khác đều trở thành nạn nhân của chính mình.

Nhưng, những câu chuyện như vậy vẫn xảy ra, điều đó cho thấy việc làm quen với quyền được mở miệng của người khác là chuyện chẳng dễ dàng.

Cũng liên quan tới quyền không im lặng, trên báo Lao Động có loạt bài về những ông sư “uống rượu tây, nhắm tiết canh” ở Hưng Yên. Những ông sư đã rất thẳng thắn bày tỏ quan niệm của bản thân về lối sống. Ngay lập tức, rất nhiều lời bình luận thóa mạ của độc giả xuất hiện bên dưới bài báo đó. Những lời bình luận hoàn toàn có thể cấu thành tội “làm nhục người khác” theo quy định tại Điều 121 Bộ luật Hình sự.

Những ông sư ở Hưng Yên, trước hết là công dân bình thường, chuyện ăn uống, sinh hoạt của họ không trái pháp luật. Trên cương vị là người tu hành, họ cũng không vi phạm pháp luật. Luật pháp không điều chỉnh việc ăn uống sinh hoạt của các nhà sư.

Trong một xã hội mà khái niệm thượng tôn pháp luật vẫn còn xa lạ với số đông, khi người ta nuôi dưỡng một niềm tin lâu ngày, cho dù niềm tin đó đúng hay sai, thì bất cứ điều gì khác với niềm tin đó cũng sẽ bị coi là một sự phản bội.

Những ông sư được định hình trong tiềm thức dân gian được mặc nhiên coi là những đấng, bậc phi phàm. Vậy nên, khi những ông sư sinh hoạt như người thường có nghĩa là họ đã chứng minh niềm tin của đám đông là sai lầm. Đó là một tội tày trời! Khác gì Galileo dám nói rằng trái đất quay khi tòa án dị giáo thời trung cổ chưa muốn tin vào điều đó?

Nhân danh niềm tin của mình để làm nhục, hoặc kỷ luật người khác quan điểm là một sự vô lối. Tôn trọng phát ngôn, quan điểm của người khác là tâm thế của con người có trình độ nhận thức đủ để không tự ti trước những tư tưởng mới, khác biệt với nhận thức, thói quen của bản thân. Nhưng khi những câu chuyện lẽ ra chỉ tầm phào trên mạng xã hội được cụ thể hóa bằng văn bản hành chính, và trở nên nghiêm trọng thì cái tâm thế đó vẫn còn ở rất xa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *