LâmTrực@
Bạn đọc Bùi Khắc Phúc, tác giả của bài thơ “Hoàng Sa đất nước ta ơi” vừa gửi cho Tre Làng bài thơ Rừng ơi. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
RỪNG ƠI…!
“…Nhớ khi giặc đến giặc lùng
Rừng cây núi đá ta cùng đánh Tây
Núi giăng thành luỹ sắt dày
Rừng che bộ đội rừng vây quân thù…”(1)
*
Rừng ơi
về đâu?
Rừng về nhà sếp
Rừng về nhà giầu
Những tấm phản tấm sập trăm kích cỡ
Những bộ ngựa, bộ trúc(2) muôn hình
Mùi trắc, cẩm, hương(3)…xua tan mùi nhớ
Không còn màu thương đáy mắt
Chỉ còn mùi mật gấu, cao trăn
Chỉ màu nhung hươu, da hổ…
Chếnh choáng một khúc tê tê(4)
Rừng ơi
đi đâu?
Rừng đi Đu-bai
Rừng đi Ma Cao
Rừng chui vào hotel, cao ốc
Rừng rúc vào quán bar, quán nhậu
Rừng hóa kiếp trong tay người thợ(5)
Tay nở hoa và tim hóa đá?
Rừng là của riêng.
Ta vào rừng chơi
Không còn lo rắn đớp
Không còn sợ hổ vồ
Không rợn người bởi xạc xào cành cao ngọn thấp
Rừng vui hơn phố
Không còn nghe thác đổ
Chẳng thoang thoảng mùi lan
Không ríu rít vàng anh, sáo đá
Chẳng còn xanh tiếng hát
Không còn mướt tiếng cười
Tiếng người gào máy reo gầm rú
Tiếng cưa lốc rạch trời máu đổ
Đoàn xe rồng rắn xuôi về
Rừng ơi
Giàng(6) về đâu trú ngụ?
Mí(7) bật bếp ga cất rượu.
Ma(8) ngồi hát khúc Pơ thi(9) tiễn rừng,
Rừng ơi
Lá rừng còn che kín tấm thân em,
Chân trần vai trần mỗi chiều bên suối?
Em giờ bỏ rừng ra phố
Đong đưa theo khúc nhạc sàn…
Ta ngước nhìn đại ngàn
Loang loáng bóng lạc đà
Lầm lũi trong lòng ta.
Viết sau một chuyến thăm rừng trở về, 10/2008
(1) Thơ Tố Hữu (trích bài Việt Bắc);
(2) Những mẫu bàn ghế;
(3) Những loại gỗ quý hiếm;
(4) Tê tê : một loài động vật hoang dã, có giá trị kinh tế cao rất quý hiếm, ngâm rượu uống rất bổ dưỡng;
(5) Thợ đục, tạc tượng trên chất liệu gỗ;
(6) Giàng: thần, trời (cúng Giàng: một trong những nghi lễ của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên);
(7, 8) Danh từ chung dùng để xưng hô với người đàn ông và người phụ nữ đã đứng tuổi một cách thân mật của một số dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên (A ma: bố, A mí: mẹ);
(9) Pơ Thi (lễ bỏ mả): là lễ hội đậm chất văn hóa Tây Nguyên, lễ hội lớn, đông vui và dài ngày nhất của người Jrai, Bahna nhằm tiễn đưa các linh hồn người chết về với cội nguồn, bắt đầu vòng luân hồi sau một thời gian còn quấn quít, ràng buộc giữa người sống với người chết…
Tác giả : Bùi Khắc Phúc
GV Trường PTDT Bán trú THCS Nguyễn Bá Ngọc – Phú Thiện – Gia Lai
ĐT: 01632.038.647
Tin cùng chuyên mục:
Vụ thợ trang điểm bị lục soát người: Góc nhìn pháp lý và bài học về quyền cá nhân
UNESCO công nhận tín ngưỡng thờ Mẫu và luận điệu sai trái của Nguyễn Xuân Diện
Cà phê phố
Ukraine nói điều đáng sợ về tên lửa mới của Nga