Nhà báo Trần Đăng Tuấn: CÂU CHUYỆN CỦA “NGƯỜI KHỞI PHÁT VÀ LÂY LAN SỰ TỬ TẾ”

Người xem: 239

Không phải ngẫu nhiên mà “Cơm có thịt” của ông lại có sức lan tỏa ra khỏi cả Việt Nam. Không phải bỗng dưng mà không ít người trẻ, sẵn sàng từ bỏ những công việc “đáng thèm muốn” để trở thành một thành viên của “Cơm có thịt”.

**************

Nhà báo Trần Đăng Tuấn sinh ngày 5/10/1957. Ông từng sang Liên Xô du học và Tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov. Ông cũng là tiến sĩ chuyên ngành truyền hình đầu tiên của Việt Nam, được đào tạo tại trường ĐH Tổng hợp Lomonosov và Viện Hàn lâm Khoa học ở Liên Xô.

Từ năm 1996, ông giữ chức Phó tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam. Nhà Báo Trần Đăng Tuấn là một trong những người sáng lập ra kênh truyền hình VTV3, chỉ đạo phát triển kênh truyền hình Khoa học – Giáo dục VTV2, chỉ đạo phát triển dòng phim truyện truyền hình nhiều tập trên VTV. Nhà báo Trần Đăng Tuấn cũng là người trực tiếp thiết kế, chỉ đạo thực hiện những cuộc thi và Gameshow ăn khách nhất trên sóng VTV thời gian trước 2011. Ông cũng là người tiên phong xây dựng cơ chế tự chủ tài chính cho VTV.

Năm 2010, ông xin nghỉ việc ở Đài truyền hình Việt Nam và hiện ông đang giữ chức Tổng giám đốc AVG – Truyền hình An Viên.

Từ cuối năm 2011, ông tích cực tham gia các hoạt động từ thiện giúp trẻ em vùng cao tới trường thông qua chương trình: Cơm có thịt.

Tháng 9/2011, trong một lần ghé thăm trường học nội trú Suối Giàng (Văn Chấn, Yên Bái), nhà báo Trần Đăng Tuấn cùng một số người lập một “dự án” nhỏ để giúp gần hai trăm học sinh ở đây có thêm thịt trong mỗi bữa ăn. 

Hành động của nhà báo Trần Đăng Tuấn nhanh chóng nhận được sự hưởng ứng của cộng đồng mạng. Cuối năm 2011, dự án Cơm có thịt chính thức ra đời. Cho đến 9/2012, tài khoản Cơm có thịt đã nhận được trên 5.000.000.000đ tiền ủng hộ. Sau Suối Giàng, năm 2012 Cơm có thịt lan dần đến gần 50 trường học và giúp được hơn 5.000 em nhỏ.

Tính đến ngày 30/3, tổng số tiền quyên góp cho dự án Cơm có thịt đã đạt con số 27 tỷ 155 triệu đồng. Từ Việt Nam, Cơm có thịt lan rộng đến nhiều quốc gia trên khắp thế giới, đầu tiên là Australia. Cuối năm 2011, “Cơm có thịt” lan tới cộng đồng người Việt ở Mỹ với số tiền quyên góp lên tới gần 11.000 USD.

Không chỉ là nhà làm từ thiện uy tín, Trần Đăng Tuấn cũng là một “hot facebooker” với nhiều tâm thư gây chấn động dư luận. Tiêu biểu là các bức thư gửi Bộ trưởng bộ Giáo dục về chính sách phát triển giáo dục mầm non, tâm thư gửi Tổng Giám đốc hãng tin Nga về bài báo sai sự thật liên quan đến Việt Nam, thư ngỏ gửi Bộ Nội vụ xin thành lập quỹ từ thiện Cơm có thịt.

*****************

Khác với những bài viết trước về các Đại sứ truyền cảm hứng của Wechoice Awards, ở lần này, chúng tôi đã không thực hiện được cuộc phỏng vấn nào với nhà báo Trần Đăng Tuấn. Dù rất cảm ơn độc giả trên khắp cả nước và hội đồng thẩm định đã lựa chọn mình, nhưng bằng một giọng nói nhẹ nhàng, chân thành nhưng kiên quyết, nhà báo từ chối phỏng vấn vì một lí do giản dị: ông không muốn xuất hiện trên các phương tiện truyền thông đại chúng.

Cả cuộc đời làm truyền hình đã khiến ông trở thành một gương mặt nổi tiếng, nhưng giờ đây, ông chọn cách im lặng. Im lặng nhưng bền bỉ khởi phát và lan tỏa lòng tử tế – điều tuyệt vời nhất mà ông đã làm được qua Cơm Có Thịt. Cho nên, dù không thực hiện được kế hoạch đề ra nhưng những lời nói của nhà báo Trần Đăng Tuấn càng khiến chúng tôi thêm nể phục.

Và chúng tôi lựa chọn cách, để những người khác nói về ông, về những giá trị tốt đẹp mà ông đã lan tỏa được. 

“Ông Bụt” của những em bé nghèo vùng cao

Những năm gần đây, nhắc đến ba chữ “Cơm có thịt”, chắc hẳn rất nhiều người biết hoặc chí ít cũng cảm thấy cụm từ ấy có chút gì đó “nghe quen quen”. Miêu tả về quỹ từ thiện của ông, chúng tôi dùng chính phần miêu tả ngắn gọn, nhưng “chạm đến trái tim” – ngay trên fanpage của quỹ:

“Chương trình “CƠM CÓ THỊT” – Để nhiều em bé được ăn cơm ngon hơn, mặc áo ấm hơn… cần nhiều người chung tay, mỗi người một chút, ít thôi nhưng đều đặn!”.

Vào quãng giữa năm 2011, cộng đồng mạng xôn xao vì bài viết “Hôm nay lên Suối Giàng” của nhà báo Trần Đăng Tuấn. Rõ ràng, câu chuyện về cảnh sống nghèo đói ở vùng núi phía Bắc nước mình chẳng còn mới lạ bởi ai cũng biết, ở đó, nhiều em nhỏ chẳng bao giờ được biết mặt con chữ, ăn không đủ no, mặc chẳng đủ ấm. 

Thế nhưng khi viết về những điều tưởng như ai cũng biết ấy, nhà báo Trần Đăng Tuấn vẫn làm thức tỉnh bao trái tim. Ông miêu tả trần trụi những bữa ăn đến cả rau xanh cũng thiếu, mắm muối thì không của các em nhỏ vùng cao.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn – Đại sứ truyền cảm hứng của giải thưởng uy tín We Choice Adwards.

Trở về Hà Nội, nhà báo vẫn mang theo bao trăn trở, nghĩ suy. Ông nhẩm tính, chỉ cần mỗi em có thêm 2.000 đồng/ngày thì bữa ăn sẽ có thêm thịt và giàu dinh dưỡng hơn. Ông nói: “Mình biết nước ta nghèo (nói chung, rất chung thôi). Nhưng có nghèo đến thế không?”. Lời nói ấy như vang vọng vào tâm can người ta, để rồi những chia sẻ của cá nhân ông đã được hàng triệu người hưởng ứng, lan tỏa với tốc độ “chóng mặt”.

Tuy nhiên, nó chỉ thực sự có ảnh hưởng khi ông Tuấn tự bỏ tiền, kêu gọi người thân, bạn bè đi làm từ thiện, giúp cải thiện bữa ăn “thiếu mặn” cho học sinh nghèo vùng cao. 

Một năm sau, tài khoản Cơm có thịt đã nhận được khoản tiền ủng hộ khá lớn. Sau Suối Giàng, Cơm có thịt lan dần đến các vùng khác, đã giúp đỡ hơn 5.000 em học sinh nghèo có những bữa cơm giàu đạm hơn.

Cuối năm 2012, số lượng người ủng hộ cho dự án của ông đã đông tới mức nhà báo phải viết thư ngỏ lên Bộ Nội vụ xin thành lập quỹ từ thiện hoạt động hợp pháp trên phạm vi quốc gia.

Hình ảnh bình dị nhưng rất xúc động khi nhà báo Trần Đăng Tuấn tham gia hoạt động từ thiện giúp các trẻ em vùng cao.

Nhà báo Xuân Ba (Báo Tiền Phong): ông Tuấn làm được cái việc “Khởi phát và lây lan sự tử tế”

“Công cuộc xóa đói giảm nghèo là việc hệ trọng của chính thể và cả hệ thống chính trị Việt Nam. Công việc này thời gian qua đã diễn tiến tốt và gây dấu ấn đẹp đối với công luận cũng như Liên Hiệp quốc.

Chung tay vào công cuộc này cũng như sẻ chia khó khăn với Nhà nước có nhiều Mạnh Thường Quân. Ông Tuấn không phải là Mạnh Thường Quân nhưng đã làm được cái việc khởi phát và lây lan sự tử tế. Dường như ông đã biết khơi dậy phần thiên lương, sự trắc ẩn mà trong mỗi lương dân người Việt, người này thì ăm ắp tràn đầy, người kia thì đương le lói? Có lẽ trong mặt bằng ngổn ngang của lòng người thói đời cùng sự vô cảm đương hoành hành này khác cần lắm những sự nhô nhỉnh sự tử tế như ông Trần Đăng Tuấn”. 

Nhà Báo Xuân Ba: “Ông Tuấn không phải là Mạnh Thường Quân nhưng đã làm được cái việc khởi phát và lây lan sự tử tế. Dường như ông đã biết khơi dậy phần thiên lương, sự trắc ẩn mà trong mỗi lương dân người Việt, người này thì ăm ắp tràn đầy, người kia thì đương le lói?”.


Ông còn dành thời gian hỏi han, chuyện trò cùng các cháu bé, để càng hiểu thêm về những thiếu thốn các cháu phải chiu, đồng thời nhen nhóm niềm tin yêu cuộc sống cho thế hệ trẻ nơi đây.

Phó giáo sư Văn Như Cương: “Nhà báo đã làm được những điều không phải ai cũng làm được. “Để vận động được tất cả những người có tấm lòng cùng chung tay thực hiện dự án từ thiện trong một thời gian dài như thế là không hề đơn giản. Tôi thấy nể anh Tuấn là vì thế. Quả thực Trần Đăng Tuấn đã gây cho tôi những ảnh hưởng nhất định. Rồi đây tôi sẽ tham gia dự án Cơm có thịt như các bạn trẻ khác. Nếu nói tóm gọn lại, tôi xin dùng một từ: CẢM PHỤC”.

NSƯT Kim Tiến: Chuyện ông Tuấn làm “không phải dạng vừa đâu”

Ông Tuấn là một người làm từ thiện thực sự có hiệu quả. “Bất cứ ai có tấm lòng thiện đều rất đáng quý. Tuy nhiên, việc Đăng Tuấn duy trì thành công một chương trình từ thiện quy mô như vậy lại càng đáng quý hơn. Tôi chắc rằng không phải ai cũng làm được như thế. Chuyện ấy “không phải dạng vừa đâu” (cười)” và “Tôi thấy rằng những thế hệ trẻ như Tuấn đã đem đến cho Đài Truyền hình luồng gió, sự phát triển mới và sau này, khi cậu ấy không ở Đài nữa, tôi lại thấy Tuấn mang đến những luồng gió mới cho xã hội, cộng đồng. Điều ấy thật đáng trân trọng”

Anh Nguyễn Mạnh Hiệp cùng cô Anna Fritz, người Đức, tham gia cùng chuyến đi từ thiện lên Sàng Ma Sáo, Bát Xát, Lào Cai ngày 30/3. Cô Anna Fritz là một trong rất nhiều nhà hảo tâm nước ngoài ủng hộ dự án Cơm có thịt ở Việt Nam. Ảnh: NVCC

Thắp lửa và lan tỏa tình yêu thương

Để nói về cái điều tưởng chừng như thật trừu tượng này, chúng tôi tìm đến những thành viên của Cơm Có Thịt. Không phải ngẫu nhiên mà “Cơm có thịt” của nhà báo Trần Đăng Tuấn lại có sức lan toả ra khỏi cả Việt Nam, đến với rất nhiều du học sinh, kiều bào nước ngoài. Không phải bỗng dưng mà không ít người trẻ, sẵn sàng từ bỏ những công việc “đáng thèm muốn” để trở thành một thành viên của “Cơm có thịt”.



Anh Nguyễn Mạnh Hiệp (Thành viên của dự án Cơm có thịt):

Anh Hiệp trước đây từng du học ở Pháp chuyên nghành Quản lý các tổ chức phi chính phủ, sau khi về Việt Nam anh trở thành nhà thiết kế website với thu nhập khá. Nhưng từ khi đi theo nhà báo Trần Đăng Tuấn, quỹ thời gian anh dành cho công việc cứ nhỏ dần còn những chuyến đi làm từ thiện thì cứ mỗi ngày một dài hơn, lâu hơn và điều đó khiến anh thêm trưởng thành.

Ảnh các em học sinh ở trường mầm non Y Tý, Bát Xát, Lào Cai. Ảnh chụp trong chuyến đi từ thiện của Cơm có thịt ngày 30/3. Ảnh: Nguyễn Mạnh Hiệp.


“Cái hay của chú Tuấn là đã lay động được nhiều trái tim thiện nguyện. Từ trong nước, Cơm có thịt lan rộng sang khắp năm châu. Người Việt ở nước ngoài cũng tự đứng lên, thành lập các tổ chức Cơm có thịt rồi kêu gọi tài trợ theo cách của họ, nhưng cuối cùng, tất cả số tiền quyên được đều gửi về Việt Nam.

Chú Tuấn tạo cho tôi những ảnh hưởng thực sâu sắc. Ấn tượng của tôi về chú là một người giàu kinh nghiệm sống và có vốn hiểu biết sâu rộng. Chú làm việc rất khoa học, đó là một vị “sếp” tuyệt vời, vừa biết quản lý tổng thể công việc chung nhưng lại vẫn có thời gian lo liệu mọi thứ nhỏ nhặt nhất. Ở bên chú, làm việc cùng chú, tôi thấy mình hiểu biết nhiều hơn.

“Tôi thực sự rất vui vì công việc mình đang làm. Trước đây tôi từng làm nhiều dự án tình nguyện lớn, nhỏ nhưng không có dự án nào giống như Cơm có thịt của chú Tuấn” – anh Hiệp giãi bày.“Chuyện dành phần lớn thời gian đi làm từ thiện, mỗi người một quan điểm, nhưng với cá nhân tôi, nó thể hiện trách nhiệm của công dân đối với cộng đồng. Như chính chú Tuấn, những gì chú làm đã “cảm hóa” được nhiều trái tim tự nguyện đi làm từ thiện. Tôi cho đó cũng là một động lực của người làm từ thiện”.

Chị Dương Thị Thanh Xuân (thành viên dự án Cơm có thịt):

Biết đến quỹ từ thiện này và tham gia hoạt động, chị Xuân đã mạnh dạn quyết định một ngã rẽ quan trọng trong cuộc đời mình. Sau khi sinh con, chị Xuân mạnh dạn từ bỏ công việc nghiên cứu ở Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam để đi theo nhà báo Trần Đăng Tuấn, làm những công việc từ thiện không hề có một đồng lương.

“Tôi có may mắn được biết bác Tuấn từ lúc bác vẫn còn đương chức ở Đài truyền hình. Bố tôi và bác là chỗ bạn Đại học với nhau. Ấn tượng của tôi trong những lần gặp bác rất khó tả. Tôi chỉ có thể nói đó là một người tốt, tốt một cách thực tâm và rất hiếm gặp trong đời. Từ khi bác Tuấn “nghỉ hưu”, tôi thấy bác tích cực làm từ thiện, cống hiến cho xã hội nhiều hơn. Điều ấy càng khiến tôi vô cùng kính nể.”

Tính đến ngày 30/3, tổng số tiền quyên góp cho dự án Cơm có thịt đã đạt con số 27 tỷ 155 triệu đồng. Đây là dự án từ thiện có sức lan tỏa sâu rộng nhất tại Việt Nam, thu hút nhiều người thuộc mọi lứa tuổi, tầng lớp xã hội tham gia. (Ảnh chụp nàn hình).

Giữa cuộc sống xô bồ, nhà báo Trần Đăng Tuấn như đang viết nên những nốt nhạc lặng thầm nhưng đầy ý nghĩa về lòng tốt của con người. Để rồi, những thanh âm trong trẻo ấy cứ vang xa, vang mãi, lay động hàng triệu trái tim, thổi bùng lên ngọn lửa thiện nguyện trên khắp hành tinh.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *