Mới đây, tôi có đọc 1 bài báo nói về sự thất vọng của một số thạc sĩ, tiến sĩ loại giỏi tốt nghiệp ở nước ngoài về, nhưng lại bị trượt trong một kỳ thi tuyển công chức tại Hà Nội. Vì sao lại có chuyện như thế?
Là người đã từng đi xin việc, từng bị từ chối tuyển dụng, đã từng trải qua nhiều kỳ thi khác nhau, tôi có mấy ý kiến thế này:
1. Xin thưa với độc giả rằng, đã là thạc sĩ, tiến sĩ người ta không đánh giá bằng đó là loại trung bình, khá, hay giỏi, mà gần như mặc định, đó là nguồn lao động có chất lượng cao. Hãy dành một chút thời gian, ghé qua các thư viện và có thể thấy, luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ hiếm có có cái nào không phải loại giỏi cả. Vì thế, nói đến thạc sĩ, hay tiến sĩ thì không nên đề cập đến loại giỏi hay không ở đây.
2. Trong bài viết, tác giả có xu hướng mặc định rằng, thạc sĩ, tiến sĩ ở Tây về thì tốt hơn ở Việt Nam, vì thế, tôi mới đặt câu hỏi: thạc sĩ, tiến sĩ ở tây hay ở ta tốt hơn?
Đây là câu hỏi khó và xem ra là câu hỏi ngớ ngẩn, bởi rất khó để phân định hay so sánh chất lượng. Người ta chỉ có thể so sánh chất lượng cống hiến của một tiến sĩ khi anh ta ra làm ngoài thực tế với những sản phẩm khoa học do mình tạo ra. Không có sản phẩm khoa học tốt, không thể nói anh ta là tiến sĩ giỏi được.
Nói câu chuyện này để thấy, việc thi tuyển công chức, hầu hết là thạc sĩ, tiến sĩ mới ra trường, chưa có công ăn việc làm và chưa hề có sản phẩm khoa học, chưa hiểu thực tế Việt Nam, thiếu kinh nghiệm thục tế, vì vậy, ta sẽ không ngạc nhiên khi thấy thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài về mà lại trượt kỳ thi tuyển dụng.
Điều cần nhớ ở đây là, không phải cứ cầm được tấm bằng thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài về là tốt hơn ở Việt Nam.
Trên bình diện chung, với hệ thống giáo dục tiên tiến, với thầy giỏi, các điều kiện học tập và nghiên cứu tốt, kết hợp với nỗ lực của cá nhân, tôi cho rằng, các thạc sĩ và tiến sĩ có chất lượng tốt theo đúng chuyên ngành đào tạo.
Tuy nhiên, sản phẩm của quá trình đào tạo lại phụ thuộc vào: (1). Quy chuẩn đầu ra của cơ sở đào tạo, (2) sản phẩm đầu vào, và (3) trình độ giảng viên và điều kiện đảm bảo cho việc học tập nghiên cứu của người học.
Thực tế là có một số anh chị tốt nghiệp thạc sĩ ở Mỹ, Anh, Newzealand..thường có chất lượng (bản luận văn) tốt hơn ở Nhật, Hàn hay Trung Quốc (ý kiến chủ quan của tôi). Cơ quan tôi có vài người học thạc sĩ tại Nhật, Trung Quốc về Việt Nam, khi dịch xong (tiếng Anh) sang tiếng Việt mới tá hỏa ra vì nó không khác gì một khóa luận tốt nghiệp của một sinh viên tốt nghiệp đại học (chuẩn đầu ra thạc sĩ của các nước này không đòi hỏi cao). Nếu chất lượng thạc sĩ như vậy thì không thể nói rằng cứ làm thạc sĩ ở nước ngoài là tốt hơn ở Việt Nam.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là một góc nhìn có phần chủ quan của tôi, và có thể tôi đã sai.
Ai cũng biết rõ, có một bộ phận con ông cháu cha hoặc con cái gia đình có chút vốn, khi ở VN thì lêu lổng, và nói thẳng ra là học dốt. Nhưng sau khi cố gắng tốt nghiệp, thậm chí không cần tốt nghiệp đã được gia đình bỏ tiền cho sang nước ngoài học tiếp đại học và thậm chí cao hơn. Những cô cậu này thực tế học kém, và rồi cũng có được tấm bằng thạc sĩ hay tiến sĩ trở về và sự thật là có một số cực ít có được kết quả học tập tốt, số còn lại phần đa chỉ có tấm bằng. Với sản phẩm ấy, liệu các bạn có nghĩ là chất lượng tốt?
Theo tôi, những người này, thi trượt công chức là một điều may mắn cho đất nước.
3. Trả lời câu hỏi vì sao nhiều thạc sĩ tốt nghiệp nước ngoài trượt kỳ thi tuyển công chức của TP. Hà Nội vừa qua, câu trả lời lại có thể là: Họ trượt không phải do kém, mà do họ không phù hợp với các vị trí dự tuyển. Nền quản trị hiện tại vẫn còn những rào cản về yêu cầu công việc, môi trường làm việc và kể cả chế độ lương bổng đối với lao động trình độ cao.
Có thể kết luận trong trường hợp này, họ trượt do không phù hợp với nhu cầu cơ quan tuyển dụng. Cơ quan tuyển dụng hoàn toàn có quyền lựa chọn người tốt nhất trong rất nhiều ứng viên tốt. Vì thế, bạn tốt, nhưng chưa thể là tốt nhất theo cách nhìn nhận, đánh giá của họ.
Tất nhiên, lý do: “chúng ta cần chọn được người giỏi nhưng phải phù hợp với công việc” có thể được vận dụng rất “linh hoạt”, khiến cho rất nhiều người có chuyên môn tốt không có cơ hội được phục vụ hệ thống. Điểm tối này cần phải được nhanh chóng gỡ bỏ.
4. Ông Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền phát biểu: “Tôi đã đi chấm thi chuyên viên cao cấp mấy năm nay, thấy trình độ đang ngày một đi xuống. Đợt chấm thi phúc tra vừa qua thấy những người này đáng lẽ không nên cho đi thi, lòng tự trọng rất kém. Bài viết nguệch ngoạc được mấy chữ, người ta chấm dưới điểm trung bình lại còn phúc tra, không biết tự trọng”. Tiếp tục câu chuyện của mình, ông Nguyễn Đình Quyền cho biết thêm: “Khi tôi hỏi thi vấn đáp, rất nhiều giám đốc sở, vụ trưởng không nắm rõ về những nội dung quản lý nhà nước. Đề án thì rất dài nhưng hỏi mấy vấn đề quản lý nhà nước thì không nắm rõ, rất lơ mơ”…
Đối với tôi, những gì ông Quyền nói mới là hiện tượng đáng báo động. Thứ nhất, báo động một thực tế là người thiếu tự trọng và dốt nát vẫn có thể làm đến giám đốc sở hay vụ trưởng. Thứ hai, vẫn còn “một bộ phận không nhỏ” người có chức có quyền, mặc dù “cực dốt, song lại tưởng mình rất giỏi” lại nắm quyền sinh quyền sát trong khâu tuyển dụng.
Với thực tế này, thạc sĩ, tiến sĩ “giỏi” tốt nghiệp ở nước ngoài về không trượt mới là lạ.
Trở lại bài báo mà tôi đọc được, có lẽ anh gì đó cũng không nên kêu ca thái quá như vậy, vì anh trượt thi cũng là điều bình thường, và lỗi là tại anh là chủ yếu chứ không phải là lỗi do nhà tuyển dụng.
***************
P/s: Viết về chủ đề này, tôi mới chỉ đề cập đến 1 khía cạnh nhỏ trong câu chuyện thi công chức. Rất mong nhận được sự góp ý của độc giả, nhất là anh Trịnh Xuân Báu (Baron Trinh).
Khoai@
Tin cùng chuyên mục:
Nguyễn Xuân Diện và sự thật lịch sử về Hải chiến Hoàng sa
Con trai ông Trump nói Tổng thống Zelensky nài nỉ được mời đến buổi lễ nhậm chức
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA