Tàu Kiểm ngư 951 của Việt Nam bị đâm nát mạn trái.
Trong hàng loạt bài viết cuối tuần qua sau các cuộc gặp giữa ASEAN và Trung Quốc (TQ) để thảo luận Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa các bên liên quan diễn ra tại Bali (Indonesia), dư luận quốc tế đã chỉ trích “ngoại giao pháo hạm” của TQ và cách TQ không chịu tham gia đàm phán thực chất để đạt tới COC.
Ít hy vọng cho COC
Tờ Bangkok Post của Thái Lan ngày 30.6 có bài xã luận với tựa đề “TQ cần phải đàm phán”. Bài báo viết: “Suốt tháng qua, TQ đã châm ngòi cho các tranh chấp, đặc biệt với Việt Nam”, mà công cụ chính là các giàn khoan – một thứ công cụ lạ lùng, song TQ đã sử dụng nó để thúc đẩy các mục đích của họ và để đối đầu với ai phản đối mục đích đó.
Bài báo viết: “Theo mệnh lệnh của chính phủ, công ty dầu khí quốc gia TQ xúc tiến các tuyên bố về lãnh thổ bằng cách kết hợp việc tìm kiếm dầu với sự có mặt của các tàu quân sự, tàu hải cảnh để bảo đảm an ninh cho các giàn khoan. Mục tiêu rõ ràng của kiểu ngoại giao pháo hạm thế kỷ 21 này là Việt Nam và Philippines”. Tờ báo cho rằng, TQ cần biến ngoại giao giàn khoan cứng rắn thành đàm phán thực sự với ASEAN mới có thể giải quyết được các tranh chấp.
Trên tờ South China Morning Post ngày 30.6, học giả Mark Valencia nói thẳng: “Ít hy vọng cho Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông”. Trong bài viết này, ông Valencia nhắc lại, sau 12 năm kể từ khi Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ra đời, ASEAN và TQ cho đến giờ vẫn đàm phán các nguyên tắc chung như các bên cần xây dựng lòng tin chính trị, cần tuân thủ Hiến chương LHQ và Công ước Luật Biển LHQ 1982… Ông Valencia cho rằng, các nước ASEAN cần đoàn kết trong việc xây dựng và giải thích COC.
Tương tự, trên trang The Diplomat của Nhật Bản hôm 29.6, trong bài viết “TQ để các giàn khoan đàm phán”, nhà phân tích Luke Hunt nói rằng, quan điểm của TQ không đem lại kết quả gì cho cuộc gặp của ASEAN với TQ về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông diễn ra mới đây tại Bali (Indonesia). Cách tiếp cận của TQ về vấn đề lãnh thổ trở nên cứng rắn hơn trong mấy năm gần đây, phớt lờ luật pháp quốc tế. Sau khi TQ công bố sẽ triển khai 4 giàn khoan nữa ở Biển Đông mà Bộ Ngoại giao TQ xem là “chuyện bình thường”, và nếu các giàn khoan đó tiến tiếp về phía nam Biển Đông tới quần đảo Trường Sa, và một lần nữa tiến vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
“Như một đế quốc thực dân…”
Sau khi phân tích về cách hành xử của TQ, tác giả Luke Hunt viết: “Bằng cách cư xử như một đế quốc thực dân thế kỷ 16, TQ đã áp đặt tuyên bố chủ quyền với hơn 90% Biển Đông, nơi một nửa hàng hóa thế giới đi qua. Sự quả quyết của TQ là không thể đàm phán được, khiến cho bất kỳ ý niệm nào về COC hay ngay cả DOC cũng không đáng giá để các đoàn đại biểu phải mất một tấm vé máy bay tới Bali. Có lẽ giờ là lúc bãi bỏ các cuộc đàm phán, ít nhất cho đến khi TQ có cách tiếp cận thực tế hơn, phù hợp với một cường quốc thế giới trong thế kỷ 20”.
Học giả Richard Heydarian cuối tuần qua cũng có những bình luận chỉ trích cách hành xử của TQ trong việc thực thi các tuyên bố chủ quyền trên biển, từ việc đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, việc xây dựng các pháo đài, sân bay trên các đảo trong vùng biển của Việt Nam, tôn tạo các đảo đá nhỏ, việc phát hành bản đồ, hộ chiếu “nuốt trọn” Biển Đông… “Rõ ràng là TQ đang tìm cách thống trị thực tế ở các vùng biển tiếp giáp và dùng các biện pháp mang tính cưỡng chế với các nước láng giềng…”.
Ông Heydarian cho rằng, mặc dù TQ nhất trí thúc đẩy đàm phán cụ thể với ASEAN về COC, nhưng trong năm nay các bên chỉ chứng kiến “những trao đổi chủ yếu là vô ích” về COC. Và nếu xét đến ảnh hưởng của TQ với một số thành viên ASEAN, thì đàm phán để đồng thuận COC khó đem lại kết quả trong tương lai gần.
Cựu cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Stephen Hadley, phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Hòa bình thế giới tại Bắc Kinh cuối tuần qua, nói rằng Mỹ không đứng sau các xung đột trên Biển Đông như cách nghĩ của nhiều người TQ. Ông khẳng định: “Việc để TQ chia sẻ một số trách nhiệm mà giờ đây chủ yếu do Hải quân Mỹ đảm nhiệm là điều có lợi ích lớn với Mỹ”. Song, Mỹ và các nước láng giềng của TQ mong muốn thấy sự minh bạch lớn hơn về khả năng hải quân của TQ, để tin tưởng rằng, việc mở rộng hải quân có mục đích bảo vệ các tuyến hàng hải như ở Biển Đông. Ông Hadley nói, thực tế sự mở rộng của hải quân TQ không chỉ khiến người Mỹ nghi ngờ và lo ngại, mà cả với các nước Đông Nam Á cũng vậy.
Nguồn: Báo Lao Động
Tin cùng chuyên mục:
Hương sắc Hà Nội – Một trong 50 thành phố tuyệt vời nhất thế giới
Nóng: Giám đốc Đại học Huế bị bắt
Nhà báo quay clip xe múc đất rồi “gợi ý quà Tết”
Phương án cải tạo sông Tô Lịch: Cần làm rõ để đảm bảo hiệu quả