LẠI CHUYỆN “ĐẤU TRƯỜNG 100” CỦA VTV

Người xem: 209

Hồi nhỏ trước nhà có con mương mà tụi trẻ con chúng tôi lao xuống bơi mỗi ngày. Có một hôm, tắm xong, lên nhà tắm lại nước sạch, lơn tơn đi mặc quần áo thì thấy giữa nhà có một con đỉa no căng đang nằm thư giãn trên nền đất. Giật bắn cả mình. Không hiểu vì sao nó có thể bò lên tận nhà kiếm mình. Nhìn xuống bẹn bỗng thấy một vệt máu tươi roi rói rỉ ra từ cái vết tròn đặc trưng của “nụ hôn đỉa“. Hóa ra nó đeo theo mình bấy lâu mà mình không biết. Và khi lên đến nhà thì nó no căng bụng, buông mình xuống đất nghỉ ngơi. Hú hồn, nó mà leo thêm tí nữa thì biết đâu lại có cuộc đại chiến giữa 2 con đỉa rùi!

Loài vật có sức sống mãnh liệt này quả là đáng sợ, không chỉ vì nó hút máu người mà còn đáng sợ hơn vì cái cơ thể dẻo hơn kẹo kéo của nó có thể kéo dãn ra như sợi cước và chui vào bất cứ ngóc ngách nào nó vớ được. Không những thế người ta còn đồn thổi về khả năng tái sinh từ đống tro tàn của nó, hệt như truyền thuyết về phượng hoàng của phương Tây. À, thậm chí còn hơn phượng hoàng vì theo thuyết tái sinh của đỉa thì 1 con bị đốt thành tro có thể tái sinh thành hàng trăm con đỉa con. Chỉ cần có nước!

Tuổi thơ mình cũng tin sái cổ vào cái thuyết này và con đỉa trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất!

Thời gian như đưa nôi, trải qua 3 – 4 đời nhà đỉa (tuổi thọ trung bình của đỉa khoảng 6 năm nhưng có thể sống đến 20 năm), khi thế kỷ thứ 21 trôi qua được cả chục năm, bỗng dưng rộ lên tin đồn có đỉa trong sữa, trong bim bim, mì tôm,… làm thiên hạ náo loạn. Các loại “nhà” phải vào cuộc để giải oan cho đỉa.

Ngỡ như chuyện đã qua, ấy vậy mà hôm nay truyền thuyết về đỉa tưởng đã chôn vùi cùng tuổi thơ dại khờ lại được tái sinh trong chương trình “Đấu trường 100” (ngày 24/11/2014) trên kênh VTV3 của đài truyền hình quốc gia VN. Trong chương trình “đấu trí” này, ban tổ chức đã đưa ra câu hỏi là: “Loài động vật nào dù bị đốt thành than chỉ còn lại vài tế bào vẫn có thể phát triển thành một cá thể mới?” với 3 đáp án trả lời là: A – Nghêu ; B – Cua ; C – Đỉa. Lẽ tất nhiên, người chơi sẽ chọn câu trả lời C theo đúng “truyền thuyết”.

Câu hỏi trong chương trình “Đấu trường 100” của VTV

Phải chăng VTV có vẻ vẫn đang thăng hoa trên con đường “ngu dân” của mình?

Trích 1 tí thông tin trên từ điển mở Wikpedia cho nhà đài thưởng lãm nhé: “Đỉa là một bộ sinh vật sống dưới nước thuộc ngành Giun đốt (Annelida) với đặc trưng cơ bản nhất là tổ chức cơ thể đã xuất hiện xoang cơ thể chính thức, cơ thể có phân đốt, hô hấp bằng mang. Cơ thể của Giun đốt nói chung cũng như Đỉa nói riêng gồm một chuỗi các đơn vị giống nhau được gọi là các đốt. Giữa các đốt có vách ngăn. Với cấu trúc này khiến cho mỗi đốt là một phần của cơ thể, có thể điều chỉnh ở một mức độ nhất định hoạt động chung của cơ thể. Đó là lý do chủ yếu cho việc khi cắt/gây tổn thương cá thể ở một số vị trí nhất định thì cá thể đỉa cũng như giun đốt có khả năng tái sinh và hình thành nên cá thể mới. Tuy nhiên, sự tái sinh này là hữu hạn, nếu làm phá vỡ cấu trúc thể xoang thì dù chỉ cắt cá thể ra làm đôi thì cá thể cũng không có khả năng tái sinh. Mặt khác, ngành Giun đốt đã xuất hiện hệ thống tuần hoàn kín, nên nó cũng sẽ không có khả năng tái sinh trong điều kiện đã phơi khô hoặc đốt cháy.”

Và MC Thái Tuấn của chương trình này có vẻ như đã đọc qua thông tin này trên Wikipedia nên trông anh không tự tin và ngượng ngập khi giải thích về đáp án này.

Nếu ai còn chưa yên tâm về những thông tin mà trang Wiki này đưa ra thì có thể tự trả lời câu hỏi này: Trong Đông Y, đỉa được phơi khô, xắt thật nhỏ, sao vàng đậm mà dùng. Vị thuốc này gọi là “thủy điệt” hoặc “mã hoàng”, có tác dụng làm tan huyết khối, trị mụn nhọt, phong lở… Vậy thì, người ta dám làm và uống vào cơ thể một thứ thuốc từ loài động vật mà “dù bị đốt thành than chỉ còn lại vài tế bào vẫn có thể phát triển thành một cá thể mới”?

Ngoài ra còn rất nhiều thông tin thú vị về loài động vật này mà các bạn có thể tham khảo tại trang web: 
http://www.impe-qn.org.vn/impe-qn/vn/portal/InfoDetail.jsp?area=58&cat=936&ID=2437

Rõ ràng truyền thuyết về đỉa có thể sẽ còn gây tranh cãi dài dài trong thiên hạ nhưng sự xuống cấp về trình độ chuyên môn, kiến thức và đạo đức nghề nghiệp của một bộ phận không nhỏ những người làm truyền hình của VTV, qua những sự kiện liên tiếp gần đây, là bất khả phủ nhận.

Nguyễn Thanh Tùng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *