“Triệu” ở đây, phải hiểu là triệu đô (USD), và “việc này mới xong” là việc “chạy” TPA – Quyền thúc đẩy thương mại, hay nói gọn, là quyền đàm phán nhanh của lão Obama vừa được Hạ viện Mỹ thông qua hôm 19-6-2015.
Ở các nước phát triển như Mỹ, chuyện dùng đồng tiền để “chạy” giấy phép, “chạy” dự án…, thậm chí là “chạy” chính sách, dự luật, thì cũng là chuyện bình thường. Và họ cũng có “cò” như ở ta.
Ở nước Mỹ, nghề này xuất hiện từ khi họ mới lập quốc. Nôm na, đó là nghề “chạy chọt” ngoài nghị trường nhằm tác động lên các ông dân biểu trong Quốc hội (Thượng viện và Hạ viện) để họ đưa ra hay ủng hộ các đạo luật, các nghị quyết, các quyết định mang tính chính sách có lợi cho các nhóm lợi ích khác nhau.
Thay vì gọi là “chạy”, “chạy chọt” như ở ta thì họ gọi một cách “hàn lâm” là “lobby”. Ta dịch “lobby” là “vận động hành lang” và những người đảm nhận công việc này, không bị gọi là “cò” mà được gọi rất oai là “Nhà vận động hành lang”, một nghề được luật pháp công nhận và bảo hộ hẳn hoi.
Vậy thì cách đây hơn 2000 năm, (khoảng 265-TCN), bên Tàu đã có việc Lã Bất Vi dùng tiền, vàng “lobby” Hoa Dương Phu nhân, để bà này nhận Tử Sở làm con nuôi. Sau này y lại “chạy” tiếp để Tử Sở lên ngôi vua là Trang Tương Vương, rồi đến con trai Tử Sở là Chính cũng lên làm vua, lấy hiệu là Tần Thủy Hoàng đế, một nhân vật quan trọng trong sử Tàu. Và có thể kết luận rằng, vị hoàng đế đầu tiên của Tàu ra đời từ một vụ “chạy chọt”.
Ở ta, cũng có ông Thuyết, được gọi là “Thuyết buôn vua”, nhưng ông này ít vốn, chỉ lắm nước bọt nên không “buôn” được vua thật như Lã Bất Vi. Ông Thuyết phét lác “lobby” cái gì đó cho ông Năm Cam, “vua” xã hội đen, chẳng những việc không xong mà còn bị đi tù 13 niên, và mới được thả sớm cách đây vài tháng.
Bên Mỹ không có vua, nhưng cũng có một ông “nhà buôn” tương tự, đó là ông Jack Abramoff, một tỷ phú người Mỹ gốc Do Thái. Ông này được Tạp chí Time gọi là “người đã buôn cả Washington”. Cũng như “Thuyết buôn vua”, “cò Tổng thống” Abramoff, năm 2006 bị bắt đi tù, tổng cộng 10 niên (hình trên)
Ấy là vào tháng 1-2006, vụ scandal chính trị nghiêm trọng nhất trong sân khấu Nhà Trắng đã bị phanh phui, khi J. Abramoff, nhà “buôn” chính trị hàng đầu của Mỹ bị kết tội biển thủ, gian dối tài chính và mua chuộc chính khách. Trung tâm điều tra độc lập Center for Responsive Politics cho biết đã điểm danh được hơn 300 nghị sĩ của cả hai đảng đã hưởng ơn mưa móc của Abramoff từ năm 1999.
Biếm họa về scandal, riêng J.Abramoff xuống nước mà không có phao
J.Abramoff là người có mối quan hệ mật thiết với Nhà Trắng từ những năm 2001, khi là thành viên ban tranh cử của Tổng thống W. Bush và nổi lên là người đóng góp nhiều nhất cho quỹ tranh cử của W. Bush với số tiền lên đến 100.000 USD.
J.Abramoff cũng là người cung cấp tiền bạc cho các ứng cử viên đảng Cộng hòa trong cuộc chạy đua vào Quốc hội và có quan hệ gắm bó với Tom DeLay, nghị sĩ Quốc hội, đứng đầu phe Cộng hòa trong Hạ viện.
Từ năm 2000 đến năm 2003, J.Abramoff đã nhận 80 triệu USD của 6 bộ lạc da đỏ để “vận động hành lang” cho họ mở các sòng bạc. Báo The New York Times ngày 10-11-2005 công bố: năm 2003 Abramoff đã nhận hơn 9 triệu USD từ Omar Bongo, tổng thống nước Cộng hòa Gabon (Trung Phi), để thu xếp cho ông này gặp tổng thống W. Bush. Trên thực tế, cuộc gặp gỡ đã diễn ra vào hôm 26-5-2004.
Sau khi Abramoff bị bắt, Nhà Trắng chối bay chối biến và phi tang về các quan hệ với J.Abramoff. Phát ngôn viên Nhà Trắng Scott Mcclellan tuyên bố Tổng thống W.Bush sẽ tặng khoản 6.000 USD “tiền bẩn” – có nguồn gốc từ J.Abramoff, cho Hội Tim mạch Mỹ. Hội Tim mạch đâu cần biết “bẩn, sạch” làm gì, có tiền cứu người là tốt rồi, OK!
Sau đó, Scott Mcclellan quay lại chỉ trích các hành động của J.Abramoff là “không có tính người” và khẳng định lại rằng tổng thống W.Bush không có mối quan hệ bạn bè nào, cũng như không hề nhớ đã từng gặp tay nhà “buôn” này ở đâu.
Tức bọn ăn cháo đái bát, J.Abramoff bèn gửi một bức thư cho tạp chí Washingtonian, mỉa mai rằng “Tổng thống W.Bush là chính trị gia có trí nhớ tốt nhất mà ông từng gặp” và “khoe” rằng, trong suốt 5 năm qua, W.Bush đã gặp ông ít nhất chục lần. Thậm chí Bush còn mời ông tới thăm trang trại tại Texas hồi mùa hè năm 2003. Ở đây, W.Bush đã tổ chức bữa tiệc mời hơn 350 thực khách thuộc đảng Cộng hòa mà mỗi người phải bỏ ra ít nhất 50.000 USD để được tham dự.
Nhà Trắng dứt khoát chối TT Bush không biết nhân vật Abramoff là ai và không gặp bao giờ nhưng tạp chí Time số ngày 20-2-2006 đã làm rõ trắng đen, khi đăng lại bức ảnh TT Bush gặp gỡ các “thân chủ” của Abramoff ngày 9-5-2001 tại văn phòng Eisenhower, cạnh Nhà Trắng. Trong ảnh, TT Bush đang nói chuyện với Raul Garza, Thủ lĩnh bộ tộc da đỏ Kickapoo ở Texas, “thân chủ” của Abramoff, còn Abramoff đứng ở chỗ được khoanh tròn. Time cũng cho biết họ còn có tới nửa tá ảnh chụp TT Bush gặp Abramoff tại Nhà Trắng.
Trở lại chuyện “cò” và “chạy”, hay nói văn hoa là “lobby”. Ở ta thì cấm, vì nó không được pháp luật và đạo đức thừa nhận, và trên thực tế, nó chỉ có lợi cho đám tham nhũng, hối lộ và các nhóm lợi ích hay đám “tư bản thân hữu”, (một khái niệm mới xuất hiện gần đây). Ngoài ra nó cũng được đám vo tròn bóp méo dân chủ triệt để lợi dụng. (Phán ra ngoài lề một chút, thì ở ta, từ con tôm, con cá da trơn hữu ích cho đến các thể loại phế thải như “con Cù, con Cày”…, không có lobby có sang Mẽo được đếch!).
Nhưng ngay cả ở bên Mỹ, nơi “lobby” và “lobbyists” được luật pháp công nhận, thì cũng chỉ những nhóm lợi ích, tập đoàn, công ty nào có có tiềm lực tài chính mạnh mới có điều kiện chi tiền để “chạy” và rồi lại kiếm được nhiều tiền hơn từ việc “lobby”. Còn những nhóm yếu thế và người nghèo, thì mãi mãi vẫn là chỗ để các ông nghị kiếm thêm tiền và phiếu mà chẳng bao giờ có cơ hội và tiếng nói riêng của mình trong xã hội.
Trong tháng 6 vừa qua, việc giành TPA là một “cuộc chiến” cam go của lão Barack Obama, người đứng đầu Nhà Trắng, với Quốc hội Mỹ. Một điều trớ trêu là chính các ông nghị Dân chủ cùng phe Obama lại là rào cản lớn nhất. Điều này cũng có nghĩa là nội bộ đám nghị viên Dân chủ đang nắm quyền hành pháp cũng có sự chia rẽ sâu sắc. Lý do chính mà họ nại ra về việc không ủng hộ TPP là áp lực từ các các nghiệp đoàn lao động, những người có thể bị giảm công việc vì TPP.
Nhưng có thật là các Nghị sỹ này lo cho người dân lao động mất công ăn việc làm vì TPP hay không?
Hãy xem Barack Obama làm cách nào để thông qua Quyền Thúc đẩy thương mại (TPA), qua một bài viết đăng trên báo Tin tức – TTXVN, ngày 24-6-2015:
Bỏ túi 200 triệu USD nghị sĩ Mỹ mới chịu thông qua TPA
Cuối tuần trước, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật Quyền Thúc đẩy Thương mại (TPA). Dự luật tranh cãi này còn được gọi là quyền đàm phán nhanh cho Tổng thống Barack Obama.
Dự luật được thông qua với tỉ lệ sít sao, 219 phiếu thuận và 211 phiếu chống, trong khi phải có từ 218 phiếu đồng ý mới đủ điều kiện “vượt ải” Hạ viện.
Thế nhưng theo điều tra của trang Open Secrets, điều gây sốc thực sự chính là khoản tiền mà mỗi Hạ nghị sĩ nhận được khi bỏ phiếu ủng hộ. Theo đó, tổng số tiền mà các nhóm lợi ích bỏ ra để vận động Hạ viện thông qua là gần 200 triệu USD; trong khi nhóm chống đối chỉ “chịu” bỏ ra khoản tiền hơn 23 triệu USD.
Một phần danh sách các nghị sĩ và số tiền nhận được. Ảnh: Maplight.org
Những người nhận được khoản tiền lớn nhất không ai khác chính là phe Dân chủ. Đứng đầu là Chủ tịch Hạ viện John Boehner: 5,3 triệu USD cho phiếu đồng ý. Tiếp đến là hai nghị sĩ Paul Ryan và Kevien McCarthy (cùng 2,4 triệu USD), Pat Tiberi (1,6 triệu USD) cho câu trả lời tương tự. 4 người này đều nhận tiền và bỏ phiếu thuận.
“Người giàu thứ 5” là hạ nghị sĩ Steny Hoyer, ông này bỏ túi 1,6 triệu USD cho câu trả lời “có” và 282.710 USD cho câu trả lời “không”. Khác với 4 nhân vật trên, hạ nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ này được cho là “người hùng”, vì nhận số tiền lớn nhưng vẫn bỏ phiếu chống. Những “người hùng Dân chủ” khác còn có Joe Crowley: 1,3 triệu USD cho phiếu thuận, 72.000 USD cho phiếu chống; Patrick Murphy: 1,1 triệu cho phiếu thuận, 213.360 USD cho lựa chọn “phản đối”; Richard Neal: 1,1 triệu USD cho phiếu thuận, 47. 625 USD cho câu trả lời “không”
Danh sách những người hùng không chỉ có các đại diện dân chủ. Phe Cộng hòa cũng có nhiều người nhận tiền (dù khiêm tốn hơn) mà vẫn bỏ phiếu chống. Đứng đầu là nghị sĩ Mick Mulvaney nhận 541.746 USD cho phiếu thuận và 0 USD cho phiếu chống; Andy Harris bỏ túi 254.803 USD cho phiếu thuận, 0 USD cho phiếu chống; Thomas Massie: 250.328 USD cho phiếu thuận và cũng 0 USD cho lựa chọn phản đối.
Vấn đề là ở chỗ: Số tiền này đến từ đâu? Câu trả lời là từ những nhóm lợi ích cổ súy cho TPA. Đó là các công ty môi giới chứng khoán, đầu tư – những người đóng góp 11,3 triệu USD hay những một số ngân hàng lớn tình nguyện bỏ 10,1 triệu USD để mua phiếu ủng hộ. Nói cách khác, chính giới tài phiệt Phố Wall đã đổ tiền để TPA “vượt ải” Hạ viện!
Hoài Thanh (Theo OpenSecrets.org.)
Bây giờ thì Jack “buôn vua” đã đi buôn bánh pizza ở Bantimore.
Nguồn: Lốc Liếc
Tin cùng chuyên mục:
Chuyện quý bà và ‘soái ca nước yến’
TikToker say rượu, đi ngược chiều, livestream thách thức CSGT khi bị kiểm tra
Không thể đổ lỗi cho đèn tín hiệu giao thông khi vi phạm luật
Đồng Nai: Khởi tố hai đối tượng lợi dụng quyền tự do dân chủ để xuyên tạc, xâm phạm lợi ích quốc gia