CHUYẾN ĐI CUỐI CÙNG CỦA LÊ NA?

Người xem: 175

Trí Minh Hoàng

Chuyến đi “cuối cùng” của Lê Na?

Xét về khía cạnh truyền thông có thể dễ dàng tiên lượng xấu về sự nghiệp một hệ thống dạy Anh Ngữ top 10 của bà chủ mang Cung bọ cạp. Với mức học phí mỗi học viên xấp xỉ 7 triệu/khóa, 200 sinh viên một lớp rải đều vài cơ sở hoành tráng thì lợi nhuận không hề nhỏ. Và số tiền học phí ấy là một khoản cũng không hề nhỏ với học sinh, sinh viên.

Tôi xem đoạn clip Thày Trò và không mấy ngạc nhiên về cách hành xử – đối thoại đậm chất “giang hồ” cửa trên nơi ấy.

3 năm trước tôi cũng đã va với một trung tâm dạy ngoại ngữ cho trẻ em khi đi đăng ký học cho con. Tất nhiên bằng sự mập mờ thông tin ban đầu của cơ sở đào tạo thì thằng cu Chưa Biết Chữ nhà tôi cùng vài đứa bạn mẫu giáo của cháu cuối cùng được xếp học cùng lớp với các anh chị lớp 2 và 3 (cho đủ học viên).

Đó là sự vô lý bởi chênh lệch trình độ của các con, phi logic giáo dục, sau 2 buổi mới biết thì tôi không đồng ý và lên đòi lại tiền hoặc tổ chức lớp phù hợp. Tất nhiên dù là thằng lắm mồm nhưng kết quả cuối cùng bằng những lời khó nghe, họ nhất quyết không trả bởi những lý lẽ na ná cô Na về chữ “dự kiến”, là nguyên tắc trong hợp đồng…Đận ấy tôi chưa biết quay clip.

Chúng ta thường dễ dãi cảm tính xuề xòa mặc định cho rằng tất thảy các cơ sở giáo dục đẹp đẽ thì họ sẽ sòng phẳng – đạo đức trong văn bản – tiền bạc.

Có nhiều lời khen về trình độ sư phạm của cô Na nhưng trong môi trường giáo dục thì những hành vi ứng xử “dị biệt”, phi văn hóa không thể nhốt chung một chuồng.

Cách đây mấy tháng, trên mạng có đoạn clip nhân viên cafe Starbucks Mỹ cãi vã với khách hàng rồi đuổi cô ta “Get the fucking out of here, never come back again…”.

Điều đáng chú ý là Starbucks luôn tự hào rằng họ đã tạo được một văn hóa bền vững mà trong đó, nhân viên không bao giờ được phản ứng tiêu cực với khách hàng. Trong các cuốn sách đào tạo cho nhân viên, Starbucks dành hàng chục trang giấy trắng để họ có thể tưởng tượng và viết ra cách thức xử lý những rắc rối, trong số đó điển hình nhất là đối mặt với các khách hàng đang trạng thái giận dữ.

Starbucks gọi đó là phương pháp biến nghị lực thành thói quen, các nhân viên sẽ phải phân tích để có thể kiềm chế bản thân trước những tình huống có khả năng khiến họ phát khùng, tập luyện vượt qua khoảnh khắc đó và biến ứng xử ấy thành phản xạ.

Nhưng con người luôn là con người. Trong một phút giây thiếu tự chủ, thì văn hóa của Starbucks cũng là cái đinh với một người đang chất chứa giận dữ. Cô nhân viên trong đoạn clip có thể đã được dạy về sự kiềm chế, nhưng cô hoàn toàn có thể đánh mất nó trong 1 phút giây nhất thời “mất cảnh giác”.

Không biết là có bao nhiêu bảo mẫu, cô nuôi dạy trẻ, và cả giáo viên Anh ngữ nói riêng và các môn nói chung đã được dạy trong trường sư phạm về kiềm chế, hoặc được giáo dục đúng nghĩa về kiềm chế bằng văn hóa trong môi trường đầy tử tế xung quanh.

Đó là một kỹ năng phải tập luyện gian khổ, nếu bạn vốn sinh ra ở cung bọ cạp hay cung thần tiên đi chăng nữa.

Bằng không, sẽ còn nhiều bảo mẫu, giáo viên Anh ngữ ứng xử style Bọ Cạp trước những học trò nhất quỷ nhì ma đang ngày một hiểu rõ quyền lực của chúng hơn và trong tay luôn lăm lăm những chiếc điện thoại thông minh, đó là điều thậm nguy hiểm.

Những cuốn sách của Starbucks có thể sẽ không có tác dụng gì, nhưng những tai nạn chết chìm trong sóng của xã hội mạng sẽ là bài học lớn cho bất cứ ai.

Hãy luyện tập thật kỹ khả năng kiềm chế!

https://www.facebook.com/tritroc?fref=nf#

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *