SAI PHẠM VẪN ĐƯỢC CÔNG NHẬN PHÓ GIÁO SƯ?

Người xem: 187

Sai phạm vẫn được công nhận phó giáo sư?

Đỗ Lê Tảo

(Dân Việt) Báo NTNN nhận được đơn của một số cán bộ giảng viên Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội tố cáo việc bà Đào Thị Thu Giang – Phó Hiệu trưởng nhà trường có nhiều sai phạm nhưng ngày 22.10 vừa qua vẫn được Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước quyết định công nhận đủ tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư (PGS).

Nhiều thiếu sót, sai phạm

Theo nội dung đơn tố cáo, từ trước tháng 5.2010, bà Đào Thị Thu Giang giữ chức Trưởng phòng Kế hoạch tài chính Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội. Ở cương vị này, kết luận thanh tra (số 548, ngày 16.7.2013) của Bộ GDĐT chỉ rõ những thiếu sót, sai phạm trong nhà trường mà bà Giang có phần trách nhiệm là: Có một số thiếu sót trong thu hồi tiền công tác phí của các giảng viên đi học nước ngoài theo chương trình tiên tiến (từ 20.10.2008 đến 16.5.2010); có một số thiếu sót trong việc thu lại tiền lương của các thành viên tham gia dự án hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn 3 từ năm 2009-2012 do EU tài trợ; sai phạm quản lý tiền ôn thi sau đại học từ 2009 đến tháng 5.2012 như: Không sử dụng biên lai do nhà trường phát hành để cấp cho học viên khi thu tiền; danh sách học viên không có ký nộp tiền; chưa thực hiện chế độ kiểm tra công tác quản lý tài chính hàng năm theo quy định; không minh bạch, có thể xảy ra thất thoát kinh phí…

Trường Đại học Ngoại thương Hà Nội. (Ảnh: Đ.L.T)

Đến tháng 5.2010, bà Giang được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng và được Hiệu trưởng phân công phụ trách lĩnh vực quản lý kế hoạch tài chính. Ở cương vị mới này, kết luận của thanh tra Bộ GDĐT về thiếu sót trong nhà trường có trách nhiệm của phó hiệu trưởng phụ trách lĩnh vực cũng nêu: Tại các hạng mục đầu tư trang thiết bị ở một số khoa, phòng, ban có giá trị dự toán nhỏ, trường chưa thực hiện đầy đủ các quy định tại khoản 2 Điều 6 Luật Đấu thầu…

Kết luận thanh tra chỉ rõ trách nhiệm và kiến nghị nhà trường “xem xét xử lý kỷ luật theo thẩm quyền hoặc đề xuất xử lý kỷ luật đối với các cá nhân đã để xảy ra thiếu sót, sai phạm”; đồng thời kiến nghị Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ GDĐT) “chủ trì tham mưu xem xét trách nhiệm, đề xuất việc xử lý đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có những thiếu sót, sai phạm trong quản lý nhà trường”.

Nội dung đơn tố cáo cũng đề cập đến việc: Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ Hà Nội cũng đã có thêm kết luận (số 109, ngày 10.6.2015) chỉ đích danh bà Giang với cương vị là uỷ viên Ban Thường vụ Đảng uỷ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Đảng uỷ, phó hiệu trưởng chưa hoàn thành chức trách nhiệm vụ cấp uỷ giao; vi phạm những điều đảng viên không được làm là dùng công quỹ để thăm viếng, tiếp khách, tặng quà vượt tiêu chuẩn định mức; ký duyệt mua trang thiết bị hơn 1,4 tỷ đồng vi phạm Luật Đấu thầu…

Bỏ qua đơn tố cáo?

Để tìm hiểu thông tin xung quanh việc công nhận đủ tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư của bà Giang, PV đã tìm gặp GS-TS Lê Chí Quế – Uỷ viên Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước. GS Quế cho biết: “Tôi nhận được đơn tố cáo và tôi biết rất nhiều thành viên hội đồng cũng nhận được đơn tố cáo bà Giang. Nhưng chức năng đưa ra vấn đề (cô Giang bị tố cáo – PV) không phải của tôi. Người có trách nhiệm to nhất là ông chủ tịch hội đồng, người thứ hai là tổng thư ký hay phụ trách thanh tra mà không đưa ra thì chúng tôi không thảo luận. Theo tôi biết thì các vị ấy đã nhận được tất cả hồ sơ (tố cáo cô Giang) rồi”.

Để rộng dường dư luận cũng như giải đáp những bức xúc của một số cán bộ, giảng viên Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội xung quanh việc công nhận đủ tiêu chuẩn chức danh phó giáo sư của bà Giang, rất mong nhận được thông tin lý giải rõ ràng từ Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước và các đơn vị liên quan. 

GS-TS Nguyễn Minh Thuyết : Nhà giáo phải gương mẫu

Khi xem xét để công nhận nhà giáo đạt tiêu chuẩn chức danh GS-PGS, Hội đồng Chức danh GS Nhà nước cũng đã phải xem xét những trường hợp có đơn khiếu nại, tố cáo. Theo quy định của Luật Giáo dục thì GS-PGS là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy ở cơ sở giáo dục đại học. Đã là nhà giáo thì phải gương mẫu thực hiện các quy định của pháp luật và điều lệ nhà trường; không ngừng học tập, rèn luyện để nâng cao phẩm chất đạo đức, nêu gương tốt cho người học… Trong trường hợp Hội đồng GS đã ra quyết định công nhận đủ tiêu chuẩn PGS mà phát hiện quy trình thủ tục hay phẩm chất, năng lực của người được công nhận không đảm bảo tiêu chuẩn, Hội đồng có quyền huỷ bỏ quyết định đó”. 

TS-LS Vũ Thái Hà (Đoàn Luật sư Hà Nội): Cần xem xét lại

Luật Giáo dục quy định về nhiệm vụ của nhà giáo là phải gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân, các quy định của pháp luật… Do vậy, nhà giáo vi phạm các quy định của pháp luật thì chưa thể đủ tiêu chuẩn nhà giáo, cần phải xem xét lại. Nếu đã không đủ tiêu chuẩn là nhà giáo có nghĩa là chưa đủ tiêu chuẩn để công nhận chức danh PGS”.

Đ.L.T (ghi)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *