Cuộc trùng phùng của Tướng công an và nhà báo đi tù thời “hậu PMU18”

Người xem: 192

Một Thế Giới

Tướng phạm xuân quắc và nhà thơ Nguyễn Việt Chiến

Sau 4 năm, chúng tối mới gặp lại nhau. Vị tướng già tưởng chừng đầu không thể bạc thêm được nữa sau vụ án PMU18, đón khách vào thăm ngôi nhà nhỏ của ông nằm trong vườn cây trái xum xuê của xứ vải Thanh Hà, Hải Dương xưa.

Ngày gặp lại

Lâu rồi, mới đây, tôi và một số nhà báo về thăm tướng Phạm Xuân Quắc- người hùng khét tiếng một thời từng vào Nam ra Bắc truy quét các băng nhóm xã hội đen lớn nhất đất nước cách đây hơn chục năm về trước. Sau vụ án “hậu PMU18” xảy ra vào năm 2008, liên quan đến tướng Quắc và một số nhà báo, trong đó có tôi, giờ đây dư luận đã yên ắng trở lại. Năm tháng và thời gian dường như đã làm xong cái chức năng hàn gắn và làm se lại vết thương nơi hồn người. Sau thời gian hoạn nạn ấy, tôi trở về công tác ở Báo Thanh Niên và lại ngập đầu trong công việc thường nhật cùa báo chí, văn chương. Còn tướng Quắc thì về quê ở ẩn tại Thanh Hà, Hải Dương, quanh quẩn với cháu con và vườn tược. Tuy từ Hà Nội tới Hải Dương chỉ cách nhau có một thôi đường dăm giờ xe chạy, nhưng cũng phải mất tới 4 năm… tôi mới đi hết quãng đường ấy để tới gặp ông, vẫn biết là ông đã gửi lời trách cứ qua bạn bè: “Thằng Việt Chiến từ vài năm nay hẹn về thăm mình mấy lần mà lần nào cũng lỡ hẹn…”

Hôm ấy, qua liên lạc điện thoại, biết chúng tôi đang chạy xe từ Hà Nội về chơi, tướng Quắc ngồi chờ đợi cả buổi sáng trên thềm nhà, hướng mặt ra cổng ngóng bạn. Ông trải chiếu sẵn trên hè, pha chè chờ khách. Vẫn cái vóc dáng cao to, lực lưỡng của một “lão nông tri điền” đeo hàm cấp tướng, ông Quắc luôn là một ấn tượng đẹp trong nhiều ông tướng thời nay. Ngôi làng nơi ông sinh ra và lớn lên có lẽ là một trong những ngôi làng đẹp và sạch nhất của xứ Thanh Hà, Hải Dương. Trong màu xanh mát lành của thôn dã, vẻ yên bình thanh khiết nơi quê kiểng đã làm hồn người trở nên thư thái và tĩnh tại lạ thường.

Khi chúng tôi xuống xe, tiếng cười ấm áp rước chúng tôi vào nhà. Buổi trưa hôm ấy, mới thật tay bắt, mặt mừng trong vòng tay bè bạn ấm áp. Cuộc đời mới thật thú vị làm sao khi chúng tôi bỏ lại sau lưng mọi nỗi niềm thế sự trước đó để được vui vẻ bên nhau trọn buổi. Chẳng ai bảo ai trong ngày gặp lại, tôi và tướng Quắc hôm ấy dường như rất ít khi gợi lại quá khứ và cũng không muốn khơi lại nỗi đau đã qua. Bốn năm mới gặp lại nhau, bạn bè một thuở hoạn nạn, cay đắng có biết bao điều muốn nói, nhưng không hiểu vì sao hôm ấy, chúng tôi cười cợt nhiều hơn tự lự, u ẩn và vui vẻ, hồn nhiên nhiều hơn là đăm chiêu, trăn trở. Mấy nhà báo đi cùng hôm ấy, chắc cũng không hiểu vì sao tôi và tướng Quắc lại cười nhiều đến thế, có lẽ đấy là niềm vui của ngày gặp mặt.

Sau đó, trong lúc mọi người chuyện trò, tôi lặng lẽ ngắm ông, ngắm cái thần sắc ngày nào của một vị tướng cầm quân đánh Nam, dẹp Bắc rồi bị lâm trận vào cuối đời. Cũng vẫn như thế, thần thái chẳng có gì khác xưa là mấy. Nếu có khác, đấy là vẻ yên bình thanh thản sau một thời trận mạc dữ dội còn đọng lại trên gương mặt ông. Chỉ có mái tóc bạc đến lạ lùng mang phong cách riêng của ông. Nó cứ phất dựng lên như những ngọn lau bạc xóa, heo hút nơi đầu nguồn sông dữ, nơi con người phải đối mặt với thiên nhiên hiểm trở và hoang dại. Tôi thích những ngọn lau ấy, những ngọn lau đã cùng Đinh Bộ Lĩnh phất cờ dựng nên một triều đại huy hoàng cách đây cả ngàn năm.

Một độc giả thơ đặc biệt

Trong lúc hàn huyên với nhau, tôi thấy tướng Quắc rất kính trọng khi nói về danh tướng Nguyễn Hữu Cầu (tức Quận He) vang bóng cách đây gần 300 năm. Quê của tướng Quắc cũng là quê của Nguyễn Hữu Cầu, thủ lĩnh của một cuộc khởi nghĩa nông dân Đàng Ngoài lớn vào giữa thế kỷ 18. Theo Wikipedia tiếng Việt, Nguyễn Hữu Cầu là người làng Lôi Động, xã Tân An, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương, xuất thân trong gia đình nông dân nghèo, có tài cả văn kiêm võ, lại bơi lội rất giỏi và hùng dũng nên được gọi là Quận He (tên một loài cá ở biển Đông). Cuộc khởi nghĩa nông dân của Quận He đã làm chấn động xứ Bắc Hà thời vua Lê, chúa Trịnh. Theo dân gian truyền miệng ở Đồ Sơn, hội chọi trâu có liên quan đến khởi nghĩa quận He. Tương truyền khi Nguyễn Hữu Cầu mang quân về đây, dân trong vùng mang 3 con trâu ra khao quân. Quận He định làm thịt 3 con trâu để khao quân thì bất ngờ chúng xông vào húc nhau. Quân sĩ của ông và nhân dân kéo nhau tới xem. Từ đó hằng năm nhân dân vùng Đồ Sơn thường mở hội chọi trâu để tưởng nhớ Nguyễn Hữu Cầu. Ngày nay, tại quê hương của Quận He, giữa cánh đồng Chàng làng Đồng Nổi, gần sông Ngựa Lồng (Tân An, Thanh Hà, Hải Dương), có miếu Quận đây chính là mộ của cha ông, nơi phát tích của quận He, trong miếu cố bia ghi: “Tiên triều Ninh Đông vương phát tích mộ”. Đình Lôi Động thờ tam vị thành hoàng trong đó có quận He, hằng năm vào ngày 11-13/3 Ám lịch tổ chức lễ hội. Kể lại câu chuyện về Quận He trên chính quê hương ông, tướng Quắc rất tâm đắc với hình ảnh vị danh tướng nông dân lừng lẫy thuở nào.

Dẫn chúng tôi ra thăm gần chục sào vườn trồng vải, trồng nhãn, đào ao thả cá của gia đình ông, tướng Quắc cho biết: Tuy hằng ngày ở cùng con cháu ở thành phố Hải Dương, nhưng tuần nào ông cũng về Thanh Hà chăm chút vườn tược. Mùa vải chín, ông trở thành một lão nông thực sự, suốt ngày tất bật làm lụng cùng con cháu, ông cho biết, vải vườn nhà mỗi kỳ thu hoạch dăm tấn quả, đều dành phần ngon nhất bán cho anh em ở các đơn vị công an trước đây ông từng công tác, họ đánh xe về lấy, cổ lần vài tạ vải. Vậy là trong thú vui điền viên cuối đời của tướng Quắc có niềm vui của một lão nông thanh sạch. Trong buổi gặp mặt hôm ấy, có một người, phụ nữ lặng lẽ, khiêm nhường đứng sau mọi chuyện, đó là bà vợ của ông. Ông khen vợ: “Thời trẻ bà ấy là hoa hậu của làng, còn những năm tháng bất trắc vừa qua, bà ấy là điểm tựa che chở vững chãi của đời tôi!”.

Trong bữa cơm trưa thân mật hôm ấy, ông bảo con cháu ra vườn đào mấy gốc củ chuối lên để làm món đặc sản “lươn om chuối đậu” của quê ông cho chúng tôi ăn. Bữa cơm quê với rượu nếp quê ngâm thuốc làm mọi người hứng khởi hẳn lên. Tôi thật bất ngờ khi thấy tướng Quắc hào hứng nói về bài thơ “Tổ quốc nhìn từ biển” của tôi có tới 5 nhạc sĩ phổ nhạc. Ông bảo: “Mình rất tự hào khi xem Đài truyền hình VTV1 phát hình ảnh Việt Chiến đọc bài thơ ấy cùng với bản nhạc phổ thơ Tổ quốc nhìn từ biển. Đây không phải chỉ là ý kiến của riêng mình đâu nhé! Rất nhiều người thích bài thơ ấy của cậu. Một bài thơ tuyệt hay. Có lẽ thơ về đề tài bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nưđc hôm nay, đấy là một trong những bài hay nhất”.

Lúc ấy, tôi thật sự xúc động nhưng muốn giấu đi nỗi niềm này. Sau bữa cơm, mọi người ra hiên nhà uống nước. Tôi lẳng lặng lấy trong túi xách tập thơ mới in của mình, đề tặng tướng Quắc và gia đình. Cầm tập thơ của tôi trên tay, ông lần giở ngay trang thơ in bài Tổ quốc nhìn từ biển đọc lên cho mọi người cùng nghe. Thật lạ lùng, trong âm sắc hào sảng thường thấy của giọng nói ông, tôi chợt nghe thấy sự ngâm nga, đồng điệu của một người yêu thi ca thật sự. Có lẽ đây một độc giả thơ đặc biệt tôi được gặp trong đời thơ của mình. Tôi đã từng đọc bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển của mình trước nhiều ngàn độc giả khắp trong Nam ngoài Bắc, nhưng chưa bao giờ tôi có được cái cảm xúc như buổi trưa hôm ấy khi cùng đọc lại bài thơ này với tướng Phạm Xuân Quắc trên chính quê hương ông. Tôi tâm sự với ông, đây là bài thơ đầu tiên tôi viết sau chuỗi ngày hoạn nạn, và chính tôi cũng không ngờ tình yêu Tổ quốc trong bài thơ này đã nhận được sự đồng cảm tri ân của hàng triệu độc giả trong và ngoài nước. Buổi trưa hôm đó, tôi còn đọc cho tướng Quắc nghe một số bài thơ khác, nhưng tôi biết âm vang của những câu thơ: “Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển/ Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng/ Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa/ Trong hồn người có ngọn sóng nào không” trong bài thơ Tổ quốc nhìn từ biển vẫn đang còn dậy sóng trong tâm hồn những người dân yêu nước như ông.

Chia tay với mấy nhà báo, tướng Quắc dặn: “Thôi đừng viết gì nhé, thi thoảng nhớ nhau về đây chơi là quý hóa lắm rồi!”. Tôi ra về, mang theo nụ cười hồn nhiên trên gương mặt hồn hậu, dân dã của ông và hình ảnh mái tóc bạc xóa như ngàn lau đầu nguồn sông cả.

Nguyễn Việt Chiến
Theo Công lý & Trái tim

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *