KhanhKim@
Họ đang cải tiến hay cải lùi ?
Sáng 13/11/2015, lúc 6h30 VTV Trung ương trong mục điểm báo, nói về việc “Cải cách môn học lịch sử của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, theo đó môn học lịch sử không phải là môn học chính mà là môn học được “cải tiến” lồng ghép với một số môn học khác. Người dẫn chương trình cũng tỏ ra bức xúc, khi phản ánh những phản ứng của người dân và dư luận xã hội. Hầu hết các báo được trích dẫn không đồng tình với việc “cải lùi” ,này của Ngành GD và đưa ra kiến nghị nếu (họ) Bộ GDĐT không biết lắng nghe ý kiến đúng đắn của người dân thì đề nghị “Đảng và Nhà nước phải ra tay can thiệp”.
Người dân Việt Nam từ lâu đã chán ngấy với cái gọi là “cải cách” của Ngành Giáo dục.
Cải cách là hướng đi đúng của tất cả mọi ngành, mọi nghề để phù hợp xu hướng phát triển của xã hội, nhưng không hiểu sao qua bao nhiêu lần cải cách, càng cải tiến, Ngành GD vẫn không thể phát triển như kỳ vọng của người dân. Và hôm nay, với chủ trương cải tiến giảng dạy môn lịch sử, nền giáo dục nước nhà đang đối diện với nguy cơ “cải lùi”.
Mới đây, Bộ GD và ĐT đề xuất cải cách môn học lịch sử với dự kiến “Môn học lịch sử không phải là môn học chính mà là môn học được “cải tiến” lồng ghép với một số môn học khác”. Xem ra tư duy cải cách môn học lịch sử của Bộ GD và ĐT đang đi ngược lại lời dạy của Bác Hồ, đi ngược truyền thống, giá trị đạo đức, nhân văn của người Việt đối với lịch sử cội nguồn dân tộc Việt nam.
Cha ông xưa đã dạy:
“Con người có tổ, có tông
Như cây có cội như sông có nguồn”.
Đã là người Việt Nam, dù ở cương vị nào, ở bất kỳ nơi đâu, dù trong hoàn cảnh nào cũng không bao giờ được phép quên lịch sử, cội nguồn dân tộc, phải nhớ đến quê hương, đất nước, nơi chôn nhau cắt rốn, gốc rễ tổ tiên và xa hơn nữa là lịch sử nước nhà. Tiếp nối truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc vì thế Bác Hồ đã từng nói:
“Dân ta phải biết sử ta
Cho tường gốc tích nước nhà Việt nam”.
Câu nói ấy được Bác viết trong cuốn “Lịch sử nước ta” (1942) với 208 câu thơ lục bát dễ hiểu, dễ thuộc, đã tóm lược trên 30 mốc quan trọng trong suốt chiều dài 4000 ngàn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Câu nói của Bác nhắc nhở mỗi người Việt Nam, con Lạc cháu Hồng phải có trách nhiệm tìm hiểu về cội nguồn, lịch sử dân tộc, qua đó gìn giữ và giáo dục lòng yêu nước, tự hào dân tộc cho thế hệ mai sau.
Lịch sử là những gì thuộc về quá khứ, nếu không có quá khứ sẽ không có hiện tại và cả tương lai. Biết quá khứ để rút những bài học kinh nghiệm, học tập, bảo lưu những giá trị tinh hoa, bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của dân tộc…để vận dụng, để xây dựng và phát triển đất nước ngày càng phát triển phồn thịnh, đời đời bền vững.
Dân ta phải biết sử ta không chỉ đơn thuần là ghi nhớ một vài mốc sự kiện, một vài chiến công hiển hách, một vài cái tên quen thuộc của các vị tướng có tài thao lược cầm quân đánh giặc, trăm trận, trăm thắng, mà phải biết tìm hiểu “cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Có nghĩa là phải biết đến tận “chân tơ kẽ tóc”, càng biết nhiều, hiểu sâu mới càng trân trọng giá trị lịch sử của dân tộc, nhớ ơn những bậc tiền nhân khai sinh nền móng nước nhà, nhớ ơn các Anh hùng, Liệt sĩ đã không tiếc máu xương, đổi lấy nền độc lập tự do cho đất nước.
Khi thấu hiểu được giá trị đích thực của lịch sử thì ngọn lửa yêu nước mới bùng cháy trong ta, lòng tự hào, tự tôn dân tộc mới được nhân lên và trường tồn cùng dân tộc.
Công bằng mà nói, tình trạng dạy và học Lịch sử ở các trường phổ thông ở nước ta hiện nay còn quá nhiều điều cần suy ngẫm. Chất lượng dạy và học môn lịch sử ngày càng giảm sút nghiêm trọng và đã đến mức báo động. Tình trạng “mù Lịch sử” khá phổ biến được chứng minh qua các kì thi tốt nghiệp PTTH. Qua theo dõi, đánh giá và tổng kết hàng năm có đợt thi môn Lịch sử có tới 1/3 số thí sinh toàn quốc dự thi đạt điểm 0-1, số học sinh đạt điểm 8 – 9 -10 nếu không nói là cường điệu hóa, chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhiều học sinh tỏ ra thờ ơ với môn lịch sử, dẫn đến không biết lịch sử, không hiểu lịch sử, nhớ sai các dấu mốc, các sựkiện trọng đại của đất nước. Sự ngây ngô đến tệ hại của Học sinh khi viết, nói về lịch sử của dân tộc, đất nước mình cứ như một kẻ vô học, làm cho chúng ta lấy làm đau buồn và bị xúc phạm, khi lịch sử vẻ vang của nước nhà đã và đang bị các chủ nhân, thế hệ tương lai của đất nước vô tình đem ra đùa giỡn.
Thật buồn thay.
Chưa bao giờ lịch sử dân tộc bị sao nhãng, lãng quên như ngày hôm nay. Thực tế cho thấy Năm học 2014-2015 rất ít học sinh chọn môn lịch sử làm môn thi tốt nghiệp. Có trường không có học sinh nào đăng ký, có trường chỉ có một em. Đó là một hiện tượng đáng báo động cho tình trạng “Dân ta không biết sử ta”.
Đó là hệ quả của nhiều lần cải cách không thành công của ngành GD. Vấn đề sẽ nghiêm trọng hơn khi Bộ Giáo dục và Đào tạo lại cho môn lịch sử là môn thi tự chọn và họ đang tiếp tục tiến đến nấc thang cuối cùng của sự nguy hiểm khi cho rằng: “Môn học lịch sử không phải là môn học chính mà là môn học được “cải tiến” lồng ghép với một số môn học khác”.
Lịch sử là môn học lẽ ra phải được đặc biệt coi trọng vì lịch sử là quá khứ của một dân tộc. Bác Hồ đã nói, lịch sử là “gốc tích nước nhà”, lịch sử làm nên văn hóa dân tộc, quy định bản sắc văn hóa, tâm hồn tính cách dân tộc. Vậy sao Ngành Giáo dục lại đang xem nhẹ môn học này, làm trái lời Bác dạy?
Lịch sử, xét đến cùng là những gì đã đi qua, được con người hiện tại ý thức lại. Những bài học lịch sử sẽ là vô nghĩa nếu không làm lắng đọng lại ở người học hôm nay bằng niềm kính trọng cha ông là những người đã dựng xây nên non nước này. Vì thế xin được nhắc lại và nhấn mạnh rằng: “Học lịch sử, để nắm vững lịch sử dân tộc sẽ cho ta những hiểu biết về tổ tiên, nguồn cuội, của đất nước, dân tộc mình với chặng đường đấu tranh dựng và giữ nước đầy máu, nước mắt của ông cha. Từ đó, chúng ta thấy tự hào, trân trọng giá trị lịch sử, biết ơn những thế hệ đi trước, nhận thức được trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn lịch sử, một quá khứ bi thương nhưng rất hào hùng của dân tộc mình”. Từ đó người học sẽ được tiếp thêm niềm tin, niềm tự hào và tinh thần dân tộc để sống mạnh mẽ hơn, trung thực hơn, chân chính hơn và muốn cống hiến nhiều hơn cho đất nước, dân tộc mình.
Ai đó đã đúng khi nói lịch sử dân tộc luôn là niềm tự hào, là điểm tựa, là nền móng, là bệ phóng vững chắc cho hiện tại và cả tương lai. Bài học lịch sử, nói về quá khứ sẽ là hành trang tinh thần về ý chí quật cường của cả một dân tộc để tạo thế, tạo đà và tạo cả nguồn sinh lực, tiếp thêm sức mạnh cho thế hệ hôm nay và cả mai sau cất cánh hướng đến một tương lai tươi đẹp. Vì thế môn học lịch sử không thể là thứ yếu, không được lồng ghép với các môn học khác, đó là bước cải lùi nguy hiểm, một việc làm đáng phê phán, không thể chấp nhận được của Ngành Giáo dục.
Ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm về hậu quả đối với thế hệ trẻ của đất nước hôm nay đã và đang bị “mù lịch sử” trong bối cảnh họ bị tấn công bởi các luận điệu xuyên tạc lịch sử trên tất cả các diễn đàn xã hội?
Để lịch sử dân tộc mãi trường tồn với thời gian, chúng ta hãy đồng lòng, cùng lên tiếng kiến nghị với Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa môn lịch sử là môn học bắt buộc, môn thi bắt buộc trong tất cả chương trình giáo dục phổ thông. Nếu họ vẫn bảo thủ không chấp nhận đề nghị đúng đắn của người dân. Đề nghị đảng và nhà nước hãy vì lịch sử dân tộc mà ra tay can thiệp, để lịch sử dân tộc vẫn là lịch sử dân tộc không bị lãng quên.
Ngày 14 tháng 11 năm 2015
Tin cùng chuyên mục:
Nguyễn Xuân Diện và sự thật lịch sử về Hải chiến Hoàng sa
Con trai ông Trump nói Tổng thống Zelensky nài nỉ được mời đến buổi lễ nhậm chức
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA