Trường “các cụ cao cấp”, Harvard gọi bằng.. “cụ”!
Bùi Hoàng Tám
(Dân trí) – Có lẽ hiếm có nơi nào trên thế giới, một trường đại học lại qui tụ được nhiều những tài năng uyên bác như trường Đại học Kinh doanh & Công nghệ. Nơi hiện có hơn 100 nguyên lãnh đạo cấp cao đang công tác…
Trả lời PV Infonet ngày 11/12, bài ““Hơn 100 nguyên lãnh đạo cấp cao đang công tác tại ĐH Kinh doanh & Công nghệ””, TS Nguyễn Kim Sơn – Chánh văn phòng nhà trường cho biết: “Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ vào thời điểm này có 1.130 giảng viên cơ hữu, trong đó có 150 giáo sư, phó giáo sư, tiến sỹ và 550 thạc sỹ”.
Tưởng với ngần ấy các nhà khoa học đã là “kinh văn công” lắm rồi nhưng không, trường này còn là nơi “hội tụ” của các chính khách thời… “hoàng hôn”.
Ngoài một bác Phó thủ tướng gần 90 tuổi, nhà trường còn “sở hữu” nhiều vị nguyên chức sắc khác với học hàm, học vị cao chót vót và chức tước thì cấp nguyên vụ trưởng là chuyện nhỏ.
Vẫn theo lời TS Nguyên Kim Sơn: “Trong đó có hơn 100 cán bộ nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước và giám đốc các trường, các Tổng công ty Nhà nước… đang tham gia giảng dạy, quản lý ở trường”.
Tuyệt vời! Song, đáng lẽ với đội ngũ “thầy đồ già” danh giá như thế, Trường Đại học Kinh Doanh & Công nghệ phải là một cái lò khổng lồ, đào tạo nhân tài cho đất nước.
Thế mà tiếc thay, chẳng hiểu sao cho đến nay nó vẫn là hình bóng… lu mờ trên “thị trường chữ nghĩa”. Tức là dù thành lập đã lâu (1996), nhưng đến nay hình như nó “im hơi, lặng tiếng”, chẳng có gì nổi trội khiến người ta phải biết đến. Nó chỉ thực sự được quan tâm từ khi có thông tin được đào tạo bác sĩ và dược sĩ (mà dân gian gọi là Bác sĩ Kinh Công) đầy lo ngại.
Thực ra trong việc “hội tụ” này, các bác “nguyên” có thể không hoàn toàn có lỗi mà thậm chí, có khi là… nạn nhân.
Tâm lý người về hưu thường nghĩ mình già rồi nhưng cái vốn kiến thức, cái kho kinh nghiệm còn rất lớn. Vì thế, không ít vị vẫn mong mỏi được cống hiến tài năng, công sức của mình cho đất nước mà cụ thể ở đây là thế hệ sinh viên trẻ.
Trong khi đó, do những qui định về số lượng chức danh giáo sư, phó giáo sư để thành lập trường đại học đồng thời tâm lý sủng ái bằng cấp của xã hội nên việc mời các cụ về hưu tham gia vào danh sách nhà trường là “tuyệt sách” của tư tưởng doanh nhân.
Vì thế, không ít vị bị biến thành… “vật trang trí” và có thể, còn là “cáo mượn oai hùm”. Nó giống như “mốt” chụp ảnh chung với các vị lãnh đạo cao cấp, treo ở phòng khách hay việc mời các vị lãnh đạo đến trồng cây, đề tên, gắn biển.
Một vị giáo sư nổi tiếng có lần kể với mình rằng có trường đại học mời ông làm hiệu trưởng nhưng thực chất, chỉ là “bù nhìn rơm – lời vị giáo sư”, vì mọi việc lớn nhỏ trong trường đều do họ quyết định, kể cả chuyên môn.
Việc của ông duy nhất là tháng tháng, thấy trên thẻ ATM hiện lên mấy triệu VND. “Họ thuê chức danh của tôi như cửa hàng thuốc thuê bằng dược sĩ (để mở hiệu thuốc, theo qui định phải có bằng dược sĩ nên nhiều cửa hiệu đã thuê bằng để hợp pháp – NV)”. Ấm ức vì bị lừa, một thời gian ngắn sau, vị giáo sư này đã xin nghỉ. Tất nhiên, khi đó thì trường đã thành lập, mọi thủ tục đã xong và ở đâu đó, đang sẵn một vị giáo sư… chờ!
Mình có người bạn là hội viên hội văn nghệ tỉnh. Cách đây hơn 20 năm, anh ấy nợ hợp tác xã hơn 1 tấn thóc, bị đòi ráo riết. Nhân dịp đại hội văn nghệ có mời lãnh đạo tỉnh đến dự, anh nhờ người chụp cho bức ảnh đứng cạnh một vị lãnh đạo rồi đem phóng to, treo ở nhà. Chẳng hiểu sao từ đó, không thấy bị réo nợ nữa. Có lần anh chỉ bức ảnh, nói đùa: “Tớ yểm lão này nên… thoát nợ?!”.
Trở lại với hiện tượng ở trường Đại học Kinh doanh & Công nghệ, không biết thực hư thế nào nhưng những câu chuyện trên hoàn toàn có thể là lời cảnh báo không vô ích.
Bởi câu hỏi không thể không đặt ra, là tại sao một trường hội tụ toàn các cụ “cây đa, cây đề” đến Harvard gọi bằng “cụ” có thời gian hoạt động đã 20 năm nay (1996 – 2015) mà vẫn có vẻ “im hơi, lặng tiếng” nhỉ?
Lạ, phải không các bạn?!
Tin cùng chuyên mục:
Mặt tối của ân xá: Quyền lực Tổng thống hay công cụ bao che?
Bước đột phá trong cải cách bộ máy Nhà nước
Phiên tòa xét xử Lưu Bình Nhưỡng: Sự thật và những luận điệu xuyên tạc
Chuyện quý bà và ‘soái ca nước yến’