SỰ TRỖI DẬY CỦA CHỦ NGHĨA BÀI DO THÁI Ở CHÂU ÂU

Người xem: 131

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa bài Do Thái ở châu Âu

Nguồn: Shlomo Ben-Ami, “In Defence of the Jews, Again”, Project Syndicate, 2/2/2015.

Biên dịch: Vũ Trọng Toàn | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Bất chấp ấn tượng được tạo ra bởi những cuộc mít-tinh thống nhất đông đảo trên khắp nước Pháp, cuộc tấn công gần đây đối với tạp chí châm biếm Charlie Hebdo không có nghĩa là tự do ngôn luận đang bị đe dọa nghiêm trọng ở Tây Âu. Điều này cũng không biểu thị rằng chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan bằng cách nào đó sắp nhấn chìm hoặc biến đổi xã hội phương Tây. Mối đe dọa thực sự mà cuộc tấn công làm nổi bật lại là một vấn đề ít được công khai: sự hồi sinh của nạn phân biệt đối xử và bạo lực đối với người Do Thái ở châu Âu.

Charlie Hebdo – vết tích cuối cùng của trào lưu tranh biếm họa tục tĩu và có phần độc ác (savage) đối với các nhân vật chính trị và tôn giáo ở Pháp vào thế kỷ 19 – có thể là một biểu tượng hoàn hảo của sự tự do ngôn luận. Những người châu Âu đã nổi dậy để bảo vệ những nguyên tắc cơ bản, và sự tự do ngôn luận dù có ương ngạnh đến mấy vẫn có một chỗ đứng ở bất kỳ một nền dân chủ nào.

Tương tự, “Eurabia” (Ả-rập hóa châu Âu – NBT), lời tiên tri của Bat Ye’or về tương lai Hồi giáo hóa đối với Phương Tây, không phải là một vấn đề đáng bận tâm. Không đảng Hồi giáo nào nắm giữ ghế ở trong các nghị viện châu Âu, rất ít các nhân vật lãnh đạo Hồi giáo nổi bật tại các trung tâm quyền lực chính về tôn giáo và chính trị ở châu Âu; và trên thực tế các tổ chức của liên minh Châu Âu cũng cơ bản vắng bóng người Arab và người Hồi giáo.

Các nỗ lực của những người cực đoan để tuyển mộ và truyền giáo đối với những tín đồ Hồi giáo trẻ ở Châu Âu không phản ánh sự phát triển vững chắc của chủ nghĩa Hồi giáo – hoặc thậm chí là sự ảnh hưởng của Hồi giáo ở châu Âu. Đúng hơn là, chúng phản ánh sự mong muốn vô cùng tận của những người cực đoan trong việc tạo ảnh hưởng lên một khu vực nơi mà đa số những người Hồi giáo khao khát được hòa đồng, hơn là thách thức những trật tự đã được thiết lập.

Đối tượng thực sự bị đe dọa ở châu Âu là cộng đồng người Do Thái của nó. Trong năm 2006, một người Do Thái ở Pháp là Ilan Halimi đã bị bắt cóc và tra tấn dã man trong một hầm chứa suốt 3 tuần, dẫn đến cái chết của anh ta. Năm 2012, 3 học sinh và một giáo sĩ Do Thái bị bắn hạ ở Toulouse. Và tháng tư gần đây, một cặp đôi Do Thái ở một quận Paris đã bị cướp bởi vì những kẻ tấn công cho rằng “người Do Thái chắc chắn phải có tiền” (mặc dù điều này chẳng giải thích được tại sao sau đó chúng hiếp dâm người phụ nữ). Một tháng sau đó, một phần tử jihad Hồi giáo ở Pháp tấn công một bảo tàng Do Thái ở Brussels, khiến 3 người chết và 1 người bị thương nặng. Một vài tháng sau đó, một đám đông tấn công một giáo đường Do Thái ở Paris.

Không có sự kiện nào nêu trên tạo ra bất cứ một cái gì đó có chút tương đồng với sự giận dữ của công chúng trong những tuần gần đây. Nếu vụ giết 4 người Do Thái ở một siêu thị bán đồ ăn kiêng cho người Do Thái (kosher) ở Paris – vốn được tiến hành bởi một tên đồng đảng với những kẻ đã tấn công Charlie Hebdo trước khi chúng bị bắt – diễn ra trong những bối cảnh khác, thì ta có thể đoán rằng điều này sẽ không thổi bùng lên một phong trào rộng lớn để bảo vệ những giá trị của Cộng hòa Pháp như vậy.



Một vài người có thể lập luận rằng làn sóng bạo lực bài Do Thái ở châu Âu được khuấy lên chủ yếu bởi những người Palestine. Nhưng, theo một cuộc khảo sát năm 2012, nhiều người châu Âu tin rằng những cuộc bạo lực bài Do Thái được tiếp sức bởi thái độ bài xích Do Thái đã tồn tại từ lâu đời, hơn là cảm xúc bài Do Thái nhất thời.

Người Hồi giáo cực đoan truyền bá lòng căm thù đối với người Do Thái từ trước khi chủ nghĩa phục quốc Do Thái ra đời rất lâu, và nó sẽ tiếp tục như vậy kể cả sau khi một nhà nước Palestine ra đời. Căn cứ vào đó, chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu sự phổ biến ngày càng tăng của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan làm khuấy lên bạo lực đối với người Do Thái bằng cách thu hút sự chú ý của những người Hồi giáo trẻ tuổi đang tuyệt vọng ở châu Âu và các nơi khác.

Nhưng vấn đề còn nằm sâu hơn nữa, tạo cho người Do Thái cảm giác mạnh mẽ rằng họ sẽ không có tương lai ở châu Âu. Một cuộc khảo sát của YouGov gần đây chỉ ra rằng một phần lớn dân số Pháp và Anh chia sẻ quan điểm bài xích Do Thái. Một cuộc khảo sát khác, được thực hiện bởi Trung tâm Nghiên cứu về Định kiến ở Đại học Warsaw, chỉ ra rằng trong năm 2013, 63% người Ba Lan tin rằng người Do Thái âm mưu kiểm soát hệ thống ngân hàng và truyền thông của thế giới.

Điều này gây nên những tác động nghiêm trọng không chỉ đối với người Do Thái, mà đối với toàn bộ châu Âu. Như Hannah Arendt chỉ ra 6 thập niên trước đây, sự nổi lên của phong trào bài Do Thái thúc đẩy châu Âu rơi vào tay chế độ độc tài. Với việc những nhà cực đoan cánh hữu và các phong trào dân túy giành được ủng hộ ở nhiều nước châu Âu, hệ thống chính trị châu Âu – cùng các giá trị nền tảng của nó – đang ở bên bờ vực nguy hiểm.

Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã nhận ra được mối đe dọa này. Trong một bài phát biểu gần đây ở Quốc hội trong đó khơi gợi lại sự phê phán của Emile Zola đối với sự “ngu muội mù quáng” của lòng căm thù Do Thái 120 năm trước đây, ông đã hỏi: “Làm sao mà chúng ta có thể chấp nhận được tiếng hét “Người Do thái chết đi!” có thể được nghe thấy ở đâu đó trên những con phố nước Pháp? Làm sao mà chúng ta có thể chấp nhận được việc người Pháp lại bị giết bởi vì họ là Do Thái?” Sau đó, ông cảnh báo rằng sự phục hồi của chủ nghĩa bài Do Thái ở Pháp – ví dụ như trong sự phản đối việc đưa nạn tàn sát người Do Thái (Holocaust) vào trong các chương trình học ở Pháp – biểu thị một sự khủng hoảng của nền dân chủ.

Nhưng Valls vẫn là chính trị gia châu Âu duy nhất nhấn mạnh về sự nguy hiểm đó với một cảm giác cấp bách mà vấn đề đó xứng đáng nhận được. Đã đến lúc những đồng nghiệp của ông ta phải đứng lên (phản đối tư tưởng bài Do Thái – NBT), và làm như vậy không có nghĩa là loại trừ những chính sách cứng rắn nhằm ảnh hưởng lên chính sách của Israel đối với Palestine.

Cùng lúc đó, sẽ là ảo tưởng nguy hiểm nếu truy tìm giải pháp cho một vấn đề đã ăn sâu trong lịch sử châu Âu – và trong cả lịch sử của Hồi giáo – bằng cách đổ lỗi lên cuộc xung đột Israel – Palestine hoặc lên những người Hồi giáo trẻ tuổi bị cô lập. Những người châu Âu phải có một cái nhìn nghiêm khắc về chính họ nếu họ muốn tránh rơi trở lại nanh vuốt của sự sợ hãi, căm thù và nền chính trị đầy kinh sợ.

Shlomo Ben-Ami, cựu Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Israel, hiện đang là Phó Chủ tịch của Trung tâm Hòa bình quốc tế Toledo. Ông là tác giả của cuốn, Scars of War, Wound of Peace: The Israeli-Arab Tragedy.

– See more at: http://nghiencuuquocte.net/2015/02/08/su-troi-day-cua-chu-nghia-bai-thai-o-chau-au/#sthash.XtdzSjMd.dpuf

Nguồn: Nghiên cứu quốc tế

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *