TPO – Sáng 25/6, với 86,64% số phiếu tán thành Quốc hội đã chính thức thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư xây dựng Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Lễ công bố quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai). Ảnh: TTXVN.
Theo đó, QH quyết nghị, xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành đạt cấp 4F, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.
Quy mô đầu tư xây dựng các hạng mục của Dự án để đạt công suất 100 triệu hành khách/năm và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Tổng mức đầu tư: khái toán cho toàn bộ Dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD), trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD). Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác theo quy định của pháp luật.
Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành thời gian và lộ trình thực hiện gồm 3 giai đoạn. Trong đó giai đoạn một năm 2025 hoàn thành và đưa vào khai thác… Chính phủ chỉ đạo lập báo cáo nghiên cứu khả thi đối với từng giai đoạn của Dự án và báo cáo Quốc hội thông qua trước khi quyết định đầu tư.
Trước đó, Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường và dự thảo Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho hay, qua thảo luận có ý kiến đề nghị bỏ cụm từ “áp dụng đơn giá của năm 2014”; có ý kiến đề nghị quy định rõ khi triển khai Dự án phải bảo đảm không để đội vốn công trình”.
Giải trình trước ý kiến trên, Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, theo pháp luật hiện hành như Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu và pháp luật liên quan đã được xây dựng theo hướng quản lý chặt chẽ việc đầu tư dự án, hạn chế việc đội vốn, phát sinh tăng chi phí đầu tư dự án. Trường hợp có điều chỉnh về vốn phải thực hiện chặt chẽ theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, dự án sân bay Long Thành là Dự án có quy mô lớn, chia làm 3 giai đoạn, thời gian thực hiện kéo dài nhiều năm, đây mới là bước lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, các yếu tố giá cả vật liệu, nhân công, thiết bị có thể thay đổi, do vậy, cần thiết ghi rõ áp dụng đơn giá của năm 2014 để khi có biến động tăng, giảm trên thị trường thì có cơ sở để điều chỉnh. Do vậy, Ủy ban thường vụ Quốc hội xin giữ như dự thảo Nghị quyết.
Về ý kiến đề nghị bổ sung quy định phải bảo đảm giữ nguyên hiện trạng diện tích và công năng của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất để phục vụ cho các hoạt động của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất như hiện nay; không sử dụng vào mục đích khác. Ủy ban thường vụ Quốc hội cho rằng, dự thảo Nghị quyết đã quy định rõ trong quá trình triển khai xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành theo phân kỳ đầu tư được phê duyệt, tiếp tục khai thác có hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Như vậy, diện tích và công năng của Sân bay Tân Sơn Nhất để phục vụ cho các hoạt động của Cảng HKQT Tân Sơn Nhất vẫn được giữ và tiếp tục nâng cấp, mở rộng theo quy hoạch.
http://www.tienphong.vn/xa-hoi/san-bay-long-thanh-chinh-thuc-vuot-ai-quoc-hoi-876185.tpo
Tin cùng chuyên mục:
Sai phạm trong hệ thống lãnh đạo Lâm Đồng: Lợi ích cá nhân và hậu quả nghiêm trọng
Thực hành Hạnh Đầu Đà và sự tôn trọng trật tự xã hội
Con đường tu hành: Tự do và truyền thống
Cựu Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến nhận án tù