OBAMA GÁC CHÂN TRONG CUỘC HỌP VÀ CÁI “GIẪM CHÂN CỦA ÔNG BÁC SĨ VIỆT NAM

Người xem: 144

Cộng đồng mạng ở Mỹ, nơi đã sinh ra Facebook, thực ra kém anh hùng hơn những người ngồi sau bàn phím ở mình.

Mình không thấy họ lên tiếng phản đối hay đòi Tổng thống của họ phải từ chức vì nhân cách kém hay vì thiếu khả năng làm lãnh đạo sau khi xem một cái ảnh ông Barack Obama gác cả hai chân lên bàn trong một cuộc làm việc với các trợ lí.

Nhưng ở mình thì một bác sĩ đã mất việc chỉ vì dám để chân lên giường khi chăm sóc bệnh nhân.

Ở Ý, một cô hộ lí ở một viện dưỡng lão đang bị điều tra về tội giết người sau khi một người đồng nghiệp cùng ca chụp ảnh cô đang tươi cười với một người già vừa qua đời cách đó ít phút.

Nhưng cô sẽ ngồi tù không phải vì cộng đồng mạng ở Ý phẫn nộ đến kinh khủng với cô này, mà vì người ta sẽ tìm ra bằng chứng về những tội ác của cô ta, sau khi nhận ra rằng, số các cụ già chết trong ca làm việc của cái cô xinh đẹp này cao gấp 3 đến 4 lần người khác.

Ông Obama nếu có mất uy tín trước các cử tri thì là vì cách điều hành đất nước của ông, chứ không phải là cái gác chân (vốn được chụp một cách có chủ ý và có kiểm duyệt đàng hoàng).

Tổng thống Obama vô tư gác chân lên bàn khi thảo luận các vấn đề của nhà nước với các cố vấn Tom Donilon, Jack Lew, Denis McDonough tháng 11/2012

Còn anh bác sĩ ở Lâm Thao kia đã giết ai chưa?

Mình thấy thật tội cho anh bác sĩ ấy, tội cho cả cái bạn nào đã chụp cái ảnh ấy đưa lên trên mạng để rồi cả một đám đông lao vào với một sự bức xúc kinh khủng cần phải xả cho bằng được.

Mà bức xúc vì cái gì chứ? Có bà bức xúc vì thấy con hàng xóm béo hơn con mình, dù hôm nào cũng bón cho nó khắp sân; có bác bức xúc vì thấy ông đồng nghiệp có vợ xinh hơn, còn vợ mình thì bị hôi nách…

Giả dụ thế để nói rằng Facebook bây giờ giống cái nút xả bồn cầu hỏng, chất chứa bao nhiêu thứ tẹp nhẹp của đời sống, xả cho mình xong thì lại trút lên đầu người khác, và người khác lại công khai đổ lên đầu người khác nữa.

Cứ thế mãi…

Nhưng bức xúc lớn hơn không phải là vấn đề mối quan hệ nói riêng giữa nhiều người trong chúng ta với các bác sĩ mà là quan hệ giữa chúng ta với nhau.

Những người không còn tin nhau nữa, và đang nghi ngờ tất thảy, nghi ngờ cả những điều tốt đẹp, trong một xã hội xô bồ và xù lông nhím bằng cách lên mặt đạo đức. Mối quan hệ ấy đang bị hủy hoại.

Và sự hủy hoại đó diễn ra nhanh hơn là nhờ sự kết nối qua các mạng xã hội, khi các mạng ấy cho con người ta một sức mạnh vô song bằng ngôn ngữ và hình ảnh mà ngoài đời, các cá nhân tội nghiệp ấy không thể nào có nổi.

Một cách vô tình và lâu dần thành quen, thành cố ý, họ cứ thế giẫm lên nhau mà sống cả ảo lẫn thật, trong khi cứ vỗ ngực bảo, dân trí của chúng tôi giờ thực sự là cao.

Đấy là lí do tại sao mình không share các ảnh hay post mà mình cho là có vấn đề, không bình luận những gì mình không biết hoặc chưa đủ điều kiện để nhận định, không cho mình cái quyền phán xét ai đó.

Hãy có trách nhiệm với những gì chúng ta share, như một sự tôn trọng mọi người.

Mình nói thế để đi đến cái kết: thỉnh thoảng nếu mình có post các món ăn ngon mà mình đang thưởng thức, thì mọi người đừng trích dẫn bài báo nghiên cứu nào đó để bảo là mình tâm thần nhé. (Mà nếu có thế đi chăng nữa, được ăn ngon cũng vẫn sướng chứ sao)….

P/s: Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của BLV, Nhà báo Trương Anh Ngọc.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *