Câu chuyện thứ bảy tuần này xin gửi tới độc giả nhật ký đẫm nước mắt của một người con trai viết về mẹ, nhưng ngày cuối đời bà. Trân trọng!
Nhật ký cho mẹ
Đôi lúc con tức đến tận cùng, con tức vì sao số phận lại mang mẹ đi. Con giận vì mẹ đã hy sinh một đời nhưng chưa một ngày ngơi nghỉ.
Không biết bắt đầu từ đâu, cứ mỗi lần định viết cho mẹ thì con lại khó thở và lồng ngực như nổ tung. Con tự nhủ phải tập quên, tập mạnh mẽ, tập đối diện, nhưng cuối cùng, Con vẫn mãi là con. Sống trong nhớ nhung, trong kỷ niệm, trong vòng lẩn quẩn, vì đó là cách duy nhất con có thể giữ mẹ cho mình…
Trời miền Trung chuyển mùa, khoác chiếc áo len mỏng, mình con lên thăm mẹ. Nhà mới mẹ cao lắm, trên một ngọn đồi gió mát, có thể nhìn xuống cả một vùng quê bình yên. Và đặc biệt mẹ có thể nhìn rõ nhà ngoại, nơi mẹ đã sinh ra và lớn lên. Con cứ hay thích thăm mẹ những lúc trời chập choạng tối. Lúc ấy, không gian xung quanh yên tĩnh lạ thường. Con có thể nói chuyện với mẹ thật nhiều, trách móc có, giận hờn có, xin lỗi có và yêu thương cũng nhiều…
4 tháng con bỏ tất cả để về với mẹ, là 4 tháng mà trong suốt quãng đời còn lại, không niềm vui nào có thể khiến con quên được. Những câu nói của mẹ khiến con gục ngã, con nhớ mãi có lần mẹ hỏi con: “Út ơi, sao bụng má cứ to lên miết…?”. Con cười xòa, xoa bụng má cái rồi nói: “Ăn không tiêu mà.. để con tìm thuốc má uống xong cái xẹp lép”. Rồi con chạy vào toilet, cắn môi để mẹ không nghe được tiếng con nức nở, con xả nước thật to để mẹ không thể nghe những tiếng nấc như khóc than cho sự bất lực của mình. Có đêm, mẹ ngủ rồi, con đốt thuốc, nhìn lên trời cao mà thầm hỏi: “Tại sao lại có một căn bệnh quái đản và độc ác đến thế?”.
Ngôi nhà mới con xây theo nguyện ước cả đời của mẹ. Ngày về nhà mới, mẹ qua nhà gặp bà con rồi bật khóc. Mẹ cười ngồi chung được với những cô là hội tù yêu nước với mẹ, được một lát, mẹ cảm thấy ù cả tai vì tiếng ồn, lúc đó con đã biết rằng, ngôi nhà này không dành cho mẹ nữa rồi, Con cố gắng sắm sửa cho ngôi nhà một cách trọn vẹn nhất, để mẹ thấy rằng, mẹ cũng có những phút giây tiện nghi nhất của một kiếp người.
Dường như chỉ duy nhất vài tuần đầu mẹ có thể ra phòng khách, nằm trên bộ sofa , cùng con xem tivi, những ngày sau đó là những chuỗi dài những mệt mỏi, những đau đớn, những đấu tranh giữa sự sống và cái chết. Oái ăm cho một con người là lúc cận kề của sự ra đi, thì khát khao được sống lại trỗi lên mãnh liệt. Mẹ muốn được sống lắm, con nhận biết điều đó. Nhìn thấy mẹ càng cố, mà thực tế cứ đi ngược lại, ánh mắt mẹ, lời nói mẹ, như cầu xin, như năn nỉ số phận. Những lúc ấy con tưởng chừng như không đứng vững, cố nói vài câu trấn an rồi chạy ra ngoai, lắc đầu thật mạnh, rít thuốc và nhủ lòng phải tiếp tục.
Một tháng rưỡi trước khi mẹ xa con. Một câu nói của mẹ với bác sĩ khiến con gục ngay tại phòng khách. Con gọi họ tới để trấn an cho mẹ, khi chào về mẹ ráng nói: “Con cố gắng cứu cô…”. Lúc ấy con chỉ muốn chạy vào và la lên, bỏ cuộc thôi má ơi, không có lối thoát nào nữa hết. Chấp nhận thôi, nhưng bĩnh tĩnh một lúc, con lại tiếp tục là một diễn viên, cười nói, xoa chân, chải tóc, giấu những giọt nước mắt sau lưng mẹ với sự bế tắc tột cùng của cuộc sống..
Cứ thế mẹ yếu dần. Khi những bước chân không vững, mẹ vẫn cố gắng vào phòng vệ sinh vì không muốn làm phiền con. Đến khi không cố được nữa, mẹ chỉ cái bô và thì thào: “Cho má ngồi thử”. Đỡ má ngồi, con đứng khuất sau và một lần nữa con bặm môi để giữ mình không được yếu đuối…
8 ngày cuối của mẹ là những khoảnh khắc con có thể thuộc lòng từng ngày, từng giờ, từng giây, mẹ nói gì, mẹ ăn ra sao, mẹ thở thế nào… Hàng xóm đến thăm, mẹ vẫn tỉnh táo, mẹ tỉnh táo khiến những ai đến với mẹ cũng trào nước mắt. Gặp ai mẹ cũng nói: “Thôi tạm biệt tất cả”. Đến khi không nói được nữa, mẹ vẫy tay chào. Cứ thế mẹ về với thiên thu.
Và cuối cùng con mồ côi, 21 ngày rồi mẹ nhỉ? Ở nơi đó mẹ sống ra sao? Con chắc mẹ của con sẽ không còn khổ đau, sẽ không dằn vặt, sẽ không đấu tranh để đổi lấy sự sinh tồn. Ở đó sẽ không còn bệnh tật, sẽ không có cái chết thứ hai đâu mẹ à. Đó là một sự khởi đầu vĩnh hằng, nhưng có một điều mẹ con ta chưa gặp nhau thôi. Con không biết mẹ nhớ con bao nhiêu, nhưng con nhớ mẹ vô cùng. Một nỗi nhớ mà trong cuộc đời con chưa một lần con đối diện. Nhưng đau một điều, trong nỗi nhớ của con chỉ toàn những bi thương, những dằn vặt theo con vào trong giấc ngủ, con luôn sống với từ “giá như”…
Đôi lúc con tức đến tận cùng, con tức vì sao số phận lại mang mẹ đi. Con giận vì mẹ của con đã hy sinh một đời chưa một ngày ngơi nghỉ thì tại sao ông trời lại bất công. Con trách vì mẹ con làm điều gì sai mà những ngày tháng cuối mẹ phải gánh chịu nhiều sự bất hạnh như thế. Và con tức bản thân con, bất chấp những lời khen và sự khâm phục của tất cả những ai dành cho con, con vẫn thấy mình yếu hèn và vô dụng, con đã không cứu được mẹ của con.
Giờ đây, cứ mỗi buổi chiều khuya. Con cứ đứng trước bàn thờ và nói vu vơ như một thằng điên, cúng cơm mẹ con cũng cúng theo cách của con. Có khi con còn nạt mẹ: “Về ăn cơm kìa mẹ, tự nhiên bỏ đi đâu xa lắc…”. Rồi con ngậm ngùi, con ráng nuốt những gì con vừa mời cho mẹ.
Ngày mai, con sẽ phải bắt đầu lại cuộc sống của con đã dần đánh mất 5 tháng qua. Giờ đây, con phải thay đổi, phải chấp nhận những ngày sắp đến. Con phải biết rằng, không còn ai trông mong con về, không còn ai để con khoe những chiến tích, không còn ai để con mua những món quà… Hành trang của con là kỷ vật của mẹ, là chiêc khăn tang và nỗi nhớ khôn nguôi nơi sâu thẳm con tim con
Mẹ, tình yêu con dành cho mẹ là duy nhất, trọn vẹn và to hơn cả vũ trụ trời cao!
Tác giả: Lê Đức Hoa
Tin cùng chuyên mục:
Kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ
Tại sao Nga vẫn chưa đáp trả? Khi nào Nga mới áp dụng biện pháp răn đe hạt nhân như Học thuyết mới đã nói?
Công an Hà Nội lập công lớn trong cuộc chiến chống tội phạm xuyên quốc gia
Thực phẩm chức năng giả: Hiểm họa từ những lời quảng cáo thổi phồng