Thủ tướng Hun Sen: Không có chuyện đòi Phú Quốc, Nam Bộ

Người xem: 128

Khi các cán bộ có thẩm quyền của Campuchia nhận được chỉ thị của Hoàng thân Norodom Sihanouk năm 1964, họ đã chỉnh sửa bản đồ của Campuchia…

Khmer Times ngày 26/7 đưa tin, trong cuộc họp Nội các hôm Thứ Sáu ngày 24/7, Thủ tướng Campuchia Hun Sen đã kêu gọi các đảng phái chính trị nước này đoàn kết thống nhất trong vấn đề đàm phán, hoạch định đường biên giới chung với Việt Nam và minh bạch trong quá trình nghiên cứu, xử lý bản đồ biên giới.


Ông Hun Sen thừa nhận Campuchia sửa bản đồ, Phú Quốc và Nam Bộ thuộc chủ quyền Việt Nam

“Tôi không muốn lịch sử nguyền rủa chúng ta trong tương lai. Tôi không làm gì sai về điều này. Khi các cán bộ có thẩm quyền của Campuchia nhận được chỉ thị của Hoàng thân Norodom Sihanouk năm 1964, họ đã chỉnh sửa bản đồ của Campuchia, lúc đó tôi chỉ mới 12 tuổi. Họ (các quan chức Campuchia) thời điểm đó đã ‘bỏ rơi’ đảo Koh Tral và Kamcuchea Krom cho Việt Nam. Tôi không thể đòi lại được”, ông Hun Sen phát biểu trước Nội các.

Koh Tral là tên người Khmer gọi đảo Phú Quốc, hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, tương đương với kích thước đảo Guam của Mỹ với dân số hoàn toàn là người Việt khoảng 100 ngàn người, Khmer Times lưu ý. Kampuchea Krom là tên gọi người Khmer Campuchia dùng để chỉ đồng bằng sông Cửu Long vốn nằm dưới sự kiểm soát chính thức (xác lập chủ quyền) của Việt Nam từ đầu thế kỷ 17, Khmer Times cho biết.

Trong những năm gần đây, vẫn tồn tại một số bất đồng về biên giới trên 1.158 km đường biên giới giữa Campuchia và Việt Nam, bao gồm các tỉnh Thbong Khmoum, Rattanakiri, Svay Rieng, Kampot và Kampong Cham. Thủ tướng Hun Sen nói với Nội các của mình hôm Thứ Sáu:

“Chúng ta những người Campuchia hôm nay cần phải thống nhất trong việc bảo vệ đất đai của chúng ta để các thế hệ con cháu sau này sẽ không còn gặp phải vấn đề gì với các cột mốc biên giới với các nước láng giềng nữa. Đồng thời, tôi cũng kêu gọi các nhà phê bình không chính trị hóa vấn đề biên giới, điều này rất quan trọng đối với sự ổn định của đất nước”.

Khmer Times cho rằng hoạt động của phe đối lập CNRP kích động dân chúng Campuchia (thiếu thông tin và kiến thức về biên giới lãnh thổ) chống phá biên giới Việt Nam – Campuchia đã khiến Chính phủ của Thủ tướng Hun Sen lo ngại rằng, đó là một thủ đoạn để phe đối lập thổi bùng sự thù địch với cộng đồng người Việt đang sinh sống và làm việc tại Campuchia.

Minh bạch hóa quá trình đàm phán, phân giới cắm mốc biên giới Campuchia – Việt Nam

Trước những cáo buộc (vu cáo, bịa đặt) của phe đối lập về việc Chính phủ Campuchia sử dụng bản đồ “không chính xác” khi đàm phán phân giới cắm mốc khiến “Campuchia bị mất đất”, Thủ tướng Hun Sen đã ra lệnh minh bạch hóa quá trình đàm phán, phân giới cắm mốc với Việt Nam.

Tiến sĩ Sok Touch, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Học viện Hoàng gia Campuchia. Ảnh: Khmer Times.

“Chúng ta cần phải thiết lập kênh hội nghị trực tuyến để nhóm nghiên cứu từ Học viện Hoàng gia Campuchia do Tiến sĩ Sok Touch đứng đầu có thể làm việc, bao gồm việc dự thính các cuộc họp của Nội các hàng tuần, cũng như trao đổi với các học giả ở Nga và Paris”, ông Hun Sen cho biết.


Thủ tướng Campuchia đồng thời kêu gọi: “Phe đối lập không nên lo lắng hoặc cho rằng hoạt động này của Học viện Hoàng gia Campuchia là can thiệp vào công việc của Chính phủ Hoàng gia về các vấn đề biên giới. Đó là (vấn đề) lãnh thổ Campuchia và tôi cần phải bảo vệ nó.”

Ông cũng yêu cầu Tiến sĩ Sok Touch tổ chức họp báo khi mượn được bản đồ gốc (do Sở Địa dư Đông dương phát hành trước năm 1953 mà Sihanouk nộp lưu chiểu tại) Liên Hợp Quốc để cho công chúng Campuchia thấy rõ sự minh bạch của Chính phủ trong quá trình đàm phán, phân giới cắm mốc với Việt Nam.

Đầu tháng này ông Hun Sen đã gửi công hàm cho Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon đề nghị mượn bản đồ này vì nó rất cần thiết để dập tắt chủ nghĩa dân tộc cực đoan và những ý đồ đen tối nhằm gây nhiễu dư luận Campuchia về vấn đề biên giới. Năm 1964 ông Norodom Sihanouk đã giao tập bản đồ bonne này cho Liên Hợp Quốc.

26 mảnh bản đồ bonne mà Pháp xuất bản từ năm 1867 đến năm 1953 trong thời kỳ “bảo hộ Đông Dương” được coi là chìa khóa để giải quyết các vấn đề biên giới giữa Việt Nam và Campuchia trên đất liền vốn đã được phân giới cắm mốc khoảng 80%. Thủ tướng Hun Sen cũng mong muốn Liên Hợp Quốc cho Campuchia mượn lại tập bản đồ này một cách chính thức, công khai và minh bạch.

“Tôi mong muốn Học viện Hoàng gia Campuchia ký một văn bản chung cùng với Chính phủ và phe đối lập sau khi nhận được bản đồ từ Liên Hợp Quốc. Chúng tôi mong muốn quá trình này sẽ diễn ra minh bạch, nếu không chúng ta sẽ lại bị cáo buộc rằng làm việc giấu diếm”, ông Hun Sen cho biết.

Quốc vương Campuchia muốn họp với lãnh đạo CPP, CNRP, Funcinpec về vấn đề biên giới với Việt Nam?

The Cambodia Daily ngày 27/7 đưa tin, Quốc vương Campuchia Norodom Sihamoni đã có kế hoạch mời Thủ tướng Hun Sen và lãnh đạo phe đối lập Sam Rainsy tới Cung điện Hoàng gia ở Phnom Penh để thảo luận về vấn đề biên giới với Việt Nam gần đây, Hoàng thân Ranariddh nói với các phóng viên.

“Tôi nghe nói rằng Quốc vương Norodom Sihamoni đã có kế hoạch mới các nhà lãnh đạo của 3 đảng chính trị để nghe ý kiến về vấn đề chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Nếu CPP, CNRP và Funcinpec tái hợp để giải quyết vấn đề quốc gia này sẽ tốt hơn so với làm việc một cách riêng biệt. Chúng ta rất mạnh khi người Khmer đoàn kết”, ông Ranariddh được The Cambodia Daily dẫn lời cho biết.

Hoàng thân Ranariddh cũng là người đứng đầu Hội đồng Tư vấn Cơ mật tối cao cho Quốc vương Campuchia nói với các phóng viên, ông bác bỏ quan điểm cho rằng Funcinpec không liên quan đến tình hình chính trị hiện tại của Campuchia chỉ vì đảng bảo hoàng này không có ghế nào trong Quốc hội sau cuộc bầu cử năm 2013.

Người phát ngôn của CPP Sok Eysan và CNRP Yem Ponhearith đều nói rằng họ chưa nghe nói gì về kế hoạch các nhà lãnh đạo của họ sẽ yết kiến Quốc vương Sihamoni và trao đổi về vấn đề biên giới với Việt Nam.

Đảng bảo hoàng Funcinpec mà ông Ranariddh đứng đầu nhận được sự bảo trợ mạnh mẽ từ Trung Quốc. Theo một bản tin trên The Cambodia Daily ngày 20/3/2014, đảng Cộng sản Trung Quốc cung cấp hỗ trợ tài chính và cơ sở vật chất cho Funcinpec hoạt động từ tiền thuê nhà, tiền điện, chi phí đi lại, chi phí quản lý cho đến việc đào tạo chính trị cho các đảng viên trẻ.

Hồng Thủy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *