Phọt Phẹt: Liền bà xứ ta – Từ A đến…Á # 1
Tôi chưa thấy ở đâu liền bà lại khổ như ở xứ ta. Cái khổ như mang tính định mệnh, di truyền và nghiệp chướng. Thời bình thì Nho nhe đè nặng, thời chiến đao súng oằn vai. Thái lai một chút thì nảy nòi ra dăm bà số má, tỉ như Hương Hồ, Điểm Đoàn…, nhưng chung lại cũng toàn phường liễu đào thấp kém, cấm có thấy ai danh giá phi phàm. Là tôi trừ ra những liền bà vô song vô đối như Triệu Ẩu, Trưng Trắc – Trưng Nhị hay bà Lê Chân…Không phải họ quá cao siêu mà tôi rào chắn, mà bởi thương cảm cái việc đã gánh vác công cuộc nước nhà thay cho đấng nam nhi đang ỉ i khóc hận.
Luận về liền bà thời có nhiều thuyết và diễn giả lại đông như lông lươn. Đừng chê tôi nói láo là lươn có lông. Sự thật là chúng không lông nhưng vì một phép ví von tròn chặn mà tôi nói ra nhẽ đó. Có hề gì, cứ nghĩ là phi lý nhưng nói đi nói lại nhiều lần bởi mồm nhiều người thì thành chân lý thôi, tuy có đôi chút khôi hài. Đức này thì người xứ ta thánh lắm, nhất là những tinh tú mưng mủ bề trên. Tất nhiên là không được hài hước như tôi, có cảm giác là họ nói lấy được, nói như đúng rồi. Thế mới tài chứ lại.
Ơ mà đấy, đương luận về liền bà lại ra bát nháo. Cơ mà biết luận gì bây giờ. Thôi thì tôi kể chuyện vậy, chuyện về những liền bà xứ ta, từ A tới…Á. Các bạn đọc rồi tự rút phép mà luận cho mình. Chứ tôi lô – gic linh tinh, luận một lúc là lộn gằm lập tức. Nết xấu nhưng thi thoảng cũng được liền bà thương, nhẽ ở cái lối văn chương bù bựa.
Thiên liền bà này có 10 bài, tôi biên không lề lối hay cấu tứ, tuyền tự nhiên cuộc đời thôi, như một lời nịnh đầm cũng được, mà cảm thán cũng chẳng sao. Dù gì đi nữa đó cũng là tiếng lòng tôi nức nở tri ân với những thân phận mà ít nhiều được gần gụi hay chứng kiến. Chuyện đầu tôi chép về một cặp thiếu nữ song sinh gần nhà, đặt tên là: Nhị Kiều đường cái.
***
Chuyện thứ nhất: NHỊ KIỀU ĐƯỜNG CÁI.
Làng tôi trước bến sau sông, phía rìa ngoài cùng là cái quan công lộ. Đường này dẫn thẳng lên miền ngược và thông sang đến cả xứ Ai-lao. Tôi ngày ngày cắp cặp ôm quản bút bê lọ mực mà đi trên đó, từ lúc trường làng cho đến khi lên trường huyện. Ngay ở đầu con dốc cây cầu nhỏ bắc qua bến sang bên đàng là nhà bà cả Hinh, chuyên nghề đồng cốt. Bà đẹp lắm, mặt lúc nào cũng thắm như đang say giầu, chưa kể là áo xống tuyền hạng xiêm y rực rỡ. Chẳng hiểu bà có chồng hay không nhưng tịnh chả thấy tiếng đàn ông bao giờ cả, chỉ có bà và hai thiếu nữ song sinh đẹp như con giời con phật, tên Na và Luyến. Nhà bà lưng đổ xuống bến, mặt hất cái quan, vị trí hài hòa thanh tú. Phía mặt tiền bà mở quán hàng, ban sáng bán đồ điểm tâm, từ ban trưa đến chập tối là la- gim hàng xén kiêm cả giải khát đỗ đen kem thùng mía tiện. Có căn đồng cốt nên bà bán chác khí chạy, quán hàng lúc nào cũng đông, khi thì lũ học trò bu lại mua chục bánh giấy, tá kẹo bi, khi thì đám viên chức lìu tìu ngồi dạng háng khề khà hột lạc rang chén diệu lạt. Cái sự ấy cứ từ sáng tới chiều đều như máy khâu vắt sổ. Những khi bà bận hầu đồng cô thánh cậu thì cặp song sinh thiếu nữ kia ngồi bán thay nên cái sự đông đảo huyên náo ngày thêm nhiệt.
Tôi không phân biệt được giữa Na và Luyến ai là chị, ai là em. Họ giống nhau như hai giọt kim lồ tinh khôi ban sáng. Cả hai đều học cấp 3 trường huyện, đâu như lớp 10, trong khi tôi là học trò trường làng quần chun lá chuối dái hạt kê. Những khi học về tôi hay tạt qua ngồi nép mình vào gốc cây xà cừ góc quán, phần ít là hóng người ta ăn quà, phần nhiều là chực chờ nhặt những nắp chai sa sâm ( một loại nước mát có ga thời thổ tả ) ai đó hào phóng quăng ra mà đem về tán bẹp chơi xèng chơi đáo. Nhiều hôm tha thẩn quên cả về nhà làm mẹ tôi réo rắt kiếm tìm rồi mặc sức bạt tai đá đít. Những khi thế chẳng biết chị Na hay là chị Luyến lại chạy ra, thanh minh thanh nga, rõ tội. Nhẽ vì cơ sự ấy nên tôi được hai chị chú ý hơn chăng bởi những lúc lê la hai chị luôn khuyên chóng về nhà và không quên dúi cho viên kẹo bi hay chiếc bánh giấy có màu xanh đỏ.
Nói các bạn đừng cười, bé tôi xinh giai lắm tuy cái sự lấm lem mũi dãi bút mực có làm suy giảm chút tuấn nhi, chửa kể lại có cái duyên con trẻ. Bằng chứng là hai chị ngày càng quý tôi, nhất là khi ngoan ngoãn vâng lời. Chỉ là cái việc đưa hai tay nhận kẹo bi bánh giấy hay dạ to rồi co cẳng chạy ù khi vồ những nắp sa sâm hai chị gom nhặt cho về chơi đáo. Thi thoảng tôi cũng vặt trộm dăm quả ổi cóc vườn nhà, dấm dúi găm cạp quần bẽn lẽn dâng lên hai chị. Mỗi khi thế tôi lại được ôm vào bọc, được ngồi cả lên đùi và thơm vào má. Sướng rung rinh.
Nhưng bà cả Hinh không ưa tôi. Những bận không có hai chị bà đuổi tôi như đuổi tà, rằng ra chỗ khác chơi để bà còn bán hàng. Nào tôi có quấy quả gì đâu nhưng rặt cái việc ngồi thu lu gốc xà cừ là ám quẻ lắm. Và ngay cả khi có hai chị thì bà vẫn xơi xơi, rằng a bọn trẻ trong làng tuyền giống lê la ăn cắp vặt, đuổi ra xa cho sạch quán xá, ngọc ngà. Tôi chả lấy làm tủi thân mấy bởi bé tí thì biết đếch gì, chỉ thấy ghét bà cả Hinh như ghét Thủy Tinh trong chuyện cổ. Sự đó làm hai chị thương tôi hơn, tất nhiên là theo lối khác. Là bắt tôi tránh mắt bà cả Hinh ra rồi hai chị lừa dịp mà cho kẹo bi bánh giấy lẫn nắp chai làm xèng. Tôi chỉ mỗi cái việc nấp sau thân cây xà cừ mà nhận ân huệ lẫn những cái ôm hôn mấy lị xoa đầu, thi thoảng còn bị chọc nách cho cười ré lên như ỉa chảy.
Năm tôi lên cấp hai, vưỡn hệ trường làng thì song sinh thiếu nữ đã cuối cấp ba và ra dáng lắm. Hai chị đẹp phọt lên rực rỡ như hướng dương ngay cả khi không có mặt giời. Tôi hơi có tí nhớn khôn nên cũng không còn thường lê la nơi quán xá. Nhưng hễ cứ đi ngang là lại đánh mắt vào. Nhỡ gặp bà cả Hinh thì cụp pha đi tiếp, còn nếu gặp hai chị là gân cổ chào to rồi chim sáo tung tăng. Lắm bận hai chị đuổi theo giật lấy cặp rồi dúi vào những thứ xưa cũ, tôi gẩy ra và bảo lớn rồi. Thảng có nét buồn trên mặt rồi hai chị cười phá, bẹo má tôi rồi bảo ừ nhỉ, lớn tướng rồi. Thật lòng thì tôi vẫn thèm kẹo bi bánh giấy và tích trữ nắp chai làm xèng chưa kể còn biết kinh doanh là dùng xèng đổi cho bọn chăn trâu trong làng lấy khoai lang và thóc nếp. Không hiểu tự khi nào tôi lại có cái suy nghĩ ngại ngần ra thế.
Bà cả Hinh dẹp hẳn mớ hàng xén lẫn giải khát ì xèo mà mở quán hàng to thêm chuyên cơm phở và đồ nhậu. Bà bắt hai song sinh ngọc ngà trinh nữ ở nhà phụ giúp mặc cho ý nguyện muốn đi thi sư phạm làm cô giáo bao dung. Bà lý rằng ăn học làm gì cho tốn cơm, đằng nào rồi cũng về nhà người ta khi gá nghĩa. Hai chị buồn lắm, khóc ròng rã mấy hôm rồi cũng thuận mà chuyên cần hôm sớm. Quán hàng khách khứa đông lắm, nổi cả hàng huyện lẫn hàng tỉnh. Không hẳn đồ ăn thức uống ngon lành mà cái chính là có hai bóng hồng tuyệt sắc. Người ta ngồi từ sáng tinh mơ đến mịt mờ vươn thở, từ choai choai mới lớn cho đến bô lão lọm khọm mắt toét răng long. Thôi thì kính thưa các thành phần, từ anh buôn than miền ngược cho đến thằng quan tỉnh dưới xuôi, thậm cả đến phường trộm trâu, đồ tể. Và tôi dần không còn để ý đến nữa bởi những khi đá mắt kiếm tìm thì người thời ở trong bếp, người thời lúi húi đong diệu dọn mâm. Thôi thế là từ nay đành lỗi hết, chẳng còn bánh giấy kẹo bi, chẳng còn đuổi theo giằng cặp. Mà nếu có, chã nhẽ lại nhét miếng dồi lợn hay khúc xương hầm?
Hôm tối trời nhà tôi có khách. Chả là bác cả anh bố tôi ở mạn bể có việc ở mạn trên nhỡ độ đường vào tá túc. Nhà chả còn gì ăn, mẹ tôi nặn mãi chun quần ra mấy nghìn bạc toan đi mua đùm lạc rang cút diệu lạt cho giọt máu trên – máu dưới lưu thông. Bà sai tôi đi. Tôi ù qua cầu sang bến mà đến quán nhà hai chị. Đèn măng – sông sáng choang một góc nhưng quán thời vắng lắm, chỉ nhõn hai thanh niên mặt hầm hố mặc áo Na – tô đội mũ cối lụp xụp húp phở mới lại giằng xé đùi gà. Hai chị ngồi thu lu mé bàn uống nước, người run rẩy, mặt xanh lét trong cái ánh sáng trắng cực độ của đèn măng – sông mà không thấy bóng bà cả Hinh đâu. Tôi đoán là bà đi cúng vái hay đồng cốt ở đâu đó. Hai chị ôm lấy tôi, bảo ở chơi mới vì lâu không gặp. Tôi xùy tiền bảo phải mua thứ này về rồi sẽ liệu mà sang không bố tôi đòn chết. Chẳng biết chị Na hay là chị Luyến đong diệu đùm lạc mà khi về lại có nguyên cái cổ gà luộc dài ngoẵng. Mẹ tôi khen lắm, bảo khéo mua. Tôi thì biết tỏng là là được hai chị gói thêm, đó hầu như là một sự ưu tiên cực kỳ ngang trái. Tôi nào biết nhắm diệu với lại cổ gà. Tôi chỉ thích ăn đùi như hai thanh niên mới gặp kia thôi.
Nhà có khách nên được rảnh chân, tôi tếch sang quán hàng như đã hứa. Vừa đến đầu cầu thì nghe một tiếng nổ váng giời. Nhìn lên đường cái quan là một màu đen kịt bởi không còn ánh măng – sông nhà hai chị hắt ra, chỉ có khói tỏa mịt mù và hăng hắc. Tôi lao lên. Trời ơi, một cảnh tượng điêu tàn không thể nào tả nổi. Mái quán lợp lá dừa bị thổi bay, hai bức tường mỏng hai bên đổ ụp. Một cảnh tối tăm và đổ nát. Tôi vòng hay tay vào mồm làm loa, vừa chạy vừa be ầm khắp làng trên xóm dưới.
Người ta túa ra đông lắm. Tôi chen chân như một sự hiếu kỳ. Tôi không hiểu gì cả. Mãi khi người ta đưa cái chiếu ra và đặt hai vật gì lên thì tôi ngã ngửa. Nằm đó là hai chị với bê bết máu me. Tôi hiểu ra thì đã muộn.
Sau này công bắt được kẻ thủ ác. Theo như người lớn bàn tán thì chính là hai thanh niên mà tôi gặp ở cái đêm định mệnh kia. Họ nói đây là hai thằng đầu gấu ở mạn trên đến ăn hàng và cưa hai chị nhiều tháng ròng không đổ. Và chúng đã gây ra sự việc tày giời kia như một sự trả thù bằng cách đánh mìn. Thật đúng với cái lối không tự đổ nên bố phải gài mìn vậy. Người làng tôi thương cảm lắm nhưng cũng có vài thanh niên chép miệng mà rằng, thật đáng đời cho nhị Kiều đường cái. Nhẽ họ cũng có lê la việc tán dương không đặng? Thật là một sự thủ ác ghê tởm chẳng khác gì hai kẻ vô lại kia.
Bà cả Hinh sau việc đó bán nhà đi đâu không rõ. Người thì bảo xuôi Nam, kẻ thì bảo vào chùa. Lắm đứa độc mồm còn phao là đã chết.
Tôi ám ảnh mãi chuyện đó đến tận giờ. Mỗi khi nhìn những giai nhân trên phố có nét hao hao hai chị là thảng thốt giật mình. Liền bà đẹp nhẽ đâu là nguồn cơn cho tội ác? Dẫu vẫn biết sắc đẹp muôn đời nay luôn cứu rỗi thế gian.
Khi kể lại chuyện này tôi phần nào được an ủi bởi các người đẹp thời nay hầu hết đều có danh vọng và giàu sang. Đâu đó có vài em méo mó mà hỏng đi phẩm tiết thì hãy coi đó như là những tai nạn đường đời. Cái sự thông cảm ấy nên lắm bởi dù sao họ cũng chỉ là đàn bà, hơn nữa lại là những người đàn bà đẹp. Tội lỗi và sự cứu rỗi làm nên họ và phẩm chất của mỗi chúng ta. Sắc đẹp có là tội lỗi? Không! Tội lỗi chỉ ở người sử dụng nó mà thôi. Trong chuyện này tôi hoàn toàn vô can và cực kỳ may mắn:)). Đó hầu như như là một sự vô duyên mang tính bác học và tinh hoa vậy.
Khà khà…
Phọt Phẹt
(Blog Phọt Phẹt)
Tin cùng chuyên mục:
Nam thanh niên bị hành hung dã man trong khu dân cư Đông An 2
Nghị định 168 và những luận điệu xuyên tạc của RFA
Hương sắc Hà Nội – Một trong 50 thành phố tuyệt vời nhất thế giới
Nóng: Giám đốc Đại học Huế bị bắt