Nah Sơn – một “thần tượng” rác rưởi

Người xem: 147

Sau thất bại thảm hại của rất nhiều cố gắng lùng sục, tạo dựng tiếng tăm cho những kẻ chống phá đất nước, những ngày gần đây, một số trang tin, diễn đàn của các thế lực thù địch với Việt Nam lại có dịp ồn ào vì “khai quật” được Nah Aka Nguyễn Vũ Sơn, vậy, người này là ai?

Thời gian qua, dẫu chỉ là một “ca sĩ tin đồn” nhưng Nah Sơn – tên thật là Nguyễn Vũ Sơn, lại trở thành “phao cứu sinh” cho BBC, RFA,… cùng một số blog, trang facebook, và được quảng cáo là “hiện tượng trong phong trào đấu tranh dân chủ”! Phải nói rằng sự xuất hiện của Nah Sơn với BBC, RFA là rất đúng lúc, vì hàng chục năm nay, từ BBC, RFA đến mấy blog, trang facebook của các thế lực thù địch, một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí với Việt Nam dù tốn nhiều công sức để chế tạo vài tên tuổi vu vơ, nặc danh thành “đại diện cho giới trẻ Việt Nam”, thậm chí có “nhà dân chủ” phải “giả gái” để tăng “sức nặng” mà vẫn không hiệu quả!

Nah Sơn đến với BBC, RFA bằng một lý lịch hơn hẳn mấy “người hùng” khác, như: “người chơi nhạc rap (rapper) nổi tiếng”, cử nhân đại học về ma-két-tinh ở Xin-ga-po, đang theo học tại Ô-cla-hô-ma (Oklahoma – Mỹ), nhất là lại mang trong mình một “tinh thần chống cộng triệt để”. Và để chứng tỏ, Nah Sơn tung ra một loạt “sáng tác” (nếu đó có thể gọi là sáng tác) mà riêng phần ca từ cũng đủ khiến các “nhà dân chủ thứ thiệt” phải kính nể vì sự bẩn thỉu, tục tĩu. Ðội lốt nghệ thuật, Nah Sơn công bố trên internet một số sản phẩm với nội dung thể hiện qua một thứ văn vần nhai lại những lời lẽ cũ rích mà mấy tổ chức, diễn đàn thù địch với Việt Nam truyền bá lâu nay. Nhưng như vậy cũng đủ giúp Nah Sơn có mặt trong talkshow trên truyền hình SBTV của một số kẻ ở Mỹ luôn lấy chống phá Việt Nam làm công việc thường ngày, trở thành nhân vật của mấy bài viết trên BBC, RFA,… Nếu thật sự là một “rapper nổi tiếng” như chính Sơn tự nhận thì sự có mặt của anh ta trên internet không phải là điều lạ, nhưng đáng ngạc nhiên là nhiều bình luận trên các diễn đàn internet lại không biết… Nguyễn Vũ Sơn là ai?!

Tìm hiểu kỹ thì hóa ra, trái với những gì mà mấy địa chỉ truyền thông chống cộng quảng cáo, Nguyễn Vũ Sơn chỉ là một “ca sĩ tin đồn”. Anh ta tham gia ca hát từ khi còn trẻ, nhưng là ca hát trong giới “rap ngầm” (Rap Underground) tại Việt Nam. Cộng đồng nhạc rap ở Việt Nam vốn khá khiêm tốn so với cộng đồng nhạc pop, mà người nghe “rap ngầm” ở Việt Nam thì còn ít ỏi hơn nhiều, vì thế việc Nah Sơn tự ngợi ca mình nổi tiếng nhưng không mấy ai biết tên, biết mặt đã trở thành sự lố lăng mà người có liêm sỉ không bao giờ làm. Về âm nhạc, đáng chú ý là sau khi du nhập, phần lớn người chơi nhạc rap ở Việt Nam đều ý thức được rằng, rap là một thể loại âm nhạc, không phải là công cụ tuyên truyền chính trị. Nhưng giống như nhiều rapper ở hải ngoại là dân anh chị, hoặc là kẻ nuôi lòng hận thù với Ðảng và Nhà nước Việt Nam, Nguyễn Vũ Sơn không ý thức được điều này. Ðể “nổi tiếng” và sớm có vai vế, Sơn chọn VietDragon (viết tắt là VD, tên thật là Tommy Truong, một rapper Việt kiều tại Ô-xtrây-li-a) làm “thầy”. Nhưng Nah Sơn không học được gì từ rapper tai tiếng này ngoài tính du côn và suy nghĩ méo mó. Ðồng thời, Nah Sơn cũng sớm lộ rõ bản chất một kẻ kém tài, nhiều thủ đoạn. Anh ta ăn cắp lời bài hát tiếng Anh trong một số nhạc phẩm quốc tế, rồi tung ra các clip rap tiếng Anh. Không chỉ vậy, Sơn còn “tài năng” hơn một vài rapper trẻ ở khoản ăn cắp nhạc nền (beat), nói cách khác là lợi dụng việc mượn beat là công việc phổ biến của các rapper, Sơn bê nguyên nhiều đoạn beat hay của người khác về sử dụng mà không có bất kỳ biến tấu nào. Việc làm dối trá này không qua mắt được các rapper khác. Bị phát hiện, Nah Sơn tuyên bố bỏ rap, nhưng chỉ được một thời gian anh ta lại quay trở lại. Và có lẽ để người khác quên tiền án ăn cắp, Sơn quay sang chỉ trích VietDragon. Nguyên do là lúc bấy giờ một số rapper Việt Nam muốn chuyển sang dòng nhạc thị trường, một số người như VietDragon đã sử dụng những bản Gangz, Dizz (dòng rap chuyên nhằm khích bác, mỉa mai) để phản đối. Vì bắt đầu kinh doanh nên khi thấy “thầy” cản trở mình, Sơn liền lao vào trận “đấu võ mồm” đầy tai tiếng với giới “rap ngầm”. Cãi không lại VietDragon, Nah Sơn dùng thủ đoạn vạch áo cho người xem lưng, bằng cách phô ra một số thói hư, tật xấu của “thầy”. Không dừng ở đó, anh ta còn thể hiện thói hung hãn khi dằn mặt một số rapper đã ủng hộ VietDragon. Nhưng “thầy” của Nah Sơn cũng không phải tay vừa. VietDragon và một số rapper khác liền lôi hết thành tích bất hảo của Sơn ra kể: nào là ăn cắp nhạc, nào là lừa người yêu, nào là nghiện hút, ăn gian nói dối với nhiều rapper khác để nổi tiếng, rồi nói xấu bạn hữu, tiêu pha bạt mạng tiền bạc của gia đình nhưng lại khoe mẽ là “triệu phú”… Ðể tỏ ra quân tử, Nah Sơn đã tuyên bố chấm dứt đấu khẩu, nhưng những người nghe nhạc “rap ngầm” đều hiểu anh ta đã thua cuộc!

Dù công việc làm ăn ế ẩm, Sơn vẫn tự huyễn hoặc mình nổi tiếng hơn một số người làm nghề kinh doanh đĩa nhạc. Hồi rapper Karik (Phạm Hoàng Khoa) bắt đầu được chú ý, Sơn quay sang mạt sát, thóa mạ là người chạy theo dòng nhạc thị trường. Vậy nhưng năm 2013, Nah Sơn lại gia nhập Trung tâm Làng văn (một công ty âm nhạc của người Việt ở Mỹ). Cuối năm 2014, trong một lần về Việt Nam, Nah Sơn kết hợp với một số rapper, trong đó có Karik, làm clip âm nhạc có tên là Làm việc nước. Nội dung của bài hát trong clip này là sự phê phán chung chung, nhưng khi Làm việc nước ra đời, Nah Sơn lại nhanh chóng xuyên tạc, cố tình biến thành một sản phẩm để chống phá Ðảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Việt Nam. Kết hợp với một vài rapper khác, Nah Sơn đang tâm bán đứng những rapper còn lại như Karik, Rap Soul và Andree (An-đrê). Tuy không nói ra, nhưng người nghe nhạc rap ở Việt Nam cũng như những người biết về sự kiện này đều có thể đặt câu hỏi: Phải chăng Nah Sơn định hạ bệ ba người kia để trở thành “ngôi sao” trong làng nhạc rap?! Và ở đây, có lẽ buồn nhất là Karik. Trên trang facebook cá nhân, ngày 27-12-2014, Karik viết: “Tất cả thành viên một group ban đầu thống nhất là làm chung một track để có cái kỷ niệm với nhau và giải trí là chính chứ không phải là để đi sâu vào vấn đề chính trị, cho nên tất cả những điều bạn phổ biến và kêu mọi người làm theo là bất khả thi vì nó hoàn toàn trái ngược với những gì chúng ta đề ra ban đầu”. Một người khác là Andree cũng viết những dòng tương tự: “Nếu em muốn sản phẩm làm chung này theo mục đích của cá nhân em thì tốt nhất em nên nói ngay từ đầu (…) Những hình ảnh liên quan đến sản phẩm này cắt anh ra vì không theo mục đích của anh”. Một rapper đàn anh là G.Li (J.Lee) thì nhận xét trong bài hát viết cho Nah Sơn: “Em đưa vào nhạc Rap để kêu gọi lòng nhân đạo? Hay là dùng nó châm ngòi cho những việc làm tào lao”. Tuy nhiên, Nah Sơn tảng lờ như không biết gì đến tâm tư của các đồng nghiệp, anh ta vẫn tiếp tục xuyên tạc bài hát theo ý đồ xấu.

Tiếng là cử nhân đại học và hiện đang theo học tại một trường đại học ở Mỹ, nhưng Nah Sơn cư xử như một kẻ thiếu văn hóa, và thiếu cả những tri thức tối thiểu. Ngoài việc gieo vần, đọc những chữ hỗn tạp, tục tĩu mà anh ta cho là nghệ thuật, các “sản phẩm” tự chúng nói lên sự hiểu biết nông cạn về chính trị, lịch sử Việt Nam. Sơn đã tự chứng tỏ mình là một chiếc máy phát chỉ biết tuôn ra những gì được nhồi sọ, cùng với sự hoang tưởng muốn “làm việc nước” (như tên một facebook page và một bài hát mà anh ta tham gia) ngày càng lộ rõ. “Làm việc nước” của Nguyễn Vũ Sơn là chỉ bó gọn trong việc kêu gọi treo hình đầu lâu lên ảnh đại diện (avatar) facebook, viết những lời chửi tục lên tiền giấy và khu vực công cộng, đòi tự do sử dụng vũ khí để thoải mái đâm chém, hút cần sa, ma túy tổng hợp, cốt để… bán thật nhiều áo. Từ đầu chí cuối, bán áo có in hình đầu lâu Zombie Nguyễn và vài logo khác có vẻ là đích cuối cùng của Nah Sơn. Một mặt, Sơn và đồng bọn kêu gọi mua áo là tiếp thêm sức mạnh cho “phong trào đấu tranh” trên bàn phím (!); mặt khác, mấy người này cố tình bán áo với giá cao bằng lời quảng cáo đây là áo có nguồn gốc, chất liệu từ Mỹ! Nhận thấy phong trào ngày càng thêm phi lý, đậm màu vụ lợi, nhiều bạn trẻ từng ủng hộ Nah Sơn đã lên tiếng phản đối, nhất là phản đối việc kích động đòi tự do sử dụng cần sa, vũ khí. Không rõ từ khi khởi đầu phong trào, Nah Sơn đã bán được bao nhiêu áo để “làm việc nước”, nhưng có lẽ “đâm lao phải theo lao”, nên Nah Sơn và mấy kẻ chung chí hướng càng dấn sâu vào sự bỉ ổi. Bằng chứng gần nhất là họ sử dụng photoshop để chỉnh sửa một số bức hình có nội dung chống phá Nhà nước Việt Nam rồi công bố để đánh lừa người xem!

Mới đây, ngày 18-2, sau khi bị cộng đồng rap và nhiều người phản ứng dữ dội, Sơn tuyên bố: “Tôi xin lỗi, tôi đã sai”, nhưng đọc cái gọi là “15 mảng tối cuối cùng của Nah” vẫn thấy thiếu vắng bóng dáng của sự chân thành. Trong vô số ý kiến phản đối, người có nick Nguyễn Bảo khuyên anh ta “nên tập trung học tập, làm ăn để phát triển đất nước”, thiết nghĩ đó là lời khuyên chí tình và Nah Sơn nên tham khảo. Qua chuyện Nah Sơn và sự tung hô của BBC, RFA,… có thể thấy nếu không tỉnh táo mà hoang tưởng, để bị kẻ xấu lôi kéo thì một người trẻ tuổi có thể sa ngã như thế nào. Cũng qua đây, BBC, RFA,… đã tự chứng tỏ sự bất chấp liêm sỉ của các cơ quan truyền thông này. Ðáng nói hơn, khi phải dùng đến những thứ rác rưởi để chống phá Việt Nam, thì BBC, RFA,… cũng đã tự chứng minh sự bất lực của họ.

Sơn Hoàng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *