Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam sẽ tiếp tục đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững
(HQ Online)- Chính phủ Việt Nam đang xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020 với mục tiêu tổng quát là: Kiên định, nhất quán và quyết tâm xây dựng một đất nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, hòa bình, độc lập, tự chủ, dân giàu, nước mạnh, công bằng, văn minh.
Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy của các quốc gia và là thành viên tích cực, xây dựng của cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ tiếp tục đưa nền kinh tế phát triển nhanh, bền vững trong thể chế kinh tế thị trường ngày càng hoàn thiện và chủ động hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Phát triển kinh tế phải đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường và bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh của đất nước.
Để thực hiện mục tiêu nêu trên, Việt Nam sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chính sách, trong đó có 5 nhóm chính sách và giải pháp chủ yếu sau:
Một là, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa hiện đại, năng động và hiệu quả. Cùng với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, Việt Nam sẽ chủ động đẩy nhanh và hiệu quả tiến trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Chúng tôi sẽ thực hiện đầy đủ các quy luật của kinh tế thị trường, nhất là thực hiện cơ chế giá và phân bổ nguồn lực.
Hai là, Việt Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu với mục tiêu là nâng cao nhanh hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Chúng tôi coi đây là một nội dung có ý nghĩa rất quyết định đối với phát triển bền vững của Việt Nam. Tái cơ cấu kinh tế được tiến hành đối với toàn bộ nền kinh tế, cả khu vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ.
Ba là, Việt Nam sẽ bổ sung chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn nữa các thành phần kinh tế, cả trong nước và ngoài nước đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng, cả hạ tầng kinh tế và xã hội, bao gồm cả hệ thống giao thông, điện, năng lượng, xử lý môi trường, bệnh viện, trường học…, trong đó khuyến khích mạnh hình thức đầu tư công tư (PPP). Chính phủ Việt Nam cũng sẽ tiếp tục dành nguồn lực thỏa đáng, đồng thời với thực hiện cơ chế thị trường để đầu tư phát triển nhanh y tế, giáo dục, nhất là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động và nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp.
Bốn là, Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện thể chế nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân; xây dựng một Nhà nước kiến tạo phát triển và quản trị quốc gia hiệu lực hiệu quả; một Nhà nước trong sạch, vững mạnh, ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng; bảo đảm và phát huy quyền dân chủ trực tiếp của người dân cũng như quyền dân chủ của người dân thông qua các tổ chức tự nguyện và hợp pháp của mình.
Năm là, Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường ngày càng vững chắc về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đảm bảo môi trường sống an toàn, bình yên của mọi người dân. Việt Nam kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền quốc gia, theo đúng luật pháp quốc tế.
Lược ghi phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2014, tổ chức tại Hà Nội, ngày 5-6-2014
Nguồn: Báo Hải Quan
Tin cùng chuyên mục:
Phiên tòa xét xử Lưu Bình Nhưỡng: Sự thật và những luận điệu xuyên tạc
Chuyện quý bà và ‘soái ca nước yến’
TikToker say rượu, đi ngược chiều, livestream thách thức CSGT khi bị kiểm tra
Không thể đổ lỗi cho đèn tín hiệu giao thông khi vi phạm luật