Mấy hôm nay vacxin Quivaxem lại được ầm ĩ trở lại. Các mẹ ơi một lần nữa lại trở thành một từ khoá đáng sợ của ngành Y.
Cũng là cha mẹ của những đứa trẻ, tôi và các bạn dĩ nhiên đau xót về những thông tin có gia đình mất con sau khi tiêm chủng. Chúng ta đều phẫn nộ trước những trang báo nói rằng vacxin này là thế hệ cũ, trong đó có loại sử dụng nguyên cả tế bào giảm độc lực và chất bảo quản nhiều nước không dùng.
Tôi nghĩ chắc chị Tiến cũng là một người mẹ, chị hẳn cũng đau lòng khi có một em bé nào ra đi vĩnh viễn dù vì bất kể lí do gì, dù là xác suất 4,5/1 triệu ca đi nữa.
Thế nhưng chúng ta chưa có khả năng để thay thế vacxin này, sản phẩm tiêm chủng quốc gia do WHO tài trợ. Có chăng là tăng cường những trường hợp chống chỉ định và giám sát chặt quy trình tiêm chủng.
Nếu cả nước này lo sợ và tẩy chay không cho con đi tiêm thì sao?
Hẳn mọi người còn nhớ dịch sởi năm 2014 khi cả cộng đồng hoang mang bởi truyền thông, một tác nhân mới nằm trong tâm dịch sởi, có thể cộng hưởng với sức mạnh của đám đông và tác động đến phần còn lại- những người không bị sởi.
Trong những ngày này báo chí cho biết phụ huynh đang nườm nượp đưa con trẻ đi tiêm phòng sởi ở các trung tâm và bệnh viện lớn ở hai đầu đất nước. Trong dòng người xếp hàng đó có không ít những bậc phụ huynh từ năm ngoái đã quay lưng với tiêm chủng khi nghe những thông tin về ăn bớt vắc xin, tiêm nhầm vắc xin và tử vong sau tiêm chủng.
Chúng ta cần một cái đầu đủ lý trí để nhắc nhau rằng tuyệt đại đa số chúng ta vẫn chưa có điều kiện đưa con ra nước ngoài để tiêm vacxin thế hệ mới hoặc để trốn dịch. Thậm chí nhiều gia đình không thể chi trả khoản tiêm chủng cho con trong nước. Sự lựa chọn duy nhất của chúng ta là Quivaxem và ngành Y tế Việt Nam.
Chúng ta cần thấy rằng nước Việt Nam hiện tại với những Mega City hàng dăm bảy triệu người sẽ phải chịu hậu quả tàn khốc như thế nào khi chẳng may cộng đồng thất bại trong việc phòng ngừa bệnh dịch.
Chúng ta cần, chẳng hạn, những con số so sánh để thấy 24 năm tiêm chủng mở rộng đã khiến cho tỷ lệ mắc ho gà giảm 543 lần, bạch hầu giảm 433 lần, uốn ván sơ sinh giảm 69 lần vào năm 2009.
Tiêm chủng, chứ không phải là những máy móc tinh vi, mới là thành tựu chăm sóc sức khỏe vĩ đại nhất của đất nước sau đổi mới.
Đối phó với bệnh dịch tự nhiên, muốn hay không thì hoàn cảnh cũng đã sắp xếp chúng ta và ngành Y ở chung trên một con thuyền.
Hãy tỉnh táo với phát ngôn dù bạn hành động thế nào với riêng con em mình.
Nguồn: Lọc Chọn Bùi
Tin cùng chuyên mục:
Nguyễn Xuân Diện và sự thật lịch sử về Hải chiến Hoàng sa
Con trai ông Trump nói Tổng thống Zelensky nài nỉ được mời đến buổi lễ nhậm chức
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA